Trai quê lấy vợ thành phố
Xuất thân từ một vùng quê ở ngoại thành Hà Nội lên phố học tập, tôi mất một khoảng thời gian khá dài tự đi làm, tự đi học và gửi tiền về quê phụ giúp bố mẹ đã già.
Năm 32 tuổi, tôi kết hôn. Một chàng trai nhà quê, dung mạo bình thường, làm chuyên viên pháp chế trong một trường đại học, lương sau 8 năm cống hiến chỉ dừng ở mức 7 triệu.
Lấy nhau là cái duyên cái số, vợ tôi là một người con gái gốc Hà Nội, con nhà có ăn có học, có nhan sắc. Nhà bố mẹ vợ trước có phòng trọ cho sinh viên thuê và tôi là một trong những sinh viên từng ở trọ tại đây. Bố mẹ vợ thấy tôi hiền lành, chăm chỉ, con gái lại thương yêu vậy nên chúng tôi đến với nhau.
Khi đó, vợ tôi làm ở một công ty viễn thông, lương cao hơn tôi đôi chút, tổng thu nhập hai vợ chồng khoảng 15 triệu đồng một tháng. Số tiền này không phải là nhiều cũng không phải là ít nhưng nếu nói để mua nhà thì vẫn rất gian nan, vì khi lấy nhau tôi đã 32 tuổi, vợ 31, không phải ở cái tuổi có quá nhiều khát vọng và hoài bão.
10 năm ở rể, tôi tiết kiệm được 700 triệu
Nhà bố mẹ vợ tôi khá rộng, cậu em trai cũng đã lấy vợ có con nhưng ở vẫn rất thoải mái. Bố mẹ cho chúng tôi ở nhờ hai phòng trọ trước mắt, sau này có tiền sẽ mua nhà sau.
Tôi cảm thấy như vậy là quá tốt với hai vợ chồng lúc đó, bởi lẽ chúng tôi lúc đó đã có tuổi nên đẻ liền 2 bé gái, tốn rất nhiều chi phí, nếu như phải đi thuê nhà nữa thì sẽ là một gánh nặng rất lớn.
Hai ông bà là cán bộ về hưu nên cũng có nhiều thời gian trông cháu cho vợ chồng tôi đi làm, nhiều hôm mẹ vợ còn bỏ tiền riêng ra đi chợ hộ, mua sắm một số thứ cho 2 vợ chồng mà không bao giờ tính toán.
Thời gian khi vợ tôi nghỉ ở nhà chăm sóc 2 bé gái, thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào tôi với đồng lương ít ỏi. Hai vợ chồng bóp bụng trong rất nhiều khoản chi tiêu, mọi ưu tiên đều dành cho con, nhất là tích cóp một chút đề phòng con ốm. Cũng may là các con ít ốm, chỉ thỉnh thoảng ốm vặt nên hai vợ chồng thở phào nhẹ nhõm khi các cháu lần lượt đi học.
Khi các cháu đi học, tổng thu nhập của vợ chồng tôi tăng lên đôi chút nhưng để so với chi phí cho các cháu đi học cũng không bõ bèn vào đâu. Suốt trong thời gian lấy nhau vợ chồng tôi chưa đi du lịch xa lần nào, quần áo mới là một thứ xa xỉ, thậm chí, bố vợ có nhiều quần áo cũ còn mặc được tôi tận dụng xin về mặc với tư duy “cũ người mới ta”.
Vợ chồng tôi chỉ chi những thứ bắt buộc trong sinh hoạt gia đình còn những việc như ăn nhà hàng, lên đời xe hay điện thoại, xem phim, ca nhạc... chưa từng xảy ra khi lấy nhau. Vì vậy mà mỗi tháng hai vợ chồng để ra được khoảng 5 triệu. Vẻn vẹn 10 triệu một tháng, 4 người chúng tôi vẫn sống tốt giữa trung tâm Hà Nội.
Sau này, tôi nhận thêm công việc tư vấn luật ở bên ngoài, thu nhập cũng được thêm 2 đến 3 triệu một tháng, trang trải được nhiều khoản hơn trong gia đình. Tại cơ quan tôi, nhiều người có điều kiện cho con học trường quốc tế, có ô tô riêng đưa đón con đi học, họ đi du lịch vài tháng một lần như đi chợ nhưng những điều đó không làm tôi chạnh lòng.
Vợ chồng tôi quan niệm rất đơn giản, đừng cho con cái những gì tốt nhất mà hãy để con phát triển tự nhiên, được đói một lần, được khóc một lần, được cô đơn một lần con sẽ tự trưởng thành hơn. Trường quốc tế hay trường bình thường đều có mặt tốt, hôm nay con được 5 điểm mai được 6 là bố mẹ mừng.
Sau hơn chục năm lấy nhau, vợ chồng tôi để ra được khoảng 700 triệu. Số tiền này để mua nhà vẫn là một bài toán khá khó nhưng vợ chồng tôi cũng tính các phương án bởi không thể ở nhờ mãi bố mẹ vợ được.
Bài toán "mọc lãi" từ đất
Đúng lúc đó, nhà chú ruột vợ tôi muốn bán mảnh đất ở mặt đường Nguyễn Thị Định đi để sang nước ngoài định cư. Mảnh đất rộng tới 54m2 với 4m mặt tiền, chú rất muốn bán cho con cháu trong nhà để sau này có dịp về thăm cho tiện. Thấy vậy, vợ chồng tôi đề nghị chú bán lại với mức giá thấp và chú đồng ý với mức giá 1 tỷ.
Ban đầu vợ tôi không thích lắm vì cô ấy là người sống nội tâm, không thích ồn ào, cô thích mua một mảnh đất ngoại thành yên tĩnh một chút. Thế tôi khuyên, mình cứ mua để giữ đất cho chú là thứ nhất, thứ hai nếu không ở mình xây cho thuê, chắc chắn sẽ hồi vốn nhanh rồi sau có tiền sẽ mua mảnh đất ngoại thành sau.
Thấy tôi nói có lý, vợ tôi đồng ý, lại được bố mẹ vợ hỗ trợ thêm, vợ chồng tôi có đủ 1 tỷ để mua lại mảnh đất của chú.
Gọi là chủ đất nhưng mới có đất mà chưa có nhà. Bài toán xây nhà chắc chắn khó chẳng kém mua đất, nhất là xây nhà với mục đích cho thuê. Bấy giờ, khu tôi ở người Hàn Quốc sinh sống rất đông, tôi biết được thông tin có một vài người Hàn Quốc muốn thuê mặt bằng để mở quán ăn Hàn ở đây mà chưa tìm được chỗ.
Thấy thế đất nhà mình đẹp, mặt tiền rộng rãi lại chưa xây, bây giờ mà có tiền xây theo ý khách thuê thì có thể thu mấy chục triệu một tháng.
Nhưng nghẹt nỗi, sau mua đất vợ chồng tôi trắng tay. Vợ chồng tôi lấy sổ đỏ đi cầm cố ngân hàng được 2 tỷ, sau đó xây và thiết kế theo đúng phong cách nhà hàng Hàn Quốc, sau 4 tháng thi công, ngôi nhà 5 tầng đã hoàn thành.
Tôi cho thuê 3 tầng dưới làm nhà hàng Hàn Quốc còn vợ chồng con cái ở trên tầng 4 và 5. Hằng tháng, tôi thu được 40 triệu đồng tiền thuê nhà, cộng thêm thu nhập 2 vợ chồng khoảng 20 triệu, vậy là có 60 triệu một tháng.
Mỗi năm tôi để ra khoảng 500 triệu, và sau 4 năm tôi đã trả sạch nợ cho ngân hàng và bắt đầu có lãi từ thuê nhà.
Số "đỏ" và sự chắt chiu, đồng thuận của hai vợ chồng
Tôi cũng không thể ngờ rằng số tôi lại "đỏ" như vậy, chỉ với số tiền 700 triệu tích cóp hơn chục năm trời, chi tiêu tiết kiệm mà bây giờ tôi sở hữu một mảnh đất mặt đường, địa thế đẹp, một ngôi nhà 5 tầng rộng rãi và một nguồn thu cứng tới 40 triệu đồng một tháng.
Trước tiên phải kể đến may mắn khi chú vợ nhượng lại mảnh đất rẻ, tiếp đó là sự đồng thuận của vợ chồng tôi khi mạnh dạn vay lãi ngân hàng để xây nhà cho thuê. Hơn chục năm vất vả, tôi thương vợ nhiều khi hiểu và luôn cùng chồng cố gắng trong việc chi tiêu hợp lý để có khoản tiền tiết kiệm.
Tuy cuộc sống bắt đầu dư dả hơn nhưng tôi vẫn giữ nghề làm pháp chế tại trường đại học, thu nhập tuy không vượt quá 2 con số nhưng môi trường đó giúp tôi có nhiều mối quan hệ cả trong công việc, học tập, kết giao bạn bè.
Sinh hoạt trong căn nhà tuy hơi chật chội, cộng với việc ở dưới là nhà hàng hơi ồn ào nhưng trước mắt vợ chồng tôi vẫn sẽ ở như vậy và tích góp dần để mua một mảnh đất ở ven đô, ở đó sẽ không quá xô bồ và ồn ào thích hợp cho vợ chồng tôi về già sinh sống.
Bài học lớn nhất của tôi để có được như ngày hôm nay không gì khác đó là sống giản đơn, nhẹ nhàng, tiết kiệm không quá kỳ vọng hay ham muốn. Tôi biết rằng ngoài xã hội còn rất nhiều người khó khăn, cơm không đủ no chứ chưa nói gì đến mua nhà để ở.
Vậy nên, làm được ít tiền hay nhiều chưa phải quan trọng mà cách sống, cách chi tiêu và cách biết hạnh phúc như thế nào mới là điều quan trọng. Nếu chỉ nhìn vào đồng lương của tôi và vợ thì có lẽ chẳng ai dám mua nhà bởi họ còn bao ham muốn khác chưa thể vượt qua được như ăn tiêu, mua sắm, đi du lịch, theo đuổi công nghệ hay bất cứ mẫu mã gì mới ra.
Người dự thi: Nguyễn Văn Công (Hà Nội)
Với mong muốn giúp những người đang và sẽ có nhu cầu mua nhà Hà Nội có cái nhìn thực tế hơn cũng như có thêm động lực thực hiện ước mơ của mình, Tạp chí điện tử Gia Đình Mới phát động cuộc thi “Hành trình mua nhà Hà Nội của tôi”.
Trong đó nội dung tập trung:
• Chia sẻ bước ngoặt nào khiến bạn đi đến quyết định mua nhà? Những khó khăn phải đối mặt khi mua nhà, cách giải quyết các vấn đề đó như thế nào?
• Kinh nghiệm tính toán chi tiêu, kế hoạch trả nợ sau khi đã vay tiền mua nhà Hà Nội?
• Làm thế nào tìm được một dự án nhà đầy đủ tính pháp lý, đúng tiến độ, chọn ngân hàng nào để có lãi suất tốt khi mua nhà?
• Cảm xúc về ngôi nhà đó ra sao? Kỷ niệm vui, buồn sâu sắc nhất trải nghiệm trong quá trình mua ngôi nhà của mình
Ngoài được hưởng nhuận bút trị giá 500.000 đồng/bài, các tác giả còn có cơ hội nhận giải thưởng tuần, quý, chung cuộc lên hàng chục triệu cùng các chuyến nghỉ mát ở resort 5 sao và tặng phẩm.
Chi tiết TẠI ĐÂY
Cuộc thi được tài trợ, đồng hành bởi các thương hiệu:
Bạn đang xem bài viết Tôi đã lấy con gái chủ nhà trọ và ở rể 10 năm trước khi tất tay mua đất, xây nhà ở Hà Nội tại chuyên mục Bất động sản của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].