Trao đổi với Gia Đình Mới về phương pháp chữa viêm tai giữa bằng mẹo mà các mẹ đang chia sẻ rầm rộ, chuyên gia tai mũi họng ThS.BS Nguyễn Xuân Đạt, Phòng khám Tai mũi họng Entic cho biết, những thông tin mà các mẹ chia sẻ là không chính xác và cách chữa viêm tai giữa như vậy không có cơ sở khoa học.
Nói về bệnh viêm tai giữa, bác sĩ Nguyễn Xuân Đạt cho biết, viêm tai giữa cấp là tình trạng nhiễm trùng tại tai giữa.
Viêm tai giữa thường xuất hiện sau viêm nhiễm hô hấp trên (mũi họng), vi khuẩn, virus xâm nhập vào đường hô hấp trên lan lên tai qua vòi nhĩ (ống nối thông giữa mũi họng và tai giữa), chúng phát triển trong tai giữa dẫn đến các triệu chứng của viêm tai giữa cấp.
Bệnh viêm tai giữa cấp thường gặp ở trẻ em (6 đến 18 tháng tuổi) và là lý do phổ biến nhất để sử dụng kháng sinh (theo nghiên cứu của khoa Nhi Đại Học Y Colorado Mĩ ở lứa tuổi 0 đến 4 có 53% các đơn thuốc kháng sinh được kê với chẩn đoán viêm tai giữa cấp).
Trẻ nhỏ (đặc biệt là trẻ sơ sinh) khi bị viêm tai giữa cấp có thể có các triệu chứng, dấu hiệu không rõ ràng như: Sốt, khó chịu - quấy khóc, ngủ không yên giấc, ăn uống kém, chán ăn, nôn mửa, tiêu chảy và thậm chí là đau mắt đỏ (Trong nghiên cứu Nhi khoa ở thành phố Bardstown, Bang Kentucky Hoa Kỳ trong 250 trẻ bị đau mắt đỏ có tới 97 trẻ bị viêm tai giữa cấp đi kèm, chiếm tới 39%).
Đau tai là triệu chứng đáng tin cậy cho dự báo một chẩn đoán viêm tai giữa cấp (Theo nghiên cứu của Khoa Nhi, Đại học Oulu, Phần Lan. 71% được chẩn đoán chính xác dựa trên triệu chứng đau tai).
Cho dù có dùng kháng sinh hay không kháng sinh thì việc quản lý đau tai là điều quan trọng trong việc tiếp cận và xử trí triệu chứng viêm tai giữa cấp.
Hiện nay trên mạng xã hội đang lan truyền biện pháp chữa viêm tai giữa hiệu quả bằng tất sạch và muối hay mẹo làm giảm đau do viêm tai giữa ở trẻ được bác sĩ Tây khuyên dùng. Sự thật có phải các bác sĩ Tây khuyên dùng như vậy?
ThS.BS Nguyễn Xuân Đạt chỉ rõ: “Bác sĩ Tây được các trang mạng lấy làm dẫn chứng là Dr. Dana Clum, Dr Dana là bác sĩ chuyên ngành cơ xương khớp ở Mỹ.
Bác sĩ Dr. Dana có đưa ra thông tin về việc dùng muối và tất sạch làm giảm đau trong viêm tai giữa vào năm 2013 với em trai của cô ấy, và đến đầu năm 2018 cô ấy áp dụng cho con gái của cô ấy thêm 1 lần nữa.
Cả 2 lần áp dụng đều dựa trên kinh nghiệm cá nhân và không phải dựa trên các nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên loại muối được cô ấy sử dụng là Epsom salt (bản chất hóa học là Magie sulfat là một muối vô cơ có chứa magie, lưu huỳnh và oxi, với công thức hóa học MgSO₄). Không phải là muối chúng ta ăn hàng ngày như các trang mạng đã dịch.
Muối Epsom là chế phẩm khoáng chất phổ biến của Magiê, sử dụng chủ yếu trên các bệnh da, cơ xương khớp, muối này được nhắc đến có thể điều trị viêm da như: nhọt nhỏ hoặc nhiễm trùng cục bộ tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào về tính chất chống viêm của muối này.
Việc cho muối Epsom vào tất (kể cả việc các bậc cha mẹ nhầm lẫn dùng muối ăn hàng ngày) sau đó làm nóng rồi chườm vào phía sau tai, về cơ bản cũng chỉ là hiện tượng dùng nhiệt nóng để giảm đau.
Việc giảm đau bằng nhiệt nóng hay lạnh, đã được nhắc đến trong các phác đồ cập nhật uptodate (trang thông tin Y khoa uy tín lớn nhất trên thế giới hiện nay) với chú thích – “hiệu quả của chúng chưa được chứng minh”.
Vậy khi con bạn bị đau tai do viêm tai giữa cấp chúng ta phải làm gì? Lời khuyên được bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng đưa ra là:
Triệu chứng đau tai cần được điều trị cho dù trẻ có được điều trị bằng kháng sinh hay không.
Các chế phẩm Procaine hoặc lidocaine tại chỗ (nếu có) là một lựa chọn thay thế cho thuốc giảm đau đường uống cho trẻ em ≥2 tuổi nhưng không được sử dụng ở trẻ em bị thủng màng nhĩ. Thuốc giảm đau tại chỗ tránh được dùng ở trẻ em
Ibuprofen hoặc acetaminophen (Paracetamol) đường uống được khuyến cáo sử dụng giảm đau cho trẻ bị đau tai do viêm tai giữa cấp.
Các bậc cha mẹ nên tìm hiểu thông tin một cách cặn kẽ và thấu đáo trước khi áp dụng bất cứ phương án điều trị nào cho con em mình để phòng tránh những điều đáng tiếc xảy ra. Tốt nhất vẫn nên đến gặp các bác sĩ đúng chuyên khoa để được tư vấn và lựa chọn phương án điều trị phù hợp.
N.XuânBạn đang xem bài viết Thực hư tác dụng của việc dùng muối và tất sạch chữa viêm tai giữa cho trẻ tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].