Một trẻ tử vong bất thường, nhiều trẻ tím tái, quấy khóc sau tiêm vắc xin?
Khoảng 25/12 đến nay, trong một số diễn đàn làm mẹ, nuôi con xuất hiện các bài viết của nhiều người dân khu vực Nam Định về việc có nhiều bé bị phản ứng sốc phản vệ sau khi tiêm chủng vắc xin ComBE Five tại trạm y tế.
Theo lời chia sẻ của các phụ huynh này, sau khi tiêm, các bé xuất hiện tình trạng sốt cao (39, 40 độ C), quấy khóc liên tục, bỏ ăn bỏ bú, li bì, có trường hợp trẻ tím tái.
Điều đáng nói, hàng loạt các bài chia sẻ xuất hiện trong thời gian ngắn khiến dư luận hoang mang, đặc biệt các gia đình có con trong độ tuổi cần tiêm loại vắc xin này.
Sáng 28/12, trao đổi với PV Gia Đình Mới, ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trước sự việc này, Văn phòng Chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn đang tổng hợp báo cáo, giám sát về các trường hợp có phản ứng sau tiêm chủng đối với vaccine ComBE Five dựa trên kết quả báo cáo của từng địa phương.
“Tại tỉnh Nam Định, sau khi tiêm có một số trẻ phản ứng sau tiêm phải nhập viện, có một trẻ tư vong và hiện tại Hội đồng chuyên môn của tỉnh Nam Định đã họp và sẽ có báo cáo với khi có kết quả. Sau đó, chúng tôi sẽ có thông báo chính thức về sự việc này”, ông Dương chia sẻ.
Quấy khóc, tím tái… sau tiêm vắc xin là bình thường?
Theo vị chuyên gia này, tất cả các vắc xin không riêng gì vắc xin ComBE Five cũng có khả năng gây ra sốc phản vệ bởi vì tính phản ứng mỗi cá thể với từng loại vắc xin một.
“Giống như trong thực phẩm, hàng triệu người ăn trứng không bị sao nhưng có những người dị ứng trứng, ăn vào có thể tử vong. Sốc phản vệ vắc xin cũng tương tự, có thể tiêm vắc xin nhưng 1.000 trẻ bình thường còn 1 trẻ có thể bị phản ứng.
Tổ chức Y tế Thế giới đã thống kê chỉ số ghi nhận tỉ lệ nhất định sốc phản vệ sau tiêm vắc xin.
Chúng ta nên hiểu, vắc xin gì dù tốt đến đâu cũng có những rủi ro, nó an toàn nhưng không an toàn tuyệt đối. Vì bản chất, vắc xin là một chất lạ nên khi vào cơ thể, cơ thể sẽ có phản ứng lại.
Thông thường phản ứng hay gặp là có sốt, sưng nóng đỏ đau, kích thích quấy khóc và hiện tượng này sẽ mất từ 24 - 48 giờ. Tuy nhiên, ở một số trẻ có thể nặng hơn, bao gồm sốc phản vệ. Sốc phản vệ nếu được cấp cứu kịp thời sẽ qua khỏi, còn không cấp cứu kịp thời sẽ rất nguy kịch, đe doạ tính mạng”, ông Trần Như Dương cho biết.
Hiện nay, để giám sát tình trạng sốc phản vệ sau tiêm vắc xin, Bộ Y tế đã cập nhật cấp cứu chống sốc trên phạm vi toàn quốc, tuy nhiên, điều quan trọng là cha mẹ cũng cần theo dõi, phối hợp cùng nhân viên y tế.
Bất cứ trẻ có biểu hiện bất thường sau tiêm chủng như quấy khóc dai dẳng, sốt cao không hạ, li bì, tím tái… đều cần phải được đưa đến cơ sở y tế.
Vắc xin dịch vụ tốt hơn vắc xin tiêm chủng mở rộng?
Sau khi có thông tin nhiều trẻ có dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng ComBE Five trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, nhiều gia đình có xu hướng lựa chọn vắc xin dịch vụ để tiêm cho con với suy nghĩ loại vắc xin này an toàn hơn.
Trả lời về vấn đề này, ông Trần Như Dương cho biết, vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1 giữa chương trình Tiêm chủng mở rộng và dịch vụ về thành phần tương đương nhau, tuy nhiên, chỉ có riêng thành phần khác chính là thành phần ho gà.
Cụ thể như vắc xin 5 trong 1 ComBE Five, thành phần ho bào là toàn tế bào, có nghĩa cả con vi khuẩn được giết chết và đem đi làm vắc xin. Với thành phần ho gà toàn tế bào có kháng nguyên mạnh hơn, kích thích miễn dịch tốt hơn nhưng có nhược điểm kháng nguyên vẫn chưa tinh lọc nên gây ra nhiều phản ứng hơn như sốt hơn, quấy khóc hơn, sưng đau hơn…
Với vắc xin dịch vụ thì thành phần ho gà là vô bào, tức thành phần này được thông qua kỹ thuật tinh lọc lấy những kháng nguyên cần thiết, chính vì ít kháng nguyên nên các phản ứng thông thường sẽ ít hơn.
Tuy nhiên, về cơn bản, các triệu chứng sốc, phản vệ nặng của 2 loại vắc xin này đều giống nhau.
Vắc xin ComBE Five là vaccine phối hợp bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Theo kế hoạch, cuối tháng 12/2018 Bộ Y tế bắt đầu cho triển khai vắc xin mới thay thế vaccine 5 trong 1 Quinvaxem bằng vắc xin DPT-VGB-Hib (ComBE Five) của Ấn Độ và đến thời điểm hiện tại thì một số địa phương đã triển khai tiêm vaccine này.
Vắc xin ComBE Five đã được triển khai an toàn, việc theo dõi phản ứng sau tiêm vắc xin ComBE Five được thực hiện chủ động, chặt chẽ trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng, ghi chép, báo cáo tất cả các trường hợp phản ứng thông thường được người nhà và cán bộ y tế ghi nhận.
Hồng HảiBạn đang xem bài viết Thông tin trẻ tử vong, tím tái sau tiêm vắc xin ComBE Five: Chuyên gia nói gì? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].