Vitamin B5 có mặt trong hầu hết các loại thực phẩm vì vậy thiếu vitamin B5 là một tình trạng rối loạn dinh dưỡng hiếm gặp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể xảy ra thiếu hụt vitamin B5 do nhiều nguyên nhân. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về các nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị tình trạng thiếu hụt vitamin B5 trong bài viết dưới đây nhé!
1 Thiếu vitamin B5 là gì?
Vitamin B5 hay axit pantothenic là một chất cần thiết với sự hình thành coenzym A, tổng hợp acetylcholine, melatonin và sản xuất năng lượng cho các hoạt động trong cơ thể.
Thiếu vitamin B5 là một tình trạng cực kỳ hiếm gặp vì vitamin B5 có ở trong hầu hết các loại thực phẩm. Do đó, sự thiếu hụt vitamin B5 trong cơ thể sẽ chỉ xảy ra ở tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
Hầu hết triệu chứng của tình trạng thiếu hụt vitamin B5 đều liên quan đến sự rối loạn chức năng sản xuất năng lượng. Các triệu chứng này bao gồm khó chịu, mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng, dị cảm.
Việc thiếu sản xuất acetylcholine do thiếu vitamin B5 cũng có thể dẫn đến cảm giác dị cảm hoặc chuột rút và theo thời gian sẽ dẫn đến co giật mạn tính.
Vitamin B5 có ở trong hầu hết các loại thực phẩm
2 Nguyên nhân khiến cơ thể thiếu vitamin B5
Thiếu vitamin B5 trong chế độ ăn
Hầu như tất cả các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật và động vật đều chứa vitamin B5 với số lượng khác nhau. Trong đó, một số loại thực phẩm có hàm lượng vitamin B5 cao bao gồm thịt bò, thịt gà, nội tạng, ngũ cốc nguyên hạt...
Việc thiếu vitamin B5 trong chế độ ăn rất hiếm khi xảy ra, tuy nhiên một thói quen ăn uống mất cân bằng hoặc nhịn ăn kéo dài có thể dẫn đến tình trạng này. Ngoài ra, chế biến thức ăn bằng cách đun nóng quá mức cũng có thể làm giảm hàm lượng vitamin B5 có trong thức ăn.
Đun nóng thức ăn quá mức cũng có thể làm giảm hàm lượng vitamin B5
Cơ thể tăng nhu cầu sử dụng Vitamin B5
Nguyên nhân thiếu vitamin B5 cũng có thể đến từ việc tăng nhu cầu sử dụng trong cơ thể. Trong một số trường hợp nhất định, cơ thể cần một lượng vitamin B5 lớn hơn bình thường:
- Mang thai, cho con bú.
- Độ tuổi phát triển như trẻ em, thanh thiếu niên.
- Stress.
- Lạm dụng rượu.
Tăng nhu cầu sử dụng vitamin nhóm B khi mang thai có thể gây thiếu hụt vitamin B
Mắc một số bệnh lý
Quá trình hấp thu và chuyển hóa vitamin B5 trong cơ thể có thể bị ảnh hưởng ở những người mắc một số bệnh lý mạn tính. Điều này gây tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin B5 ở một số đối tượng như:
- Mắc bệnh tiểu đường.
- Đang chạy thận nhân tạo.
- Mắc bệnh về đường ruột (bệnh Crohn hoặc bệnh celiac).
Các bệnh lý về đường ruột có thể gây thiếu hụt vitamin B5
Sử dụng chung với một số thuốc
Thành phần trong một số loại thuốc có thể tương tác và làm giảm nồng độ vitamin B5 trong cơ thể. Các loại thuốc khi sử dụng chung có thể gây thiếu hụt vitamin B5 bao gồm thuốc kháng axit, ASA, thuốc tránh thai, thuốc điều trị ung thư.
Sử dụng thuốc tránh thai có thể gây ra tình trạng thiếu vitamin B5
Thiếu enzym chuyển hóa vitamin B5
Đột biến gen pantothenate kinase 2 (PANK2) dẫn đến tình trạng thiếu hụt enzym pantothenic acid kinase - một enzym cần thiết cho quá trình sản xuất CoA và phosphopantetheine. Đây là enzym chính trong con đường chuyển hóa để tổng hợp CoA. Đột biến gen PANK2 còn gây ra một rối loạn di truyền hiếm gặp - thoái hóa thần kinh liên quan đến pantothenate kinase (PKAN). PKAN là một loại thoái hóa thần kinh đặc trưng bởi sự tích tụ sắt trong não.
Một số lượng lớn đột biến PANK2 làm giảm hoạt động của pantothenate kinase 2, có khả năng làm giảm quá trình chuyển đổi axit pantothenic thành CoA và do đó làm giảm nồng độ CoA. Những người bị thiếu hụt enzym này cũng có nguy cơ cao thiếu vitamin B5.
Các biểu hiện của PKAN có thể bao gồm chứng rối loạn trương lực cơ, co cứng và bệnh võng mạc sắc tố. Bệnh tiến triển nhanh và dẫn đến tình trạng tàn tật và mất chức năng.
Việc điều trị đột biến này chủ yếu tập trung vào việc giảm các triệu chứng. Người ta vẫn chưa biết liệu việc bổ sung pantothenate có mang lại lợi ích cho PKAN hay không, nhưng một số báo cáo cho thấy rằng các chất bổ sung có thể làm giảm các triệu chứng ở một số bệnh nhân mắc PKAN không điển hình.
Thiếu enzym chuyển hóa do đột biến gen gây thiếu vitamin B5
3 Dấu hiệu thiếu vitamin B5
Sự thiếu hụt vitamin B5 có thể biểu hiện bằng các dấu hiệu sau:
- Mệt mỏi.
- Cáu gắt, bồn chồn.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Đau dạ dày.
- Buồn nôn, nôn.
- Tê liệt, dị cảm.
- Chuột rút.
- Hạ đường huyết.
Các triệu chứng này có thể giảm đi sau khi bổ sung đầy đủ vitamin B5.
Mệt mỏi thường xuyên có thể là dấu hiệu của tình trạng thiếu vitamin B5
4 Cách điều trị khi cơ thể thiếu vitamin B5
Bổ sung vitamin B5 để điều trị tình trạng thiếu hụt bằng chế độ ăn hàng ngày hoặc thực phẩm chức năng chứa vitamin B5. Dưới đây là liều lượng vitamin B5 bổ sung hàng ngày theo khuyến nghị của Viện Y học Hoa Kỳ:
- Người trên 19 tuổi: 5 mg.
- Phụ nữ mang thai: 6 mg.
- Phụ nữ cho con bú: 7 mg.
- Trẻ 0 - 6 tháng tuổi: 1,7 mg.
- Trẻ 7 - 12 tháng tuổi: 1,8 mg.
- Trẻ 1 - 3 tuổi: 2 mg.
- Trẻ 4 - 8 tuổi: 3 mg.
- Trẻ 9 - 13 tuổi: 4 mg.
- Trẻ 14 - 18 tuổi: 5 mg.
Thực phẩm chức năng chứa vitamin B5 giúp giảm triệu chứng thiếu vitamin B5
5 Biện pháp phòng ngừa thiếu vitamin B5
Một chế độ ăn cân bằng bao gồm nhiều loại thực phẩm giàu vitamin B5 như thịt, cá, trứng, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu có thể giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt vitamin B5.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp khó bổ sung đầy đủ vitamin B5 bằng chế độ ăn thì có thể sử dụng các thực phẩm chức năng chứa vitamin B5.
Xem thêm: Vitamin B5 có trong thực phẩm nào? Top 17 thực phẩm giàu vitamin B5
Xem thêm:
- Liều dùng, cách dùng vitamin B5 hiệu quả, an toàn
- Vitamin B5 là gì? Tác dụng, cách dùng, thực phẩm chứa vitamin B5
- Thực hư chuyện uống vitamin B5 trị rụng tóc
- Thiếu vitamin: Nguyên nhân, triệu chứng và cách bổ sung hiệu quả
Việc điều trị và phòng ngừa thiếu hụt vitamin B5 có thể được thực hiện thông qua chế độ ăn hợp lý hàng ngày. Ngoài ra, bạn có thể chủ động bổ sung vitamin B5 bằng các thực phẩm chức năng theo liều lượng khuyến cáo. Hãy chia sẻ kiến thức hữu ích này đến những người xung quanh nữa bạn nhé!
Bạn đang xem bài viết Thiếu vitamin B5: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].