Từ chàng sinh viên “quèn” đến ngôi sao thế giới
Tài năng âm nhạc của NSND Đặng Thái Sơn được bộc lộ từ sớm. Năm 1965, chàng thanh niên Đặng Thái Sơn bắt đầu học tại Nhạc viện Hà Nội. Đặc biệt, bước ngoặt của cuộc đời người nghệ sĩ xuất hiện khi ông được nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng Isaac Katz phát hiện vào năm 1974. Chỉ 2 năm sau đó, chàng trai Việt Nam mang theo đam mê của mình đến Moskva vào học tại Nhạc viện Quốc gia Tchaikovsky.
Những năm tháng miệt mài ở xứ người được đền đáp xứng đáng khi Đặng Thái Sơn, khi ấy vẫn là sinh viên của Nhạc viện Quốc gia Tchaikovsky, một mình đến tham dự cuộc thi quốc tế Frédéric Chopin - một trong những cuộc thi dương cầm cổ điển lâu đời nhất và uy tín nhất trên thế giới. Đặng Thái Sơn có lẽ là thí sinh có lí lịch ngắn nhất trong cuộc thi, đơn giản vì gần như không có bất kì danh hiệu nào. Thế nhưng, khi ngồi trước cây đàn, chàng trai Việt với cặp kính lớn và những ngón tay điêu luyện đã thuyết phục tất cả bằng bản concerto số 2 của Chopin.
Cái tên Đặng Thái Sơn khi đó đã được cả thế giới nhắc tới bởi trong lịch sử cuộc thi piano Chopin, lần đầu tiên có một người châu Á đã đoạt giải nhất. Từ một sinh viên “quèn” - như lời Đặng Thái Sơn tự nhận, ông vụt sáng trở thành thiên tài được cả thế giới biết đến.
Với những giải thưởng quốc tế lớn, năm 1984, Đặng Thái Sơn được phong danh hiệu NSND khi mới tròn 26 tuổi - nghệ sĩ trẻ nhất được Nhà nước phong tặng danh hiệu này.
Tỏa sáng cùng giải thưởng khoa học – công nghệ VinFuture
Trong con đường âm nhạc của mình, Đặng Thái Sơn đã xuất hiện ở tất cả những “thánh đường nghệ thuật” lớn nhất thế giới như Lincoln Center (New York), Barbican Centre (London), Salle Pleyel (Paris), Opera House (Sidney), Suntory Hall (Tokyo)…
Ông cũng được mời giảng dạy tại các trường đại học danh tiếng như Đại học Montreal (Canada), Oberlin Conservatory (Mỹ), là Giáo sư danh dự của Nhạc viện Trung ương Trung Quốc và nhiều trường nhạc tại châu Á.
Nhắc tới Đặng Thái Sơn, thế giới hay gọi là “người được Chopin chọn”, không chỉ bởi giải thưởng danh giá của ông khi còn là sinh viên, mà còn bởi cái tên ông gắn liền với những sự kiện lớn nhất thế giới mỗi khi nhớ đến Frédéric Chopin - nhà soạn nhạc đại tài đã khai sinh ra khái niệm ballad hòa tấu trong nhạc cổ điển.
Năm 1999, Đặng Thái Sơn là nghệ sĩ piano duy nhất không phải là người Ba Lan được mời đến dự buổi hòa nhạc nhân kỷ niệm 150 năm ngày mất của Frédéric Chopin. Năm 2010, Đặng Thái Sơn là một trong 3 nghệ sĩ được chọn lựa trên toàn thế giới để biểu diễn tại Gala kỉ niệm 200 năm ngày sinh của Chopin (cùng Lý Vân Địch người Trung Quốc và Garrick Ohlsson người Mỹ).
Trong sự nghiệp lừng lẫy của mình, NSND Đặng Thái Sơn rất nhiều lần trở về Việt Nam biểu diễn. Tuy nhiên, tối 20/1 có thể sẽ là một sân khấu đặc biệt hơn cả với nghệ sĩ gốc Việt bởi lần đầu tiên, ngay tại Nhà hát lớn Hà Nội, trong những vị khách thưởng thức tuyệt phẩm của Đặng Thái Sơn, có rất nhiều nhà khoa học đỉnh cao của thế giới, những con người đã và đang làm nên những công trình có thể thay đổi nhân loại.
Cùng xuất hiện với Đặng Thái Sơn sẽ là John Legen - huyền thoại nước Mỹ từng giành 10 giải Grammy, đồng thời là vị giám khảo quyền lực của The Voice Mỹ trong nhiều năm.
4 hoạt động chính của Tuần lễ khoa học VinFuture bao gồm:
- Ngày 18/1: Giao lưu cùng Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo
- Ngày 19/1: Tọa đàm “Khoa học vì Cuộc sống”
- Ngày 20/1: Lúc 20h10, Lễ trao giải VinFuture lần thứ nhất chính thức diễn ra và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, cùng các nền tảng mạng xã hội lớn trong nước và quốc tế.
- Ngày 21/1: Giao lưu cùng chủ nhân Giải thưởng VinFuture
Để đảm bảo an toàn, tất cả đại biểu tham dự Tuần lễ khoa học VinFuture sẽ được xét nghiệm Covid-19. BTC cũng sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát, an toàn theo đúng quy định.
Yến AnhBạn đang xem bài viết Tiếng đàn của 'nghệ sĩ thiên tài' Đặng Thái Sơn sắp vang trên sân khấu VinFuture tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].