Thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ triển khai thi hành Luật Thủ đô

UBND TP.Hà Nội mới ban hành Kế hoạch số 249/KH-UBND tổ chức phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ triển khai thi hành Luật Thủ đô.

Phong trào thi đua được tổ chức nhằm tạo khí thế sôi nổi, thu hút sự tham gia tích cực, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị từ cấp thành phố đến cơ sở và các đơn vị có liên quan; thúc đẩy các mô hình sáng kiến, sáng tạo trong việc triển khai thi hành Luật Thủ đô, bảo đảm đồng bộ, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả, đúng quy định.

Đối tượng thi đua bao gồm: Các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị từ cấp thành phố đến cơ sở và các đơn vị, tổ chức có liên quan (tập thể); cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương, thành phố; các chuyên gia, nhà khoa học, cá nhân có tham gia các hoạt động triển khai thi hành Luật Thủ đô (cá nhân).

Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình TOD, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững. Ảnh minh họa

Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình TOD, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững. Ảnh minh họa

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thi đua thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức thi hành Luật Thủ đô (tham mưu phối hợp xây dựng văn bản của Trung ương, văn bản của thành phố quy định chi tiết Luật Thủ đô, văn bản của thành phố được ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô).

Thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được giao trong Luật Thủ đô (xây dựng chương trình, đề án, văn bản cá biệt để thực hiện quy định giao trong Luật Thủ đô; các nhiệm vụ khác được giao trong Luật và kế hoạch, chỉ đạo của thành phố). Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và tập huấn thi hành Luật Thủ đô và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật. Tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ việc triển khai thi hành Luật Thủ đô theo kế hoạch của thành phố. Tổ chức, thực hiện các hoạt động theo dõi thi hành Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.

Thời gian thực hiện thi đua tính từ ngày ban hành Kế hoạch này đến hết tháng 8/2025 (riêng nội dung tuyên truyền, phổ biến và tập huấn thi hành Luật Thủ đô, thời gian thực hiện theo kế hoạch của Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm của thành phố Hà Nội).

Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội đã thông qua sáng 28/6, với 462/470 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành (chiếm 95,06% tổng số đại biểu). Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua gồm 7 Chương với 54 Điều, quy định rõ vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 54 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. 

Luật Thủ đô (sửa đổi) nêu rõ: Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội. Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là thành phố trực thuộc Trung ương, là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước. 

Về tổ chức chính quyền đô thị, Luật quy định: Chính quyền địa phương ở TP.Hà Nội, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND thành phố, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố, xã, thị trấn thực hiện theo quy định của luật này, quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và quy định khác của pháp luật có liên quan. 

Chính quyền địa phương ở phường tại thành phố là UBND phường - là cơ quan hành chính nhà nước, được tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật này. 

Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng có nhiều quy định mới, mang tính đột phá như: quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô; Thành phố Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch; Tạo cơ sở cho việc thực hiện chủ trương xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực với nhiều chính sách cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình TOD, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững

An Nhiên

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính