Sự ra đời của Nghị định 122/2018/NĐ-CP là bước cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XII về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Nội dung Nghị định có nhiều điểm mới so với Thông tư 12/2011/TT-BVHTTDL ngày 10/10/2011 quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận Danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương.
Tiêu chuẩn đạt Gia đình văn hóa nêu trong Nghị định có 03 nhóm với 24 tiêu chí (Thông tư 12/2011/TT-Bộ VHTTDL có 3 nhóm với 11 tiêu chí);
Cụ thể, các tiêu chuẩn danh hiệu về Gia đình văn hóa gồm:
1. Gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng; pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương nơi cư trú;
2. Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng;
3. Tổ chức lao động, sản xuất kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng hiệu quả.
Mỗi một tiêu chuẩn lại có nhiều tiêu chí đánh giá. Nội hàm các tiêu chí dễ định lượng, xác định được mức độ đạt và không đạt khi thực hiện bình xét; các tiêu chí có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, phản ánh đầy đủ các yếu tố văn hóa chủ đạo trong đời sống gia đình.
Ví dụ, tiêu chuẩn 1 gồm các tiêu chí: Các thành viên trong gia đình chấp hành các quy định của pháp luật; không bị xử lý kỷ luật tại nơi làm việc và học tập; chấp hành hương ước, quy ước của cộng đồng nơi cư trú; treo Quốc kỳ trong những ngày lễ, sự kiện chính trị của đất nước theo quy định; có tham gia một trong các hoạt động văn hóa hoặc văn nghệ ở nơi cư trú; thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo quy định; tham gia bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên của địa phương; thực hiện các quy định về vệ sinh môi trường, đổ rác và chất thải đúng giờ, đúng nơi quy định; tham gia đầy đủ các phong trào từ thiện, nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học khuyến tài;…
Nghị định cũng quy định 07 nhóm trường hợp không được xét tặng gia đình văn hóa (Thông tư 12/2011/TT-BVHTTDL không quy định). Đây là điểm mới, cụ thể, giúp cho việc bình xét được thuận lợi, đồng thời hạn chế tối đa tính hình thức trong quá trình bình xét danh hiệu.
Các trường hợp không xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa
Thành viên trong gia đình vi phạm một trong các trường hợp sau:
1. Bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của luật xử lý vi phạm hành chính.
2. Không hoàn thành nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ nộp thuế.
3. Bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường.
4. Có tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết thống.
5. Có bạo lực gia đình bị xử phạt hành chính.
6. Mắc các tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm, trộm cắp, tổ chức đánh bạc hoặc đánh bạc.
7. Tham gia tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Tiêu chuẩn danh hiệu Khu dân cư văn hóa bao gồm 05 nhóm nội dung với 27 tiêu chí cụ thể, phù hợp với các quy định hiện hành về đánh giá hộ nghèo đa chiều, mức độ tiếp cận văn hóa, giáo dục, y tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đặc biệt, các tiêu chí phản ánh yêu cầu từ thực tế, phù hợp với môi trường ở nông thôn và thành thị, tránh được tính hình thức, chạy đua theo thành tích, đánh giá không thực chất.
Tiêu chuẩn danh hiệu Khu dân cư văn hóa gồm:
1. Đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển;
2. Đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú;
3. Môi trường cảnh quan sạch đẹp;
4. Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;
5. Có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.
Điều 13 của Nghị định cũng quy định 03 trường hợp không xét tặng danh hiệu Khu dân cư văn hóa. Thông tư 12/2011/TT-BVHTTDL không có nội dung này.
Các trường hợp không xét tặng danh hiệu khu dân cư văn hóa
1. Có khiếu kiện đông người và khiếu kiện vượt cấp trái pháp luật.
2. Có điểm, tụ điểm ma túy, mại dâm
3. Có hoạt động lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật.
Nghị định quy định, thang điểm tối đa làm căn cứ xét công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa và Khu dân cư văn hóa là 100 điểm. Tổng điểm của mỗi tiêu chuẩn Gia đình văn hóa và Khu dân cư văn hóa không dưới 50% số điểm tối đa.
Cách chấm điểm để xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa được thực hiện như sau: a- Hộ gia đình thuộc quận, huyện tại thành phố trực thuộc trung ương đạt từ 90 điểm trở lên. b- Hộ gia đình thuộc xã, phường, thị trấn thuộc miền núi, hải đảo hoặc xã đặc biệt khó khăn hoặc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Chính phủ đạt từ 60 điểm trở lên. c- Hộ gia đình không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và b đạt từ 85 điểm trở lên.
Cách chấm điểm để xét tặng danh hiệu Khu dân cư văn hóa được thực hiện như sau: a- Khu dân cư thuộc quận, huyện tại thành phố trực thuộc trung ương đạt từ 90 điểm trở lên; b- Khu dân cư thuộc xã, phường, thị trấn thuộc miền núi, hải đảo hoặc xã đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ đạt từ 60 điểm trở lên; c- Khu dân cư không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và b đạt từ 80 điểm trở lên.
Giấy khen Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa được tặng không quá 15% trên tổng số gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa đủ 03 năm liên tục, khu dân cư được công nhận danh hiệu Khu dân cư văn hóa đủ 05 năm liên tục.
Bạn đang xem bài viết Tiêu chuẩn mới về Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa từ năm 2018 tại chuyên mục Giới & Phát triển của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].