Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định, triển lãm “Thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô 70 năm xây dựng và phát triển” là hoạt động trọng tâm của Thành phố chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, nêu bật những thành tựu của Hà Nội qua 70 năm chiến đấu, lao động, sản xuất và phát triển, các dấu ấn đặc biệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố trong từng thời kỳ lịch sử.
Qua đó, triển lãm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô về đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”; giới thiệu, quảng bá hình ảnh của Thủ đô với các địa phương trong nước và bạn bè quốc tế; đồng thời, thể hiện quyết tâm phấn đấu xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Nói về những bước phát triển mạnh mẽ của Hà Nội từ Ngày Giải phóng Thủ đô đến ngày hôm nay, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nêu bật, từ một Thành phố bị tàn phá sau chiến tranh, Hà Nội đã nhanh chóng khôi phục và từng bước phát triển qua các thời kỳ, thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế.
Trong đó, từ thời kỳ Đổi mới (năm 1986), Hà Nội đã vươn lên trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước. GRDP bình quân đầu người tăng mạnh, đạt gần 6.300 USD vào năm 2023, gấp hơn 130 lần so với năm 1954. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7-8%/năm, đóng góp khoảng 16% GDP và 18,5% tổng thu ngân sách của cả nước. Không gian đô thị không ngừng được mở rộng (tỷ lệ đô thị hóa đạt 49,2%), phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt trên 12,13%.
Hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư và có tính kết nối cao. Hạ tầng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hạ tầng số được quan tâm đẩy mạnh và hiện đại hóa, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội. Nhiệm vụ quốc phòng, an ninh luôn được đảm bảo tuyệt đối. Quan hệ đối ngoại, hội nhập, hợp tác phát triển được mở rộng, nâng cao vị thế Thủ đô trong khu vực và trên thế giới. Thành phố được quốc tế công nhận và vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”.
Những thành tựu này không chỉ cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho quá trình phát triển nhanh, bền vững, tương đối toàn diện của Thành phố.
Với diện tích trưng bày khoảng 2.500m2 gồm hơn 500 hình ảnh, 500 hiện vật, 30 mô hình ứng dụng công nghệ hiện đại, Triển lãm thể hiện bức tranh toàn diện về Thủ đô 70 năm qua, hào hùng trong chiến đấu, hăng say trong lao động, sáng tạo, đang vươn lên mạnh mẽ cùng dân tộc và thời đại, ngày càng văn hiến, văn minh, hiện đại, mang tầm vóc khu vực và quốc tế.
Thông qua việc sử dụng pano, bản vẽ, tài liệu, phim, ảnh, hiện vật, mô hình kết hợp trình chiếu 3D mapping, ứng dụng công nghệ số, AI, triển lãm đưa khách tham quan theo dòng lịch sử trở về các giai đoạn phát triển của Hà Nội theo 5 không gian.
- Phần 1: Hà Nội trước năm 1954: Tái hiện lịch sử hào hùng của Thủ đô Hà Nội từ thời kỳ Thăng Long đến mốc son lịch sử chói lọi - Giải phóng Thủ đô, mở ra thời kỳ phát triển mới của Hà Nội.
- Phần 2: Hà Nội trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975): Tái hiện lại những thành tựu trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đồng thời là hậu phương lớn nhất và quan trọng nhất, huy động cao độ sức người, sức của, nơi tập trung và điểm xuất phát của mọi nguồn lực chi viện cho chiến trường miền Nam, nơi trực tiếp lập nên nhiều kỳ tích anh hùng của công cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại, thống nhất đất nước.
- Phần 3: Hà Nội cùng cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội tiến hành công cuộc đổi mới (1975 - 2008): Tái hiện lại những thành tựu thời kỳ khôi phục, tái thiết và phát triển kinh tế - xã hội sau chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; thời kỳ quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
- Phần 4: Thủ đô Hà Nội mở rộng từ năm 2008 đến nay: Tái hiện các thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội sau mở rộng địa giới hành chính với diện mạo, tầm vóc mới diện tích Hà Nội được mở rộng lên 3.359,84 km2, gấp 3,6 lần diện tích cũ, là 1 trong 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới.
- Phần 5: Định hướng phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng Thủ đô Hà Nội xứng tầm là hình ảnh đại diện của đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa, tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển hàng đầu trong khu vực, ngang tầm với thủ đô các nước trên thế giới; là Thành phố toàn cầu, Xanh - Thông minh - Thanh bình - Thịnh vượng; là nơi đáng đến và lưu lại, nơi đáng sống và cống hiến.
Bạn đang xem bài viết 'Thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô 70 năm xây dựng và phát triển' tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].