Tiền điện tháng 2 có tăng?
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 02 về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân.
Cụ thể, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh; mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. So với khung cũ, giá điện tối thiểu tăng 220 đồng/kWh; giá tối đa tăng 538 đồng/kWh.
Như vậy, câu hỏi được nhiều người quan tâm là hóa đơn tiền điện tháng 2 liệu có tăng theo khung giá mới vừa ban hành?
Thực tế, khung giá bán lẻ điện bình quân là mức sàn và trần để Chính phủ quy định cứng giá bán lẻ điện bình quân. Khung này cùng với kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện 2022 sẽ là cơ sở để Bộ Công Thương ra quyết định về giá bán lẻ điện bình quân sẽ áp dụng năm nay.
Do đó, việc tăng khung giá bán lẻ điện bình quân chưa làm thay đổi ngay giá điện bán lẻ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh. Hiện tại, giá bán lẻ điện bình quân vẫn là 1.864,44 đồng/kWh.
Tiền điện các hộ gia đình đang tính giá như thế nào?
Có 6 bậc giá cụ thể như sau:
Bậc 1: Từ 0-50kWh: 1.678 đồng/kWh
Bậc 2: Từ 51 – 100 kWh: 1.734 đồng/kWh
Bậc 3: Từ 101 – 200 kWh: 2.014 đồng/kWh.
Bậc 4: Từ 201 – 300 kWh: 2.536 đồng/kWh.
Bậc 5: Từ 301 – 400 kWh: 2.834 đồng/kWh.
Bậc 6: Từ 401 kWh trở lên: 2.927 đồng/kWh.
Xem thêm: Tháng 2/2023: Tăng khung giá bán lẻ điện bình quân, cao nhất 2.444,09 đồng/kWh
V.LinhBạn đang xem bài viết Vừa tăng giá bán lẻ điện bình quân, tiền điện các hộ gia đình từ tháng 2/2023 có tăng lên? tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].