Tình dầu hương thảo là một loại tinh dầu quen thuộc và được sử dụng phổ biến trong đời sống. Vậy tinh dầu hương thảo có tác dụng gì, hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
1 Tinh dầu hương thảo là gì?
Tinh dầu hương thảo được chiết xuất bằng phương pháp chưng cất lá và hoa cây Rosmarinus officinalis. Đây là loài cây bụi mọc phổ biến ở Địa Trung Hải, lá hình kim và có mùi thơm, thường được sử dụng trong ẩm thực và mỹ phẩm.
Tinh dầu hương thảo đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe không chỉ về thể chất mà còn về tinh thần. Với hương thơm ấm áp, dễ chịu do đó chúng có tác dụng giảm căng thẳng và mệt mỏi hiệu quả.
Tinh dầu hương thảo được chiết xuất từ cây Rosmarinus officinalis
2 Tác dụng của tinh dầu hương thảo
Kháng nấm
Các thành phần tinh dầu chứa trong cây hương thảo như cineol, camphor và pinel được chứng minh có khả năng kháng nấm mốc Aspergillus flavus và kháng cả độc tố aflatoxin. Do đó, tinh dầu hương thảo có thể được sử dụng như một thuốc diệt nấm tổng hợp.
Tinh dầu hương thảo có khả năng kháng nấm Aspergillus flavus
Cải thiện tâm trạng
Ngửi tinh dầu hương thảo được chứng minh có tác dụng giảm lo lắng, cải thiện tâm trạng, tăng khả năng tập trung và trí nhớ. Cụ thể, một nghiên cứu ở 20 tình nguyện viên khỏe mạnh cho thấy ngửi tinh dầu hương thảo giúp kích thích hoạt động của não bộ và cải thiện tâm trạng đáng kể.
Ngửi tinh dầu hương thảo giúp giảm lo lắng, cải thiện tâm trạng
Cải thiện tình trạng bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer là bệnh lý liên quan đến sự thoái hóa xảy ra ở não, khiến các tế bào não teo lại và chết đi, từ đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh của người bệnh.
Một nghiên cứu cho thấy rằng, tinh chất trong cây hương thảo có thể bảo vệ sức khỏe não bộ bằng cách làm chậm quá trình lão hóa của tế bào não, điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với bệnh nhân Alzheimer.
Tinh dầu hương thảo làm chậm quá trình lão hóa tế bào não
Kích thích mọc tóc
Tinh dầu hương thảo có khả năng làm giảm rụng tóc và kích thích mọc tóc khi được thoa trực tiếp lên da đầu 2 lần mỗi ngày.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, bôi tinh dầu hương thảo mỗi ngày trong vòng 7 tháng giúp cải thiện tình trạng rụng tóc ở 44% trường hợp so với nhóm chứng sử dụng dầu jojoba và hạt nho chỉ cải thiện 15%.
Bôi tinh dầu hương thảo lên da đầu giúp kích thích mọc tóc
Giảm đau
Một nghiên cứu kéo dài khoảng 2 tuần ở những người hồi phục sau đột quỵ đã cho thấy rằng, sau khi dùng tinh dầu hương thảo kết hợp cùng với bấm nguyệt trong vòng 20 phút thì cơn đau cải thiện 30% so với những người chỉ được bấm huyệt không dùng dầu đã giảm đau 15%.
Trong một nghiên cứu khác trên động vật, tinh dầu hương thảo đã được chứng minh có hiệu quả giảm đau tốt hơn một chút so với paracetamol.
Trong y học dân gian, hương thảo được dùng như một thuốc giảm đau nhẹ
Tăng cường lưu thông máu
Tinh dầu hương thảo có khả năng kích thích tuần hoàn máu nhờ cơ chế làm giãn mạch máu, từ đó máu đi đến ngón tay và ngón chân dễ dàng hơn.
Cụ thể, ở một người phụ nữ mắc hội chứng Raynaud, sau khi xoa bóp bàn tay của mình bằng tinh dầu hương thảo thì cảm thấy ngón tay ấm hơn nhiều so với các loại dầu khác đã dùng.
Tinh dầu hương thảo kích thích tuần hoàn máu
Cải thiện làn da
Các hợp chất polyphenol trong tinh dầu hương thảo có hoạt tính chống oxy hóa và kháng viêm hiệu quả. Nhờ đó, tinh dầu hương thảo không chỉ được sử dụng để kiểm soát các vấn đề mụn trứng cá mà còn giúp ngăn ngừa lão hóa da.
Tinh dầu hương thảo giúp kiểm soát các vấn đề mụn trứng cá
Bảo vệ răng miệng
Tinh dầu hương thảo đã được chứng minh có hoạt tính kháng lại vi khuẩn Streptococcus sobrinus, đây là tác nhân phổ biến gây sâu răng. Do đó, khi bạn thêm tinh dầu hương thảo vào nước súc miệng hay kem đánh răng có thể cải thiện tình trạng sâu răng và viêm nướu đáng kể.
Tình trạng sâu răng được cải thiện nhờ sử dụng tinh dầu hương thảo
Cải thiện chức năng hô hấp
Phương pháp xông hơi bằng tinh dầu hương thảo có tác dụng cải thiện chức năng hệ hô hấp hiệu quả. Các tinh dầu (camphor, eucalyptol) chứa trong hương thảo giúp thông khí và giãn phế quản phổi, nhờ đó cải thiện các vấn đề như ho, sổ mũi, cảm lạnh, đau họng,...
Tinh dầu hương thảo giúp cải thiện triệu chứng bệnh cảm lạnh
Cải thiện tình trạng viêm khớp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý tự miễn, diễn biến kéo dài với các biểu hiện đặc trưng là viêm và tổn thương niêm mạc khớp. Những người viêm khớp dạng thấp sau khi sử dụng tinh dầu hương thảo mát-xa đầu gối 3 lần mỗi tuần đã giảm 50% cơn đau khớp gối.
Tinh dầu hương thảo giúp cải thiện bệnh lý viêm khớp dạng thấp
Xua đuổi côn trùng
Một trong những công dụng tuyệt vời mà tinh dầu hương thảo mang lại là giúp xua đuổi côn trùng như muỗi, bọ xít, bọ chét,... Đây là giải pháp sử dụng nguyên liệu tự nhiên thay thế cho các sản phẩm chống côn trùng, sâu bọ bằng hóa học.
Xua đuổi côn trùng bằng tinh dầu hương thảo
Một số tác dụng khác
Tinh dầu hương thảo còn có một số tác dụng khác như sau :
- Chống ung thư: tinh dầu hương thảo có đặc tính kháng viêm và chống oxy hóa nhờ đó hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư.
- Hỗ trợ gan và hệ tiêu hóa: hương thảo kích thích giải phóng mật do đó giúp tiêu hóa chất béo từ thức ăn.
- Ngăn chặn ngộ độc thực phẩm: dầu hương thảo ức chế sự phát triển của một số chủng vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm.
- Giảm tác dụng phụ của kháng sinh: khi sử dụng hương thảo cùng với thuốc kháng sinh thì bạn có thể dùng kháng sinh với liều thấp hơn, từ đó giảm tác dụng phụ.
- Giảm tình trạng đề kháng kháng sinh: hương thảo có thể làm suy yếu thành tế bào của vi khuẩn đề kháng với kháng sinh
Tinh dầu hương thảo hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa
3 Cách sử dụng tinh dầu hương thảo hiệu quả
Nhỏ vài giọt tinh dầu lên các vật dụng gần gũi với bản thân như gối, khăn, túi thơm,... để lưu giữ hương thơm. Hoặc bạn có thể thêm tinh dầu vào nước tắm để thư giãn cơ thể sau một ngày dài làm việc mệt mỏi.
Một cách khác là bạn có thể nhỏ trực tiếp tinh dầu hương thảo lên da đầu rồi ủ khoảng 30 phút để kích thích mọc tóc. Ngoài ra, mọi người cũng có thể thêm tinh dầu hương thảo vào máy khuếch tán tinh dầu để làm giàu không khí xung quanh.
Sử dụng máy khuếch tán chứa tinh dầu hương thảo giúp thư giãn hiệu quả
4 Tinh dầu hương thảo có thể tự làm ở nhà được không?
Bạn có thể tự làm tinh dầu hương thảo đơn giản tại nhà với các bước như sau:
- Bước 1: Rửa thật sạch 1 chén lá hương thảo tươi để loại bỏ bụi bẩn và tạp chất.
- Bước 2: Cho lá hương thảo đã rửa và 2 chén dầu (dầu oliu, dầu jojoba, dầu bơ hay dầu dừa) vào nồi.
- Bước 3: Tiến hành nấu trong vòng 6 - 7 tiếng ở mức nhiệt độ thấp.
- Bước 4: Lọc dung dịch dầu thu được qua miếng vải sạch để thu được tinh dầu hương thảo.
Các bước tự làm tinh dầu hương thảo tại nhà
5 Lưu ý khi sử dụng tinh dầu hương thảo
Dưới đây mà một vài lưu ý khi sử dụng tinh dầu hương thảo:
- Các đối tượng bao gồm phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em dưới 6 tuổi, người bị rối loạn chảy máu, động kinh hay có huyết áp không ổn định cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
- Tinh dầu hương thảo có thể gây tương tác với một số nhóm thuốc như thuốc chống đông máu (warfarin, aspirin,...), thuốc ức chế men chuyển (captopril, enalapril,...), thuốc lợi tiểu (hydrochlorothiazide, furosemide,...).
- Nên pha loãng tinh dầu hương thảo với các loại dầu nền khác để tránh tình trạng kích ứng và hạn chế sự bay hơi tinh dầu.
- Tránh thoa tinh dầu lên các vùng da bị thương hay nhạy cảm như mắt, niêm mạc,...
Phụ nữ có thai cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng tinh dầu hương thảo
Xem thêm:
- Rau diếp cá có tác dụng gì? 17 lợi ích và lưu ý khi sử dụng diếp cá.
- Cây sâm bố chính có tác dụng gì? 19 cách dùng hiệu quả cho sức khoẻ.
Hi vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn thật nhiều kiến thức bổ ích về tinh dầu hương thảo. Nhỏ vài giọt tinh dầu lên các dung cụ quen thuộc của bản thân có thể khiến bạn thoải mái hơn đấy!
Bạn đang xem bài viết Tinh dầu hương thảo có tác dụng gì? 16 tác dụng, lưu ý và cách dùng tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].