Hiện nay, theo ước tính của WTO, thuốc lá là nguyên nhân dẫn tới 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới, trong đó có hơn 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động.
Tại Việt Nam mỗi năm thuốc lá gây ra hơn 100.000 ca tử vong, trong đó có 84.500 người tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc chủ động và 18.800 người tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc thụ động.

Thuốc lá là kẻ giết người thầm lặng - ảnh minh họa
Hút thuốc lá có thể là tác nhân trực tiếp gây nên các bệnh sau đây:
Thứ nhất, gây tổn thương phổi dẫn đến suy hô hấp mạn tính bởi khi hút thuốc lá có thể tích tụ một số lượng hóa chất độc hại đáng kể trong đường hô hấp.
Lâu dài sẽ làm tắc nghẽn phổi, đưa đến các vấn đề về hô hấp và suy giảm chức năng của phổi như COPD (Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính). Ngoài ra hút thuốc lá cũng làm nặng bệnh hen phế quản, gây viêm phổi, tràn khí màng phổi và tăng tỉ lệ mắc bệnh lao phổi
Thứ hai, gây ung thư: Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), trong khói thuốc lá có khoảng gần 7.000 hợp chất hóa học, trong đó có ít nhất 69 hóa chất gây ung thư gồm 11 chất hóa học xếp vào nhóm 1 (là nhóm các chất đã được chứng minh chắc chắn gây ung thư ở người); 7 chất hóa học xếp nhóm 2A (là nhóm các chất có thể gây ung thư ở người và 49 chất hóa học xếp nhóm 2B gây ung thư ở động vật và có thể gây ung thư ở người).
Các chất độc này và sản phẩm chuyển hóa của nó trong cơ thể người có thể gây ung thư theo nhiều cơ chế khác nhau như: gắn vào bộ gen và gây ra các đột biến gen ung thư; Gắn lên màng tế bào và gây rối loạn quá trình phát triển của tế bào hoặc gây viêm mạn tính dẫn đến quá trình tăng sinh mạch máu bất thường và phát triển thành ung thư.
Bên cạnh đó, theo nghiên cứu, những người hút thuốc có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp 25 lần và còn dẫn đến vô số các loại ung thư như: mũi, miệng, thanh quản, khí quản, thực quản, dạ dày, tụy, thận, bàng quang, cổ tử cung, tủy xương và máu do các hóa chất có trong trong thuốc lá xâm nhập vào cơ thể qua các vách phế nang tại phổi, ngấm vào cơ thể khiến cho chúng sinh sôi nảy nở theo cách không kiểm soát được, dẫn đến ung thư.
Thứ ba, làm tăng quá trình lão hóa, sớm xuất hiện các nếp nhăn, các đốm đồi mồi, mắt sưng húp, da xỉn, khô do các hóa chất trong thuốc lá làm cho các mao mạch dưới da co lại làm hạn chế lưu lượng máu đến da. Về lâu dài, có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn các sợi liên kết như elastin và collagen, những cấu trúc làm căng, mịn da, từ đó hình thành nên các nếp nhăn vĩnh viễn, lão hóa sớm.
Thứ tư, gây làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch và đột quỵ cao gấp hai đến bốn lần so với người không hút thuốc. Các hóa chất có trong khói thuốc có tác động đến toàn bộ thành phần của hệ tuần hoàn và cơ quan tạo máu làm cho thành mạch dày hơn và dễ hình thành cục máu đông hơn. Bên cạnh đó nó cũng gây co thắt mạch máu, tăng huyết áp, dẫn đến sự hình thành mảng bám làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch.
Thứ năm, xuất tinh sớm và giảm ham muốn tình dục và rối loạn cương dương vì các hóa chất trong thuốc lá làm giảm lưu lượng máu, giảm cảm giác trong dương vật, dẫn đến việc giảm khả năng của nam giới, gây ra xuất tinh sớm.
Thứ sáu, gây mắc các bệnh răng miệng như gây vàng ố răng, gây hôi miệng…
Thứ bảy, gây mù lòa: Hút thuốc lá còn ảnh hưởng rất lớn đến thị lực và có thể gây mù lòa khi làm tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng, tổn thương thần kinh thị giác.
Thứ tám, ảnh hưởng đến thai nhi, đối với phụ nữ đang mang thai, khói thuốc làm chậm sự phát triển của em bé trước khi sinh hoặc em bé sinh ra quá sớm (sinh non). Bên cạnh đó, hút thuốc có thể gây tổn hại tới sự phát triển phổi và não của em bé, làm tăng nguy cơ em bé bị dị tật bẩm sinh… Đặc biệt, nếu bà mẹ hút thuốc trong khi mang thai và trẻ sơ sinh tiếp xúc với khói thuốc lá sau khi sinh có nguy cơ cao bị hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh…
Và còn hàng loạt bệnh khác trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến việc hút thuốc lá.
Phạm Sinh
Bạn đang xem bài viết Thuốc lá gây ra hơn 100.000 ca tử vong ở Việt Nam mỗi năm tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].