Với chủ đề “Phương thức đối thoại với thiên nhiên”, “Tỏa IV” khiến người xem phải chiêm nghiệm khi xóa bỏ những khô khan cố hữu của các triển lãm nghệ thuật thông thường. Gần 40 tác phẩm nghệ thuật từ hơn 20 nghệ sĩ trong nước và quốc tế, do hai nhà nghiên cứu nghệ thuật Abhijan Toto và Đỗ Tường Linh đồng giám tuyển, mang tới cho công chúng yêu nghệ thuật và đặc biệt là giới trẻ những góc nhìn nghệ thuật hiện đại và cởi mở.
Mỗi tác phẩm tại Triển lãm đều mang sắc thái hoàn toàn mới mẻ, được tạo nên từ chuỗi ý tưởng độc đáo của các nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu trong việc “vẽ lại” dòng suy nghĩ về các mối quan hệ giữa đời sống thiên nhiên và thế giới con người. “Tỏa IV” khiến người xem đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi khám phá ra thông điệp thú vị ẩn chứa đằng sau những điều tưởng như đã quá quen thuộc.
Triển lãm lấy điểm khởi đầu từ lịch sử hệ sinh thái tự nhiên trong và ngoài khu vực Đông Nam Á, đồng thời đưa ra những góc nhìn khác nhau về lịch sử và hiện tại. Nhưng không đi theo tuyến tính thông thường, khi người xem vẫn còn đang đắm chìm trong những câu chuyện đầy cảm xúc, “Tỏa IV” lại bất ngờ đưa họ tới một “vũ trụ” khác. Ở đó, con người và thiên nhiên có mối quan hệ tương hỗ, chăm sóc, bao bọc lẫn nhau.
Cấu trúc 4 phần của Triển lãm giống như 4 tập phim lôi cuốn người xem từ những phân cảnh đầu tiên và khiến họ xuýt xoa, tiếc nuối khi những thước phim cuối cùng khép lại. Ngôn ngữ và không gian nghệ thuật của Triển lãm cũng có sự biến hóa khôn lường, từ trực diện đến ẩn dụ, từ hiện tại tới tương lai, khiến người xem không thể rời mắt.
“Tỏa IV” còn giống như một cuộc phiêu lưu kỳ thú với đầy ắp những câu chuyện sinh động về các miền đất mới. Nhà nghiên cứu - nghệ sĩ Pujita Guha đưa ra một loạt hình ảnh về những khu rừng cà phê ở phía Bắc Thái Lan, nghệ sĩ Cian Dayrit kể câu chuyện về dân tộc thiểu số ở Philippines, trong khi nghệ sĩ Duy Hoàng lại kết nối với biển qua trải nghiệm riêng tư cá nhân bằng những hình ảnh hiển vi của hạt nước chứa tảo.
Ở một góc nhìn khác, nghệ sĩ Oanh Phi Phi đặt lại khái niệm thời gian thông qua hình ảnh bể cá phản chiếu sử dụng chất liệu sơn mài.
“Các tác phẩm nghệ thuật, tài liệu nghiên cứu được trình bày tại Triển lãm tạo thành một câu chuyện phi tuyến tính, làm sáng tỏ những dấu mốc thường bị bỏ qua, đưa chúng ta đến một không gian của cảm xúc, một không gian tồn tại khác với thế giới của con người”, giám tuyển Abhijan Toto chia sẻ.
Mỗi tác phẩm tại “Tỏa IV” là một phần của cuộc đối thoại trực diện với thiên nhiên. Trong cuộc đối thoại phi ngôn từ đó, con người sẽ hiểu hơn về thế giới xung quanh thông qua những góc nhìn đa chiều mà mới lạ mà người nghệ sĩ gửi gắm qua từng tác phẩm.
Không ồn ào cũng chẳng náo nhiệt như các sự kiện giải trí đình đám, “Tỏa IV” vẫn lan toả một sức hút mãnh liệt và níu chân những người trẻ. Triển lãm mở ra một không gian tĩnh lặng để người trẻ cân bằng cảm xúc giữa nhịp sống bộn bề, đồng thời khám phá những cá tính còn tiềm ẩn trong con người mình.
“Tỏa” là chuỗi triển lãm mang dấu ấn đặc trưng của VCCA. Trước đó, VCCA đã thành công với “Tỏa I” (2017), “Tỏa II” (2018) và “Tỏa III” (2019), đưa “Tỏa” thành sự kiện uy tín, một điểm hẹn cảm xúc được công chúng yêu nghệ thuật mong chờ hàng năm.
Triển lãm “Tỏa IV” mở cửa tự do từ ngày 16/9/2022 tới hết ngày 30/11/2022 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), B1-R3 Vincom Mega Mall Royal City, 72 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.
Yến AnhBạn đang xem bài viết “Tỏa IV” tại VCCA: Cuộc đối thoại của người trẻ với tự nhiên tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].