Vai đeo balo bên trong đựng chiếc máy tính được hội đồng hương tặng, ghi đông chiếc xe đạp mua cũ lủng lẳng túi đựng bộ quần áo mưa, chàng trai thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội len lỏi giữa bạt ngàn xe cộ trên quãng đường từ chỗ trọ với trường.
Với điểm số 29,3 trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, Hiện là học sinh đạt điểm cao nhất của tỉnh Nam Định và trở thành thủ khoa của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Những ngày hè cấp 3 bốc vác bao muối nặng 50 cân
3 giờ sáng, Hiện trở dậy, theo cậu của em đi lấy hàng ở Hải Phòng rồi quay lại huyện rao hàng tới tận nhà dân.
Những giấc ngủ của cậu bé đang tuổi ăn tuổi lớn bị ngắt quãng bởi hàng chục bao hàng phải vác lên xe rồi từ thùng xe vác vào nhà dân.
Nếu hôm nào cậu đi sớm cỡ 1 giờ sáng thì cậu không nỡ lòng gọi Hiện dậy. Những hôm đó, Hiện được ngủ thoả thích.
Cả hè lớp 10, lớp 11 của Hiện gắn liền với những bao hàng nhẹ cũng phải 20 cân và nặng nhất là 50 cân.
Hiện kể, thời gian đó em khoẻ lắm, chẳng ốm đau gì cả, cứ làm phăng phăng thôi. Có lẽ, sự sung sức của cậu bé ‘tuổi 17 bẻ gẫy sừng trâu’ và tình thương với bố mẹ của mình, Hiện đã cố gắng căng mình ra bươn bả kiếm tiền.
Mấy tháng hè ăn, ở nhà cậu, theo cậu đi làm, Hiện gom góp đưa mẹ khoản tiền kha khá, cùng những gạch đầu dòng phải chi tiêu trong gia đình.
Bố Hiện bị bệnh nặng, thường xuyên nhập viện, đặc biệt vào những ngày trái gió trở trời, sức lao động bị giảm sút nên không thể tiếp tục công việc thợ xây như trước kia.
Đôi vai người mẹ gầy gò sinh năm 1972 gồng gánh kinh tế của cả gia đình. Mấy sào ruộng và khoản thu nhập ít ỏi, bấp bênh của nghề phụ hồ không đủ để mẹ Hiện trang trải chi phí học tập của hai anh em và của cả gia đình.
Năm học mới của cậu bé con nhà nghèo bắt đầu bằng việc Hiện đưa mẹ hết số tiền em kiếm được bằng nghề theo xe hàng bốc vác.
Hiện giấu nhẹm hoàn cảnh của mình với thầy cô và các bạn. Nếu cậu của Hiện không kể cho cô giáo chủ nhiệm thì không ai biết ‘bí mật’ gia đình em.
Hiện không muốn nhận lại sự thương hại của thầy cô, bạn bè khi họ biết gia đình mình thuộc diện cận nghèo từ năm 2015 và chuẩn bị trở thành hộ nghèo.
Biết được sự khó khăn của Hiện, cô Diệp thường xuyên động viên và cho em mượn sách để ôn thi.
Cùng với cô giáo chủ nhiệm, mãi đến khi qua kỳ thi cuối cùng, Hiện mới chia sẻ hoàn cảnh của mình cho 2 người bạn thân cùng lớp.
Vì lần thiếu 0,25 đạt giải nhất tỉnh, quyết tâm đỗ thủ khoa
Hiện được cậu và mẹ đưa lên Hà Nội bằng chuyến xe khách giờ trưa, hành trang chỉ có bộ chăn màn mới, chục cân gạo và vài bộ quần áo. Dò hỏi đường tới chỗ trọ đã liên hệ trước, 2 người thân yêu nhất của Hiện thả cậu tại ngôi nhà ‘Dream house’.
Tại đây, Hiện sống cùng phòng với 3 người anh đã đi làm và là thư ký ban Văn hoá của khu nhà.
Ấn tượng với thành tích và khi tiếp xúc thấy Hiện không phải là ‘mọt sách’, chị Huế (giám đốc dự án Dream House) đã hỗ trợ toàn bộ chi phí tiền ở trong vòng 1 năm cho Hiện, tương đương khoảng 15 triệu đồng.
Hiện bắt đầu viết tiếp giấc mơ của mình, bắt đầu từ ngày đầu tiên tự đi từ phố Hoa Bằng tới trường Đại học Bách Khoa nhập học bằng chiếc xe đạp mua lại giá 700.000 với số tiền được thưởng.
Yêu thích môn hoá nhất trong 3 môn học, môn này đã mang lại cho Hiện giải khuyến khích cấp tỉnh năm lớp 11 và giải nhì vào năm lớp 12.
Trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn hoá học, Hiện chỉ còn thiếu 0,25 điểm để giành giải nhất. ‘Nếu thiếu nhiều điểm thì em không tiếc nhưng thiếu mỗi 0,25 nên em quyết tâm phải đỗ thủ khoa để ‘trả thù’’, hiện bộc bạch.
Vậy là, kế hoạch thủ khoa được Hiện thiết lập và thực hiện bằng được.
Năm lớp 12, Hiện đắn đo giữa việc chọn đăng ký vào các trường công an, quân đội để đỡ khoản học phí, nhưng em muốn thử thách bản thân mình trong môi trường bên ngoài, để xem sức mình chống chọi được ra sao.
Những cuốn sách về khoa học đã tạo cảm hứng cho Hiện tìm hiểu về ngành tự động hoá và công nghệ thông tin. Môi trường sống cũng là một trong những nguyên nhân em lựa chọn tự động hoá để học tập, nghiên cứu.
Vùng quê nghèo Xuân trường, Nam Định đã nuôi lớn ý chí vượt lên khó khăn của cậu bé thích đọc sách về khoa học.
Không chỉ trong việc học mà Hiện còn luôn muốn khám phá sức chịu đựng của bản thân mình ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Em có ý định đi xe đạp về quê và tới nhiều vùng đất khác.
Tuy nhiên, trước khi làm được điều đó thì Hiện đi hết Hà Nội để rèn luyện sức khoẻ, dai sức và Hà Nội có nhiều điều em muốn khám phá lắm.
Đây là lần đầu tiên Hiện uống trà đá, thức đồ uống mà cậu nói chắc sẽ gắn bó với nó dài dài vì ‘em thấy sinh viên ngồi trà đá nhiều lắm’.
Chưa nhập học đã có phụ huynh liên lạc gia sư
Hiện tại, mỗi tuần Hiện gia sư 3-4 buổi môn toán cho em học sinh cấp 2 gần trường.
Ý định ban đầu của cậu là đến Hà Nội, để mọi thứ dần ổn định rồi mới đi gia sư. Tuy nhiên, khi chưa nhập học, một phụ huynh đã liên lạc với Hiện, đề nghị em kèm cặp con họ.
Hiện mừng lắm, vì gia sư là một việc làm thêm em xác định ngay từ đầu trong quãng thời sinh viên sắp tới của mình.
Công việc gia sư với mức thu nhập 80.000 đến 100.000 đồng/buổi đã giúp Hiện trang trải sinh hoạt hằng ngày. Hiện tìm thấy niềm vui trong mỗi lần gặp học sinh của mình.
Hiện mong muốn sẽ giúp học sinh của em yêu thích việc học và đạt kết quả cao trong học tập.
Với Hiện, việc học phải bắt đầu từ sự thích thú chứ không gò bó bản thân phải học cái này, cái kia, vô hình chung tự tạo áp lực không cần thiết cho bản thân.
Trong suốt quá trình học tập của mình, Hiện không đi học thêm ở đâu cả. Thời gian dành cho các môn học ở trường được Hiện sắp xếp phù hợp.
Hiện tập trung vào các môn chủ lực, các môn còn lại em tập trung nghe giảng trên lớp để về nhà không phải để tâm đến chúng nữa.
Ngoài việc học tập trên trường ban ngày, Hiện dành khoảng 3-4 tiếng để học buổi tối để hệ thống lại kiến thức và củng cố chúng bằng cách làm bài tập.
Hiện thường xuyên trao đổi đề thi, chuyên đề với các bạn đội tuyển lý, hoá, chỗ nào chưa rõ chưa hiểu thì mày mò tìm bằng được bản chất vấn đề.
Hiện luyện thi bằng cách cập nhật và giải thật nhiều đề. Từ những bài tập cơ bản, Hiện tìm cách đặt giả thiết, tạo ra nhiều bài tập với những điều kiện khó tìm ra nhiều cách giải khác nhau.
Trong quá trình học và ôn thi, gặp những bài hay, lạ, Hiện đều cẩn thận ghi chép lại vào tập vở riêng. Với những môn thi tự luận, Hiện tìm cách giải để tạo thành phản xạ nhanh.
Khi mệt mỏi quá, em đọc truyện tranh rồi nghe những bài nhạc trẻ để thư giãn. Thời gian nước rút, Hiện sang nhà bạn, 2 đứa cùng học để bổ sung kiến thức cho nhau.
‘Em học đã… 3 năm nữa em mới yêu’
Tình yêu thương chính là động lực giúp Hiện vượt qua mọi khó khăn và thi đạt điểm cao.
Hiện nhớ lại khoảnh khắc cuộc đời mình khi biết điểm thi, người đầu tiên em muốn chia sẻ niềm vui đó chính là người mẹ của mình. Vậy là bao nhọc nhằn đã được đền đáp xứng đáng.
‘Tuyệt vời’, Hiện và mẹ vỡ oà trong hạnh phúc.
‘Nếu có một điều ước, em dành nó cho mẹ. Mẹ gầy. Mẹ đã vất vả quá rồi. Em ước mẹ bớt vất vả và ít phải suy nghĩ’, Hiện nghẹn ngào khi nhắc đến người mẹ của mình.
Đây là lần đầu tiên xa nhà, Hiện nhớ bố mẹ và thằng em đang học lớp 7 của mình vô cùng. ‘Nhớ nhà thì em chỉ biết cố gắng học thật tốt thôi, sau này sẽ có nhiều cơ hội ở cạnh bố mẹ’, Hiện tâm sự.
Hiện bộc bạch, mình con nhà nghèo, từ quê lên thành phố nên chắc chắn có rất nhiều cái cám giỗ mình. Nên em phải chuẩn bị tâm lý thật vững vàng cho những gian nan phía trước. Còn nếu không vượt qua được cám giỗ thì em về quê lấy vợ.
Bây giờ, em chỉ biết cố gắng, cố gắng và cố gắng thôi. Thành tích học tập sẽ là câu trả lời.
Thời gian tới, Hiện muốn tập trung vào học, giành học bổng, tranh thủ đi gia sư buổi tối để kiếm thêm tiền trang trải các khoản chi phí.
Hiện đăng ký học tiếng Anh để trau dồi thứ ngôn ngữ em yêu thích nhưng bị bỏ lơ suốt quãng thời gian em ôn thi đại học. Ngoài ra, Hiện còn năng nổ tham gia các hoạt động để kỹ năng mềm của mình tăng lên.
‘Em cũng muốn học guitar để còn ‘cua gái’ nữa chứ’, Hiện cười tươi.