93 ca mắc trong nước
Tính từ 18 giờ 30 ngày 29/6 đến 6 giờ ngày 30/6, nước ta có 94 ca mắc mới (BN16414-16507), trong đó 1 ca nhập cảnh tại Ninh Bình.
93 ca ghi nhận trong nước tại TPHCM (62), Phú Yên (21), Nghệ An (4), Bắc Giang (3), Bình Định (3).
Trong số các ca mắc mới, có 87 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa. 6 ca đang điều tra dịch tễ là các bệnh nhân ở TPHCM. Cơ quan chức năng đang khẩn trương xác định nguồn lây, khoanh vùng, cách ly.
Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 13.147 ca, trong đó có 3.990 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Ca tử vong thứ 79 và 80
Tối 29/6, Bộ Y tế thông tin hai trường hợp tử vong này đều là bệnh nhân nữ, tuổi cao, có bệnh lý nền nặng.
Theo Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, ca tử vong thứ 79 là BN10474, nữ, 64 tuổi, địa chỉ huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, tiền sử tai biến mạch máu não, viêm đa khớp.
Bệnh nhân sống trong vùng dịch tễ Covid-19, được cách ly và xét nghiệm SARS-CoV-2 cho kết quả dương tính vào ngày 26/5. Bệnh nhân được nhập viện điều trị, xuất hiện mệt mỏi nhiều, ho đau rát họng, ngạt mũi, chảy nước mũi, đau mỏi người.
Ngày 31/5, bệnh nhân xuất hiện khó thở nhiều, được chỉ định thở oxy gọng kính và chuyển Bệnh viện Phổi Bắc Giang.
Ngày 12/6, bệnh nhân diễn biến nặng được chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực đặt tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang trong tình trạng an thần, thở máy qua nội khí quản. Tại đây, bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực, lọc máu liên tục, kháng sinh, kháng viêm, thuốc vận mạch, nhưng do tuổi cao, bệnh lý nền nặng nên tử vong ngày 28/6.
Nguyên nhân tử vong viêm phổi nặng do SARS-CoV-2, biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm khuẩn trên bệnh nhân tai biến mạch máu não, viêm đa khớp.
Ca tử vong thứ 80 là BN9014, nữ 85 tuổi, địa chỉ Quận Phú Nhuận, TPHCM, có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường túyp 2, gãy cổ xương đùi đã phẫu thuật. Bệnh nhân sống cùng con trai là ca mắc COVID-19.
Bệnh nhân được chẩn đoán xác định viêm phổi nặng do COVID-19, được nhập viện Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi ngày 7/6 trong tình trạng khó thở, thở oxy qua mask 15 lít/phút. Diễn biến bệnh nhân suy hô hấp tăng dần nên được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cùng ngày.
Tại đây, bệnh nhân được điều trị tích cực bằng thở máy qua nội khí quản, lọc máu, kháng sinh, kháng nấm, kháng tiết, kháng viêm, thuốc vận mạch, truyền máu và chế phẩm máu. Tuy nhiên, do tuổi cao, có bệnh lý nền nặng, bệnh nhân đã tử vong vào ngày 28/6.
Nguyên nhân tử vong là viêm phổi do COVID-19 mức độ nguy kịch, biến chứng suy hô hấp tiến triển, sốc nhiễm trùng trên bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường túyp 2.
Như vậy, từ đầu vụ dịch đến nay nước ta đã có 80 ca tử vong, trong đó riêng đợt dịch thứ 4 có 45 trường hợp tử vong.
Đà Nẵng ghi nhận bệnh nhân tại BV Đà Nẵng
Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng thông tin, thành phố ghi nhận một ca nhiễm SARS-CoV-2 là người nhà chăm bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Bệnh nhân là nam, thường trú tại thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), chăm người nhà điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Qua lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tại Bệnh viện Đà Nẵng, ngày 29/6, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện bệnh nhân đã được chuyển đến Bệnh viện Phổi Đà Nẵng điều trị. "Hiện ngành y tế đang điều tra, xác định nguồn lây của ca bệnh này", bác sĩ Yến cho biết thêm.
Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo ngân hàng thế giới hỗ trợ
Sáng 29/6, GS.TS Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế đã có buổi tiếp và làm việc với bà Victoria Kwakwa - Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) và bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề xuất WB có những dự án viện trợ không hoàn lại hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; hỗ trợ nghiên cứu, phát triển vắc xin cũng như ứng phó công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam.
Bộ trưởng cho hay Việt Nam rất quan tâm phát triển vắc xin: Việt Nam là 1 trong 39 quốc gia có Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin đạt chuẩn quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Việt Nam là 1 trong 44 quốc gia có thể sản xuất được vắc xin), nhưng hiện có rất ít khoản đầu tư cho lĩnh vực này. Bộ trưởng Bộ Y tế đề xuất, nếu như có khoản vốn vay của WB, Việt Nam sẽ tiến hành xây dựng một trung tâm nghiên cứu, phát triển vắc xin và sinh phẩm y tế; xây dựng nhà máy sản xuất vắc xin đáp ứng Chương trình tiêm chủng mở rộng cũng như đại dịch trong tương lai (nếu có).
“Quy trình khép kín từ nghiên cứu, sản xuất đến kiểm định vắc xin có ý nghĩa rất quan trọng để nâng cao năng lực tổng thể phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam và Việt Nam luôn ưu tiên công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Do đó, mong WB ủng hộ những dự án này của Việt Nam”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
V.LinhBạn đang xem bài viết Tin tức COVID-19 sáng 30/6: Thêm 2 bệnh nhân qua đời, bệnh viện Đà Nẵng có ca dương tính tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].