Theo bác sĩ Hằng, nếu việc người nhà bệnh nhân đe dọa, hung hăng, mắng chửi bác sĩ xảy ra tại bệnh viện thì sẽ có ít nhất hai khả năng.
Thứ nhất, nếu là bệnh nặng, cần cấp cứu kịp thời, thì thầy thuốc sẽ yêu cầu người nhà ra ngoài, có sự chứng kiến của đồng nghiệp, nếu yêu cầu miệng không xong thì nhờ sự trợ giúp của bảo vệ, cảnh sát... để tách người nhà ra và cấp cứu bệnh nhân, luôn dưới sự phối hợp và chứng kiến của đồng nghiệp.
Trong trường hợp thầy thuốc cảm thấy mình bị đe doạ quá mức, có thể bị hành hung, thì thầy thuốc cũng có quyền đi ra khỏi chỗ đó trong lúc chờ bảo vệ và/hoặc cảnh sát tới can thiệp, bảo vệ để có thể tiếp tục khám chữa bệnh.
Khả năng thứ hai, nếu là bệnh mãn tính, không cần cấp cứu ngay, thì bác sĩ có quyền yêu cầu tất cả ra ngoài, có sự chứng kiến của đồng nghiệp, cho gia đình tự bàn bạc, quyết định với nhau, hoặc dưới sự can thiệp của bảo vệ, cảnh sát...
Sau đó bác sĩ sẽ có thể đưa ra một số quyết định như: Tiếp tục chữa khi người đó quay lại, hoặc chuyển qua đồng nghiệp cùng khoa và có thông báo, thoả thuận với người bệnh...
Là bởi vì thầy thuốc tại bệnh viện công không có quyền từ chối bệnh nhân.
Bệnh viện hoặc trung tâm y tế tư nhân thường cũng tuân theo các quy định này vì thực ra trong một cơ sở y tế thì việc tìm đồng nghiệp để hỗ trợ hay thay đổi người khám chữa không phải là điều khó khăn.
Còn việc người nhà bệnh nhân đe dọa, hung hăng, mắng chửi bác sĩ xảy ra tại phòng khám tư, thì bác sĩ có thể từ chối bệnh nhân vì lý do nghề nghiệp hoặc cá nhân.
Lý do nghề nghiệp bác sĩ có thể đưa ra như bệnh đó vượt qua khả năng của bác sĩ, điều kiện cơ sở vật chất của phòng khám... Lý do cá nhân ví dụ như một số thầy thuốc chống nạo thai, phá thai...
Tuy nhiên, các lý do từ chối mà bác sĩ đưa ra phải tuân thủ ba điều kiện sau:
1) Không phải là trường hợp cấp cứu.
2) Có thông báo rõ ràng cho bệnh nhân về sự từ chối này.
3) Phải đảm bảo là bệnh của bệnh nhân đó sẽ tiếp tục được điều trị ở chỗ khác, với đồng nghiệp khác, do bệnh nhân tự lựa chọn, hoặc đưa tên đồng nghiệp khác, viết thư giới thiệu cho bệnh nhân tự liên hệ.
Và khi đó, bác sĩ này phải đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin về bệnh nhân cho người đồng nghiệp kia như bệnh án, kết quả xét nghiệm, chụp chiếu....
Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, hiện đang làm việc tại Pháp về Tâm lý học phát triển và tâm lý học thực hành – là một facebooker có nhiều bài viết hữu ích về chăm sóc con cái.
Chị cũng là một thành viên tích cực của diễn đàn lamchame.com với nickname ‘Mẹ Luti’.
Nhiều bài viết về kỹ năng sống, kỹ năng làm cha mẹ của chị được đông đảo thành viên chia sẻ vì có sự kết hợp các thông tin khoa học cũng như kinh nghiệm, vốn sống dồi dào.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Bác sĩ Việt tại Pháp 'hiến kế' cho bác sĩ khi bị người nhà bệnh nhân đe dọa, hành hung tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].