Hệ thống chứng nhận điện tử dành cho các sản phẩm nông lâm nghiệp, thủy sản và thực phẩm (hay còn gọi tắt là e-Cert) là phương pháp trao đổi thông tin đồng thuận trực tuyến giữa cơ quan chính phủ các nước nhằm tạo thuận lợi cho thông quan các mặt hàng nông lâm nghiệp, thủy sản và thực phẩm.
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu đang ngày một diễn biến phức tạp, đặc biệt dưới sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, và công nghệ cũng đang có những bước tiến vượt bậc, đã bộc lộ rõ tầm quan trọng trong việc thiết lập một hệ thống trao đổi thông tin nhanh, an toàn và đáng tin cậy thông qua các giải pháp trực tuyến.
Chính vì vậy, càng ngày càng có nhiều quốc gia lựa chọn từ bỏ hệ thống văn bản giấy và thay thế bằng các giải pháp trực tuyến có tính bảo mật cao.
Việc trực tiếp trao đổi các dữ liệu chứng nhận điện tử giúp đơn giản hóa các quy trình xuất-nhập khẩu các mặt hàng nông lâm nghiệp, thủy sản và thực phẩm, cũng như đẩy nhanh quá trình thông quan, giảm giá thành, tăng cường độ tin cậy và tính minh bạch, đồng thời giảm thiểu tối đa khả năng gian lận trong giao thương hàng hóa.
Chính vì vậy, việc thành lập hệ thống e-Cert sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp xuất-nhập khẩu và cán bộ hải quan của hai nước.
Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Lê Quốc Doanh chia sẻ:
“Việc triển khai hợp tác trong lĩnh vực chứng nhận điện tử cùng New Zealand là một bước đệm quan trọng giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại toàn cầu; đồng thời tạo ra lộ trình thuận lợi để Việt Nam tiếp cận các thị trường tiềm năng khác.”
Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, Bà Wendy Matthews đã chào mừng sự ra đời của hợp tác e-Cert:
“Để hiểu một cách đơn giản, thỏa thuận này sẽ giúp cho việc trao đổi thương mại nhanh hơn, an toàn và rẻ hơn giữa hai nước. Trong liên tiếp 20 năm qua, New Zealand luôn là quốc gia hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực chứng nhận điện tử. New Zealand đã thiết lập thành công hệ thống chứng nhận điện tử với nhiều đối tác thương mại, trong đó ASEAN luôn được đặt làm trọng tâm.
Chúng tôi tự hào được phối hợp cùng Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để thắt chặt hơn nữa hợp tác thương mại song phương cũng như góp phần hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu Cách mạng Công nghiệp 4.0”.
New Zealand và Việt Nam kỉ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương vào năm nay. Từ 2009, khi quan hệ “Hợp tác toàn diện” được thiết lập giữa New Zealand và Việt Nam, thương mại song phương phát triển ngày một ổn định. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã tăng lên gấp 3 lần kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Australia- New Zealand (AANZFTA) có hiệu lực năm 2010.
K.ThoaBạn đang xem bài viết Thành lập hệ thống chứng nhận điện tử song phương đầu tiên cho các sản phẩm thực phẩm. tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].