Thẩm mỹ viện lừa đảo: Quảng cáo dịch vụ không phép, đẩy giá, bán khách lòng vòng

Nhiều thẩm mỹ viện lừa đảo tự quảng cáo và ‘liều’ thực hiện các dịch vụ không được cấp phép, báo động sự nguy hiểm đến sự an toàn của khách hàng có nhu cầu làm đẹp.

Gia Đình Mới đăng tải loạt bài viết về Thẩm Mỹ Viện Lừa Đảo, mời bạn đọc theo dõi chuyên đề TẠI ĐÂY

  Ca xử lý biến chứng từ nâng ngực bằng chất làm đầy (Nguồn: Bộ môn Phẫu thuật tạo hình Đại học Y Hà Nội).

Thẩm mỹ viện quảng cáo giảm béo, nâng ngực... dù không được cấp phép

Thực hiện một cuộc gọi qua hotline của Thẩm mỹ viện VH (địa chỉ Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, Hà Nội), phóng viên Gia Đình Mới được nhân viên chăm sóc đon đả: “Thẩm mỹ viện VH có thực hiện dịch vụ giảm béo theo 2 phương pháp: Tiêm và thông kinh lạc (giảm béo bằng mát xa công nghệ cao).

Với phương pháp tiêm thì vùng bụng giá 7 triệu, vùng bắp tay, bắp chân là 5 triệu. Với phương pháp giảm bằng mát xa công nghệ cao giá 500.000/buổi, liệu trình từ 5 – 10 buổi tùy thuộc vào cơ thể mỗi người.

Nếu sử dụng phương pháp tiêm giảm béo thì chỉ từ 2- 3 ngày, tối đa 1 tuần thì đã thấy hiệu quả rõ rệt. Đối với phương pháp mát xa thì sau 1 liệu trình sẽ cải thiện khoảng 2cm, sau đó giảm dần.

Khi sử dụng phương pháp tiêm, khách hàng sẽ được bôi tê rồi được tiêm 1 chất để làm hóa lỏng lượng mỡ thừa và đào thải lượng mỡ thừa thông qua hệ bài tiết tự nhiên.

Bác sỹ thực hiện là bác sỹ bên bệnh viện 108 trực tiếp làm cho khách hàng…”.

Trong khi đó, theo giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh do Phòng Kinh tế quận Cầu Giấy cấp tháng 12/2017, thẩm mỹ viện VH chỉ được cấp phép làm dịch vụ chăm sóc da (không dùng phẫu thuật, không gây chảy máu), phun, xăm thẩm mỹ (không dùng phẫu thuật, không gây chảy máu), mua bán mỹ phẩm.

Khảo sát của phóng viên cho thấy, hiện tượng các thẩm mỹ viện quảng cáo cơ sở của mình thực hiện các dịch vụ không có trong đăng ký kinh doanh rất phổ biến. 

Một dịch vụ khá "hot" nữa là nâng ngực cũng được hàng loạt thẩm mỹ viện đều quảng cáo và nhận khách có nhu cầu nâng ngực. Trong khi đó, nâng ngực là một trong những dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ lớn, bắt buộc phải thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ.

Thêm 1 dịch vụ làm đẹp đang rất phổ biến nữa là tiêm filler. Dịch vụ này đang thu hút sự quan tâm của nhiều chị em để mong có thể trẻ hóa da, độn cằm v-line, độn môi trái tim… 

Đẩy giá dịch vụ gấp nhiều lần, "bán" khách lòng vòng

Theo tìm hiểu, hình thức liên kết đang phổ biến là các thẩm mỹ viện quy mô lớn thường tìm cách kết hợp với việc mở phòng khám tạo hình thẩm mỹ. Những spa, thẩm mỹ viện khác không có cơ hội mở phòng khám thì liên kết với một số bác sỹ mổ "dạo" để tiến hành thu nhận bệnh nhân hoặc phẫu thuật tại chỗ.

Các spa hay thẩm mỹ viện thường không thực hiện tại cơ sở của mình các loại kỹ thuật thẩm mỹ lớn như độn ngực, hút mỡ bụng, giảm béo… Họ chỉ quảng cáo để tiếp nhận bệnh nhân, sau đó tìm và môi giới tới các bác sỹ liên kết mổ tại các bệnh viện lớn. 

Mức lợi nhuận qua dịch vụ này rất lớn vì họ đưa ra các giá phẫu thuật cho bệnh nhân gấp 5- 10 giá trị thực, sau đó họ chi trả cho bệnh viện và bác sỹ ở mức độ thấp nhất.

Quy chế xử phạt những cơ sở đó không rõ ràng, chưa đủ sức răn đe nên sau khi phạt xong những thẩm mỹ viện lừa đảo vẫn tiếp tục hành nghề.

Bên cạnh đó cũng có thêm tình trạng nhiều người hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ song không qua đào tạo chuyên môn, cơ sở hành nghề không đạt yêu cầu, khả năng vô trùng kém, thiếu trang thiết bị để hồi sức nên khi xảy ra biến chứng tại chỗ, các cơ sở này đã không xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, do giá dịch vụ của những thủ thuật ở đó thấp, nên vẫn thu hút những người ham rẻ tìm đến. 

  Không phải ai cũng may mắn tìm được cơ sở thẩm mỹ làm đẹp thành công như cô bé này

Không phải ai cũng may mắn tìm được cơ sở thẩm mỹ làm đẹp thành công như cô bé này

Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay thời gian gần đây liên tục tiếp nhận và điều trị cho những chị em bị biến chứng sau khi tiêm filler ở những spa, thẩm mỹ viện không uy tín trong tình trạng mũi, cằm, môi sưng nề, tiết dịch, hình thành nhiều ổ mủ và da vùng đó bị hoại tử.

Khoa Phẫu thuật tạo hình bệnh viện Xanh-Pon cũng mới tiếp nhận bệnh nhân bị biến chứng sau nâng ngực bằng chất làm đầy PAH (polyasrymide Hydrogel), một chế phẩm làm đầy trên thương trường xuất xứ từ Trung quốc cách đây 5 năm. Khi chụp CT hai bầu vú giãn to, hình ành dịch tập trung nhiều ở hai vú.

Sau khi phẫu thuật lấy bỏ chất làm đầy, các bác sỹ đã thu được được hơn 2 lít dich đục cùng nhu mô tuyến bị hoại tử.

Bác sĩ thẩm mỹ "thật" nói về bác sĩ thẩm mỹ "ảo"

Trao đổi với phóng viên Gia Đình Mới, GS.BS Trần Thiết Sơn – Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình bệnh viện Xanh-Pon, Tổng thư ký Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Hà Nội cho rằng nhu cầu làm đẹp là nhu cầu chính đáng của chị em phụ nữ. 

Nhưng để thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ thành công, an toàn về sức khỏe thì quá trình phẫu thuật phải được thực hiện tại những bệnh viện có máy móc, kỹ thuật hiện đại và bác sĩ thẩm mỹ phải là người có trình độ chuyên môn tốt, hiểu biết xã hội, tâm lý khách hàng.

Bác sỹ chuyên môn phải được đào tạo qua các lớp phẫu thuật tạo hình rồi mới được hành nghề thẩm mỹ.

  GS.BS Trần Thiết Sơn - Trưởng khoa Thẩm mỹ tạo hình bệnh viện Xanh - Pon.

GS.BS Trần Thiết Sơn - Trưởng khoa Thẩm mỹ tạo hình bệnh viện Xanh - Pon.

Chia sẻ về tình trạng nhập nhèm, đánh liều thực hiện các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ khi không được cấp phép, GS.BS Trần Thiết Sơn đánh giá, thực trạng ngành thẩm mỹ ở Việt Nam hiện nay khá phức tạp khi có những “bác sỹ thẩm mỹ” không qua bất kỳ lớp đào tạo nào.

“Rõ ràng những spa, thẩm mỹ viện chỉ được phép thực hiện dịch vụ chăm sóc da mà vẫn liều thực hiện các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ có xâm lấn là cực kỳ nguy hiểm"-GS Sơn nhận xét.

Khách hàng lại không hiểu biết cặn kẽ về ngành này nên vẫn tìm tới những cơ sở, những người không có chuyên môn để thực hiện những phẫu thuật, thủ thuật liên quan đến thẩm mỹ.

"Điều này rất nguy hiểm vì người dân không biết thông tin và họ thường theo số đông lôi kéo nhau đến làm, nên khi biến chứng thường rất nặng nề” - GS Trần Thiết Sơn phân tích.

Tại Nghị định 155/2018/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định: Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Việt Linh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính