Cô giáo tát học sinh tới tấp ở Hải Phòng có thể bị xử lý như thế nào?

Như đã đưa tin về sự việc cô giáo Hải Phòng tát học sinh, Gia Đình Mới đã trao đổi với luật sư về hình thức xử lý trách nhiệm đối với cô giáo trên như thế nào.

UBND TP Hải Phòng họp khẩn cấp việc nữ giáo viên tát học sinh

Như Gia Đình Mới đưa tin, chiều 16/5, lãnh đạo UBND TP Hải Phòng tiến hành họp khẩn về vụ việc nữ giáo viên Nguyễn Thị Thu Trang (SN 1987) trường tiểu học Quán Toan (quận Hồng Bàng) tát học sinh tới tấp vào mặt, thái dương, dùng thước vụt mạnh vào người nhiều học sinh lớp 2A7 khiến 1 nam sinh phải nhập viện.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng khẳng định: Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức của người giáo viên, các cơ quan chức năng cần xem xét xử lý nghiêm.

  Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đề nghị xem xét xử lý nghiêm, có thể cho thôi việc nữ giáo viên tát học sinh lớp 2.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đề nghị xem xét xử lý nghiêm, có thể cho thôi việc nữ giáo viên tát học sinh lớp 2.

Việc giáo viên Hải Phòng tát học sinh sẽ bị xử lý như thế nào?

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Gia Đình Mới, Thạc sĩ Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc cô giáo đánh học sinh không chỉ là bạo lực học đường mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Trẻ em là đối tượng đặc biệt được pháp luật Việt Nam và cả Công ước quốc tế bảo vệ.

“Điều 16 Công ước quốc tế quyền trẻ em nêu rõ: "Không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tùy tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín cũng như những sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em. Trẻ em có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp hay công kích như vậy".

Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm".

  Luật sư Đặng Văn Cường.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Việc cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang đánh học sinh H.G.Đ khiến em phải nhập viện, cơ quan chức năng sẽ xác minh để có căn cứ xử lý. Nếu học sinh H.G.Đ bị thương tích có tỉ lệ % thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe thì cô giáo này sẽ bị khởi tố. chịu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý gây thương tích" theo quy định tại điều 134 bộ luật hình sự năm 2015.

Trường hợp, tỉ lệ tổn thương sức khỏe của cháu Đ. không đáng kể thì cô giáo cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Hành hạ người khác" được quy định tại Điều 140 BLHS 2015.

  Nữ giáo viên Nguyễn Thị Thu Trang, người tát học sinh khiến cháu phải nhập viện.

Nữ giáo viên Nguyễn Thị Thu Trang, người tát học sinh khiến cháu phải nhập viện.

Ngoài ra, hội đồng kỷ luật nhà trường sẽ tiến hành xem xét kỷ luật viên chức theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 4, Nghị định 27/2012/NĐ-CP về xử lý kỉ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường hoàn trả của viên chức quy định: "Viên chức bị xử lý kỷ luật khi có hành vi vi phạm pháp luật trong các trường hợp sau:

  • Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ của viên chức và những việc viên chức không được làm quy định tại Luật viên chức;
  • Vi phạm các nghĩa vụ khác cam kết trong hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập;
  • Vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật;
  • Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự"

Tại Điều 9 Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức có quy định về hình thức kỷ luật đối với viên chức như sau:

- Viên chức không giữ chức vụ quản lý nếu có hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm bị áp dụng một trong các hình thức kỷ luật sau:

  • Khiển trách;
  • Cảnh cáo;
  •  Buộc thôi việc.

- Viên chức quản lý nếu có hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm bị áp dụng một trong các hình thức kỷ luật sau:

  • Khiển trách;
  • Cảnh cáo;
  • Cách chức;
  • Buộc thôi việc.

Về trình tự, thủ tục xử lý kỉ luật viên chức trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện như sau:

Bước 1:

  • Bộ phận tổ chức yêu cầu viên chức, lao động hợp đồng vi phạm kỷ luật viết bản kiểm điểm.
  • Đơn vị có viên chức, lao động hợp đồng vi phạm kỷ luật tổ chức họp kiểm điểm viên chức, lao động hợp đồng vi phạm kỷ luật, đề xuất hình thức kỷ luật.

Bước 2:

  • Thành lập Hội đồng kỷ luật của đơn vị theo quy định tại Nghị định 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ.
  • Họp Hội đồng kỷ luật của đơn vị, xem xét, đề xuất hình thức kỷ luật viên chức và lao động hợp đồng.
  • Thủ trưởng đơn vị ban hành quyết định kỷ luật những trường hợp thuộc thẩm quyền và báo cáo cấp trên.
  • Thủ trưởng đơn vị báo cáo lên cấp trên xem xét, giải quyết các trường hợp kỷ luật không thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị.

Bước 3: Lưu trữ hồ sơ kỷ luật trong hồ sơ viên chức, lao động hợp đồng; ghi hình thức kỷ luật vào lý lịch viên chức, lao động hợp đồng.

Việt Linh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính