“Con gái tôi khá hiếu động, thường không tập trung nên mất rất nhiều thời gian để giải quyết bài tập về nhà. Con không muốn học thêm bất cứ môn gì vì thời gian trả bài ở lớp còn chưa xong. Vợ chồng tôi đã thử nhiều cách nhưng con vẫn chưa cải thiện được thái độ học tập”, đây là chia sẻ của chị Tạ Bích Hải, có con đang học cấp một, trong buổi tư vấn “Đồng hành cùng con lập kế hoạch học tập” tổ chức tại Hà Nội vừa qua.
Hầu hết các phụ huynh có con ở bậc Tiểu học đều gặp vấn đề tương tự như chị Hải bởi các con đều mới bắt đầu làm quen với các chương trình học tập trong nhà trường lại đang tuổi ăn tuổi chơi, chưa thể ngay lập tức tự giác với việc học tập. Điều này khiến nhiều phụ huynh vất vả kéo sự tập trung của con vào việc học.
Thấu hiểu những lo lắng của phụ huynh, cô Nguyễn Thị Mai Quỳnh, giáo viên Trung tâm học tập chủ động Galileo, khẳng định, điều cốt lõi giúp cha mẹ rèn các con chủ động trong học tập là cần phát hiện ra nguyên nhân khiến con mất tập trung khi học.
Cụ thể, theo cô Quỳnh, có hai nguyên nhân chính mà phụ huynh cần chú ý: Thứ nhất, con không có hứng thú với việc học. Thứ hai, con hay bị phân tán bởi những mối bận tâm khác.
Nếu con không hứng thú học tập, cha mẹ cần khơi nguồn cảm hứng cho con thông qua việc lồng ghép khéo léo giữa sở thích và kiến thức. Còn nếu con rơi vào trường hợp thứ hai, có những mối bận tâm khác ngoài việc học như đố kị bạn bè, thích chơi hơn thích học… thì đây chính là lúc cha mẹ cần trở thành bác sĩ tâm lý, lắng nghe và tâm sự với con theo hình thức dân chủ, tuyệt đối không quát tháo hay đánh mắng.
Có thể thấy, ở lứa tuổi Tiểu học, khi con vẫn còn tâm lý ham chơi hơn ham học, kiến thức học ở trường cũng không quá nặng thì cha mẹ cần uốn nắn con từ từ. Không nên ép con học thêm quá nhiều khiến con bị loạn kiến thức, áp lực cao càng khiến con lại càng không thích học.
Thay vào đó, cha mẹ hãy cho con học nhẹ nhàng với thời gian biểu 30 phút - 35 phút sau đó xen kẽ các hoạt động khác có gắn kết thực tiễn với kiến thức con đã học như: Giải đố, thi tài, trả lời nhanh. Việc học nhẹ nhàng kết hợp với đời sống sẽ giúp con thêm yêu môn học, thêm chủ động trong quá trình tìm tòi kiến thức.
Thầy Nguyễn Quyết Thắng, giáo viên trường THCS FPT Hà Nội, chia sẻ thêm việc xao nhãng khi học của trẻ có thể do thói quen sinh hoạt hàng ngày của bé.
Để con chủ động học tập, cha mẹ cần lên kế hoạch học tập cho con, đặt ra những mục tiêu nhỏ, cùng con thực hiện kế hoạch và đặc biệt cha mẹ cần làm gương trong kỉ luật học tập. Ngoài việc đồng hành cùng con, cha mẹ cần động viên và khen thưởng con đúng thời điểm để con tự tin và hứng thú đạt các mục tiêu mới.
Đồng quan điểm với các thầy cô, cô Vũ Thu Hà, giáo viên Toán bậc Tiểu học tại Hệ thống giáo dục HOCMAI chia sẻ thêm, đối với những bé có lịch học quá dày, cha mẹ cần hỗ trợ con lên kế hoạch học tập đồng thời sắp xếp việc học của con xen kẽ với các hoạt động vui chơi khác.
Cô Hà cũng nhấn mạnh, việc lập kế hoạch học tập cho con là phương pháp tốt nhất giúp con chủ động học tập. Xây dựng kế hoạch học tập khoa học, phù hợp với lịch trình sinh hoạt của gia đình là tiền đề rất lớn cho bé tự giác trong việc học.
Cha mẹ có thể cùng con lên các đầu việc mỗi ngày để bé hoàn thành như: Đi học, hỗ trợ công việc gia đình cùng bố mẹ, làm bài tập về nhà, vui chơi thư giãn… đồng thời xác định rõ mốc thời gian và khoảng thời gian cần thiết để con làm công việc đó.
Ngoài ra, nhiều phụ huynh vẫn chưa biết đến việc kết hợp học trực tuyến tại nhà với con. Đây là phương thức học mang lại nhiều lợi ích giúp cha mẹ dễ dàng bám sát được chương trình học thực tế của con tại trường và tiết kiệm nhiều thời gian trong việc lên kế hoạch học cùng con.
Quỳnh TrangBạn đang xem bài viết Thầy cô hướng dẫn phụ huynh những 'tuyệt chiêu' giúp con học hành chăm chỉ hơn tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].