Cây thuốc lào không chỉ là một nguyên liệu để sản xuất thuốc lào mà trong y học thuốc lào được biết đến như một loại dược liệu với công dụng trị rắn, rết, sâu cắn, chữa vết thương chảy máu, phòng đỉa cắn,... Hãy cùng tìm hiểu tác dụng, tác hại và bài thuốc từ cây thuốc lào qua bài biết sau nhé!
1 Thuốc lào là gì?
Cây thuốc lào có tên khoa học là Nicotiana rustica thuộc họ cà (Solanaceae), có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Hiện nay ở Việt Nam cây được trồng tập trung ở các vùng như Kiến An (Hải Phòng), Quỳnh Lưu (Nghệ An),...
Thuốc lào là một loại cây nhỏ, cao gần 1m, thân mọc thẳng đứng và có lông mềm. Lá cây hình trứng, to dày, càng gần ngọn thì càng nhỏ dần. Hoa thuốc lào màu vàng hay lục xám, mọc thành cụm hình chùy ở ngọn. Quả hình trứng hoặc gần giống hình cầu. Mùa hoa thường vào tháng 3-4, quả vào tháng 6-7 hằng năm.
Cây thuốc lào sống trong điều kiện ưa ẩm, ưa sáng và phát triển rất nhanh. Người ta thường sử dụng toàn bộ phần trên mặt đất tươi hoặc phơi, sấy khô để làm dược liệu.
Trong cây thuốc lào có protein nhưng lượng protein này sẽ giảm dần trong quá trình sinh trưởng. Ngoài ra, hoa thuốc lào còn chứa nicotine, tinh dầu với 17 thành phần như: 92% aromadendrene, 11,26% furostanol,... và spirostan glycosid với tính chất kháng gibberellin (hormone điều khiển sự phát triển của thực vật) không manh. Đặc biệt hàm lượng nicotine trong thuốc lào nhiều gấp hai lần trong thuốc lá.
Cây thuốc lào là một loài cây nhỏ, có nguồn gốc từ Nam Mỹ
2 Các tác dụng của thuốc lào đối với sức khỏe
Trong y học cây thuốc lào chủ yếu được sử dụng bên ngoài da để điều trị bệnh. Lá cây thuốc lào giã nát sau đó đắp ngoài da giúp chữa lành các vết rắn, rết, sâu bọ cắn hay các vết thương chảy máu.
Ngoài ra, nấu nước lá cây thuốc lào (lá già, cả cuống) tắm cho súc vật có thể trị ghẻ, chấy rận, bọ chó. Lá và thân cây già hoặc dư phẩm khi sản xuất thuốc lào có thể diệt trừ sâu bọ cho cây trồng bằng cách nấu nước sau đó phun trực tiếp vào chỗ bị sâu bệnh.
Trong y học cây thuốc lào chủ yếu được sử dụng bên ngoài da để điều trị bệnh
3 Một số bài thuốc có sử dụng thuốc lào
Lưu ý rằng trước khi sử dụng bất kì loại thảo dược hoặc dược liệu nào khác để chữa trị bệnh, bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế hoặc bác sĩ y học cổ truyền. Đồng thời, tìm hiểu về cách sử dụng các loại dược liệu và liều lượng cụ thể để tránh tác dụng phụ không mong muốn.
Bài thuốc chữa rắn cắn
Ngay sau khi bị rắn cắn, hãy buộc chặt phía trên vết rắn cắn lại ngay lập tức và dùng tóc cọ xát vết cắn để loại bỏ nọc độc. Sau đó bạn có thể sử dụng thuốc lào chữa rắn cắn như sau:
- Chuẩn bị: Cục thuốc lào hoặc nước điếu uống.
- Thực hiện: Cục thuốc lào vo tròn bằng đầu ngón tay cái sau đó cho vào miệng nhai, nuốt nước và lấy phần bã đắp trực tiếp lên vết cắn. Có thể kết hợp cùng với một số dược liệu khác như: dây đau xương, lá thài lài, lá tía tô, rau sam. Tuy nhiên nếu không có sẵn thuốc lào thì bạn có thể dùng nước điếu uống dội vào vết cắn hoặc bôi cao xe diếp.
Dùng thuốc lào đắp trực tiếp lên vết rắn cắn giúp điều trị vết thương
Bài thuốc chữa vết thương chảy máu hoặc rết, sâu cắn
- Chuẩn bị: Thuốc lào sợi. Nếu không có thuốc lào sợi thì có thể thay thế bằng thuốc lào và lá cây cứt lợn hoặc lá tre non, gạo tẻ.
- Thực hiện: Đắp trực tiếp thuốc lào sợi vào vết thương rồi băng lại. Ngoài ra, có thể giã nát hỗn hợp theo tỉ lệ 20% thuốc lào, 80% lá cây cứt lợn và đắp ngoài da.
Một cách khác có thể chữa vết thương chảy máu hoặc rết, sâu cắn bằng cách khác như sau: Đem phơi khô 20% thuốc lào, 40% lá tre non và rang giòn 40% gạo tẻ, sau đó tán tất cả thành dạng bột mịn, trộn đều và rắc lên vết thương.
Đắp trực tiếp thuốc lào sợi hoặc giã lá thuốc lào tươi giúp chữa vết thương chảy máu
Thuốc trừ rệp
- Chuẩn bị: Lá cây thuốc lào.
- Thực hiện: Rải trực tiếp lá cây thuốc lào xuống dưới chiếu, nệm trong vài ba ngày sẽ giúp diệt trừ rệp.
Lá cây thuốc lào có tác dụng trừ rệp dưới chiếu, nệm
Thuốc phòng đỉa cắn
- Chuẩn bị: 10g thuốc lào, 20g vôi tôi, 10g bồ hoàng.
- Thực hiện: Giã nát tất cả các nguyên liệu sau đó bôi ngoài da.
Thuốc lào giã nát cùng với vôi tôi, bồ hoàng và bôi ngoài da giúp phòng đỉa cắn
Bài thuốc chữa sâu quảng
- Chuẩn bị: 50g thuốc lào, 50g lá chanh, 20g quả hồi.
- Thực hiện: Rửa sạch các nguyên liệu sau đó giã nát và đắp lên vết sâu.
Đắp thuốc lào giã nát lên vết sâu giúp chữa sâu quảng
4 Tác hại của thuốc lào đối với sức khỏe
Cây thuốc lào được ứng dụng rộng rãi trong các bài thuốc, song loại cây này vẫn tiềm ẩn một số tác hại đối với sức khỏe.
Trẻ em được sinh ra bởi những người hút thuốc lào mỗi ngày trong thời kỳ mang thai có cân nặng thấp hơn và có nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp cao hơn so với trẻ em được sinh ra từ những người không hút thuốc.
Khói thuốc lào chứa các thành phần độc hại có thể gây ảnh hưởng xấu đến các cơ quan trong cơ thể như: tim, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp và hệ thống bài tiết. Những người thường xuyên hút thuốc lào có thể dẫn đến nghiện, xuất hiện cảm giác chán ăn và đặc biệt có nguy cơ cao mắc các bệnh nguy hiểm như ung thư vòm họng, ung thư phổi, ung thư thực quản, ung thư đại tràng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), cơn đau thắt ngực, cơn nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não,...
Không chỉ gây ảnh hưởng cho người hút mà những người xung quanh khi hít phải khói thuốc lào cũng có nguy cơ mắc các bệnh trên cao hơn những người bình thường. Nguyên nhân là bởi khói thuốc lá chứa các chất độc như nicotin và carbon oxyd có khả năng tích tụ và để lại dấu vết trên thành mạch máu làm cho động mạch hẹp lại và ngăn chặn không cho máu lưu thông.
Ngoài ra, những người mới sử dụng thuốc lào có thể bị say và gây ra các triệu chứng nguy hiểm như: mất thăng bằng, ngã nếu ngồi không vững, sùi bọt mép, nôn nao, quằn quại,... và thậm chí dẫn đến tử vong do người say thuốc không tự kiểm soát được hành vi của mình.
Vì vậy khi bạn gặp người bị say thuốc lào, hãy cho họ nằm nghỉ ở nơi thoáng mát, sau đó từ từ đỡ họ dậy và cho uống từng ngụm nước nhỏ để họ từ từ tỉnh. Nếu không có dấu hiệu hết cơn say thuốc hoặc xuất hiện các biểu hiện như co giật, sùi bọt mép thì hãy liên hệ ngay với Trung tâm Cấp Cứu 115 hoặc di chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.
Thuốc lào gây ảnh hưởng xấu đến đường hô hấp và có thể dẫn đến ung thư phổi
5 Tác hại của thuốc lào so với thuốc lá
Thuốc lào và thuốc lá đều chứa nicotin nhưng hàm lượng chất này trong thuốc lào nhiều gấp hai lần so với thuốc lá. Do vậy dù hút thuốc lào hay thuốc lá thì đều gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chính bản thân người hút cũng như những người xung quanh khi hít phải khói thuốc.
Khi hút thuốc lào, người hút có nguy cơ cao mắc viêm phế quản mãn tính, bệnh về đường hô hấp, ung thư, bệnh tim và các bệnh khác. Đồng thời việc sử dụng chung điếu hút thuốc cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền bệnh viêm gan, virus herpes và lao.
Ngoài ra người hít phải khói thuốc lào cũng có nguy cơ mắc bệnh như những người hút thuốc bởi khói thuốc đó là hỗn hợp giữa khói thuốc lào và khói từ nhiên liệu, chứa hàm lượng độc tố cao như carbon monoxide, kim loại và các hóa chất gây ung thư.
Thuốc lá cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe không kém thuốc lào. Hút thuốc lá không chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn tới tử vong sớm trên toàn thế giới mà còn có thể dẫn đến mắc các bệnh nguy hiểm như: ung thư, tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản,...
Như vậy có thể nói rằng thuốc lào và thuốc lá đều là những kẻ giết người thầm lặng bởi nó chứa rất nhiều độc tố. Tuy nhiên, để so sánh tác hại của thuốc lào so với thuốc lá thì còn phụ thuộc vào tần suất, liều lượng và đối tượng sử dụng.
Thuốc lào và thuốc lá đều chứa nicotin và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe
Xem thêm:
- Gừng có giúp giảm đau khớp không?
- Bán biên liên có tác dụng gì? Công dụng và liều dùng bán biên liên
- 14 tác dụng của nghệ đối với sức khỏe bạn nên biết
Cây thuốc lào không chỉ đem lại nhiều công dụng đối với sức khỏe mà còn tiềm ẩn những tác hại nguy hiểm. Do vậy bạn hãy sử dụng cây thuốc lào đúng mục đích để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe bản thân cũng như những người xung quanh. Nếu bạn thấy những thông tin này hữu ích thì hãy chia sẻ bài viết đến bạn bè và người thân của mình nhé!
Bạn đang xem bài viết Thuốc lào: Tác dụng, tác hại và bài thuốc tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].