Vừa mới dọn dẹp xong xuôi, tôi định đi ngủ nhưng chẳng sao chợp mắt được. Cứ nghĩ đến bố đang nằm viện một mình là lòng tôi thắt lại. Đời ông khổ nhiều rồi, đến giờ ốm đau bệnh tật cũng không được nhờ cậy con cái.
Bố mẹ tôi hiếm muộn, gần 50 tuổi mới sinh được tôi. Sau này ông bà cũng muốn kiếm thêm đứa con nữa nhưng tuổi già, thành ra chỉ có mình tôi là con một.
Có con ở tuổi xế chiều nên bố mẹ cưng chiều tôi lắm. Ngày tôi đi lấy chồng, bố mẹ cho tôi 1 căn nhà mặt phố và 3 cây vàng. Thấy có tiền, chồng tôi mừng ra mặt. Anh còn bảo với tôi:
- Vợ chồng mình phải cố gắng phụng dưỡng bố mẹ em ạ.
Lúc mẹ tôi còn sống, thi thoảng bà hay ra nhà chúng tôi để chơi. Mỗi lần ra, bà lại cho vợ chồng tôi chút tiền. Tôi không lấy nhưng mẹ cứ dúi vào tay:
- Con cứ giữ lấy mà chi tiêu. Chẳng mấy nữa mà bố mẹ lại phải nhờ đến các con.
Khi ấy chồng tôi tít mắt với tiền, cứ xoen xoét:
- Đó là bổn phận của bọn con mà mẹ. Mẹ cứ yên tâm.
Nhưng nói thì hay lắm, đến lúc làm rồi mới vỡ lẽ ra chồng tôi cũng là người giả tạo chứ chẳng hay ho gì. Bố mẹ tôi thì thoáng tính, lúc sống có bao nhiêu cứ dồn dập rồi đưa hết cho con gái. Thế nên đến khi mẹ tôi đổ bệnh, tiền tiết kiệm của ông bà chẳng đáng là bao.
Tôi thì nghĩ kể cả bố mẹ không có tiền, đó cũng là trách nhiệm của chúng tôi. Vậy mà chồng tôi lại khác. Thấy mẹ vợ suốt ngày nằm viện, phải tiêm truyền những loại thuốc ngoại đắt đỏ, anh bắt đầu trái ý.
Thậm chí có bữa, anh cãi nhau ở bệnh viện vì chuyện kê thuốc không nằm trong danh sách bảo hiểm. Ngay cả khi mẹ tôi sắp mất, anh còn gặng hỏi:
- Chắc là tiền viện phí của bà ngoại mấy đợt này nhiều lắm nhỉ.
Đang lúc rối ren, tôi quát lại:
- Anh còn mở mồm nhắc đến tiền nữa thì cút khỏi đây cho tôi nhờ. Mẹ sắp mất mà anh lại tuyệt tình thế à.
Tôi phải làm căng như vậy, chồng mới chịu im miệng. Hôm mẹ tôi mất, tiền phúng viếng được hơn 100 triệu. Lúc kiểm phong bì xong, bố tôi cầm tiền đưa cho vợ chồng tôi:
- Cũng chẳng đáng là bao, nhưng các con cầm lấy. Lúc mẹ sống chạy chữa tốn kém, giờ bố gửi các con, đỡ đần được đồng nào hay đồng ấy.
Tôi định trả lại bố thì chồng đã cầm rồi cười toe toét:
- Vâng, bố đưa thì bọn con xin nhận. Đúng là thời giờ, cái gì cũng tiền bố ạ.
Hôm đó tôi định nói thẳng vào mặt chồng, nhưng nghĩ lại chẳng lẽ mẹ vừa mất mà nhà cửa xào xáo lại không hay. Vậy nên tôi chỉ biết động viên bố cố gắng vượt qua.
Sau khi mẹ tôi qua đời, bố tôi cứ buồn rầu rồi sinh bệnh. Tháng trước tôi về thăm, thấy bố cũng yếu. Đến đầu tháng này, bệnh tình trở nặng.
Tôi đưa bố lên viện khám thì bác sĩ bảo phải phẫu thuật. Về vừa nói với chồng câu trước, câu sau anh đã thở dài:
- Thế lại tốn bao nhiêu tiền nữa đây? Mới có mấy tháng mà hết bà đến ông nằm viện. Tiền chứ có phải lá mít đâu.
- Này, anh đừng ăn nói tuyệt tình như thế. Anh không đứng ra lo thì để tôi.
Tôi cũng cứng lắm, nên chồng không làm gì được cả. Có điều mấy hôm vào viện thăm bố vợ mà chồng tôi cứ mặt sưng mày xỉa.
Đỉnh điểm là sáng nay, tôi nhờ chồng vào để vệ sinh cá nhân cho bố, còn tôi thì đi nói chuyện với bác sĩ.Nói chuyện về ca mổ xong xuôi, tôi vào phòng thì thấy chồng mình đang nói với bố vợ:
- Con nói thật, ông già cũng già rồi, mổ xẻ đau đớn mà dại mồm chẳng may thế nào lại chết không toàn thây. Giờ ai cũng có bệnh tuổi già hết, nhưng họ ở nhà để con cháu chăm sóc thôi. Thôi thì, ông không sống được thì ra đi cho con cháu đỡ khổ.
Tôi nghe mà tức quá, chỉ thẳng mặt chồng:
- Anh cút về nhà ngay. Tôi tưởng anh động viên bố tôi thế nào, không ngờ anh lại nói như thế. Nhớ lấy, sau này bố mẹ anh mà già đi thì nhớ nói cái câu này.
Tôi bực quá nên nói vậy mọi người ạ. Tối nay về nhà, vợ chồng chẳng ai nói với ai câu nào. Tôi nằm chẳng ngủ được, cứ nghĩ đến bố là đau xé ruột xé gan. Chắc giờ bố tôi cũng đau lòng lắm.
Bạn đang xem bài viết Vào viện thăm bố vợ, chồng tôi nói: 'Ông không sống được thì ra đi cho con cháu đỡ khổ' tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].