Bệnh nhân G.T.M.T (33 tuổi, ở TP. Bắc Giang, Bắc Giang) được bác sĩ thăm khám kết hợp các kết quả chẩn đoán, siêu âm, bác sĩ cho biết sản phụ rơi vào tình thế vô cùng nguy hiểm với bệnh lý phức tạp.
Không những vậy sản phụ T. lại từng có tiền sử mổ lấy thai 2 lần (sinh mổ) làm tăng nguy cơ chảy máu trước và sau mổ lấy thai.
Bác sỹ CKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang đã quyết định sẽ tiến hành mổ lấy thai đồng thời cắt tử cung bán phần thấp cho sản phụ.
Trong khi phẫu thuật các bác sỹ nhận thấy rau đã đâm xiên ra ngoài lớp cơ tử cung sang bàng quang. Việc khó khăn nhất của trường hợp này là phải làm sao để gỡ dính, cắt đoạn dưới tử cung mà không để chảy máu, không gây tổn thương các cơ quan lân cận.
Nếu không có kỹ thuật tốt sẽ gây chảy máu ồ ạt nguy hiểm cho sản phụ. Trường hợp này do rau cài răng lược đã đâm xuyên xuống bàng quang nên các bác sỹ phải khâu phục hồi lại.
Kết quả sau hơn 3 giờ phẫu thuật, kíp mổ đã thành công giúp sản phụ vượt qua cơn nguy kịch và đón bé gái 2,6 kg khỏe mạnh.
Hai ngày sau mổ sản phụ Tâm đã phục hồi tốt, huyết động ổn định, ý thức tỉnh táo, tiếp xúc tốt và bước đầu vận động nhẹ được trên giường bệnh.
Từ trường hợp này, bác sỹ CKII Lê Công Tước, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho sản phụ cũng khuyến cáo rằng: “Ngay từ khi mới có bầu, nhất là trong 6 tuần đầu kể từ khi chậm kinh thì các sản phụ, đặc biệt là những người từng có vết mổ cũ, nên đi siêu âm sớm để xác định chính xác vị trí làm tổ của thai ở đâu.
Nếu thai làm tổ vùng gần eo tử cung, gần vết mổ cũ thì nên đình chỉ thai để tránh sau này phát triển trở thành chửa vết mổ hoặc rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược.
Các sản phụ nên đi khám thai định kỳ, nhất là trong 3 tháng cuối thai kỳ tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị sản khoa hiện đại để phát hiện sớm rau tiền đạo, rau cài răng lược nhằm có biện pháp điều trị kịp thời và tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra trong quá trình sinh sản”.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Tiếp tục có thai sau 2 lần sinh mổ, nguy cơ mất cả mẹ lẫn con, bác sĩ cảnh báo gì? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].