Báo Điện tử Gia đình Mới

TH kiên tâm cùng người nông dân làm ly sữa hoàn mỹ từ đồng đất Việt

Hình ảnh những cô bò sữa no tròn đủng đỉnh dạo bước gặm cỏ trên những triền cỏ xanh tươi bát ngát ngỡ chỉ có ở Châu Âu nhưng giờ đây ngày càng hiện hữu nhiều ở ngay chính dải đất cong cong hình chữ S này.

Song ít người biết đến, ý tưởng phác họa nên cánh đồng nông nghiệp “đẹp như mơ” ấy lại khơi nguồn từ nỗi lòng muốn mang tới ly sữa sạch cho con trẻ của một bà mẹ Việt. 

Từ cách “làm đồng” khác người!

"Cách đây chục năm, trong một tối ngồi xem tivi, tôi thấy truyền hình có đưa tin kèm hình ảnh về sự cố sữa bị nhiễm Melanine xảy ra ở Trung Quốc, khiến hàng triệu trẻ nhỏ có nguy cơ bị chảy máu thận. Trái tim người mẹ trong tôi bất giác đau thắt lại” - bà Thái Hương – nhà sáng lập và tư vấn chiến lược của tập đoàn TH nhớ lại trong bối cảnh sữa lưu hành trên thị trường Việt Nam lúc bấy giờ chủ yếu có nguồn gốc nhập khẩu, một tỷ lệ không nhỏ là từ nơi vụ bê bối Melanine đang nóng bỏng.

Sau tin sự cố ấy, trái tim người mẹ đã thôi thúc bà đến quyết định đầu tư làm dự án sữa bắt đầu từ xây dựng các cụm trang trại bò sữa chăn nuôi tập trung nhằm, tự chủ hoàn toàn nguồn nguyên liệu sữa tươi sạch và chế biến sữa theo chuỗi khép kín.

Đặc biệt, dự án được bà bắt đầu từ chính đồng đất quê hương mình, ở phía Tây của tỉnh Nghệ An, khiến không ít người hồ nghi về thành công của dự án.

  Doanh nhân Thái Hương khát khao mang lại sữa sạch cho người dân

Doanh nhân Thái Hương khát khao mang lại sữa sạch cho người dân

Bởi khởi sự từ những vùng đất nổi tiếng khắc nghiệt, “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này, ngoài việc người nông dân nổi tiếng chịu khó, chăm chỉ thì điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt với vật nuôi, cây trồng nên năng suất thu hoạch đạt được thường rất thấp.

Nhưng từ bài học phát triển nông nghiệp của Israel – một nước bán sa mạc với diện tích vỏn vẹn trên 20.000km2 (chỉ lớn hơn tỉnh Nghệ An), họ vẫn chế ngự được thiên nhiên nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để trở thành nước sản xuất sữa và nông sản hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm chừng 3 tỷ USD.

Qua nghiên cứu kỹ lưỡng, Bà Thái Hương và ban lãnh đạo tập đoàn TH tin tưởng vào quyết định đầu tư dự án sẽ khả thi nếu áp dụng bộ qui trình kỹ thuật của Israel về để khắc phục những hạn chế khắc nghiệt của thiên nhiên.

Lần lượt những dàn máy móc tự động hoá lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, cùng với app thông minh đo độ ẩm trên những cánh đồng đất, những cánh tay tưới vươn xa 450m, hoàn toàn tự động nhịp độ cung cấp nước điều phối toàn bộ hệ thống trang trại rộng lớn đã chế ngự thiên nhiên khắc nghiệt của vùng nhiệt đới và thậm chí còn phát huy lợi thế, tiềm năng thiên nhiên của đất bazan phì nhiêu màu mỡ nhưng luôn khô hạn do nắng gió Lào để dần hình thành nên những cánh đồng cỏ xanh mát ngỡ trải rộng đến chân trời, những cánh đồng hoa hướng dương rực rỡ sắc vàng...

  Những cánh đồng bất tận trong hệ sinh thái của TH

Những cánh đồng bất tận trong hệ sinh thái của TH

Những cánh đồng đó không chỉ là nguồn thức ăn chăn nuôi bò chủ động mà còn góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo hình ảnh vùng quê nghèo phía Tây Nghệ An.

Cũng trong công cuộc chế ngự cái nắng nóng gió Lào ấy, một hệ thống chuồng trại chăn nuôi bò được thiết kế khoa học, đồng bộ từ quy trình chống sốc nhiệt mùa hè, giữ ấm mùa đông, nền chuồng đúng tiêu chuẩn êm, sạch chống bệnh viêm móng và tạo sự thoải mái cho các cô bò sữa cũng đã được tối ưu hóa như được làm mát bằng hệ thống chuồng trại chuyên biệt, hệ thống quạt phun sương công nghệ cao; được ăn 15-16 loại thức ăn ủ chua đa dạng như ngô, cao lương, hoa hướng dương; được uống nước tinh khiết; được tắm mát, nghe nhạc cổ điển… theo quy trình quản lý đàn bò của Afimilk (Israel), quản trị thú y của Totally Vets (New Zealand), quản trị tài chính SAP của Cộng hòa Liên bang Đức.

Tại trang trại bò sữa TH, nhờ công nghệ (chip điện tử), bò được kiểm soát thức ăn, kiểm soát thú y, động dục... để cho ra đời loại sữa tươi mang thương hiệu TH true MILK hoàn mỹ cả về chất và lượng.

  Những chú bò 'hạnh phúc' trong trang trại của Tập đoàn TH

Những chú bò "hạnh phúc" trong trang trại của Tập đoàn TH

Mô hình này của TH đã giúp ghi dấu ấn trên bản đồ sữa thế giới với trang trại chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao lớn nhất châu Á (kỷ lục được chứng nhận năm 2015 bởi Asia Book of Records), định hình thương hiệu sữa tươi sạch Việt Nam ở tầm quốc tế.

Không dừng lại ở mục tiêu mở rộng đàn bò sữa chăn nuôi tập trung theo chuỗi khép kín khoảng 200.000 con vào năm 2025,  tập đoàn TH còn đặt ra mục tiêu phát triển thêm đàn bò khoảng 200.000 con bằng việc đồng hành cùng nông dân thông qua mô hình hợp tác xã công nghệ cao.

Chính vì thế, đầu tháng 5/2019, song song với việc khởi công dự án Chăn nuôi bò sữa và Chế biến sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao quy mô công nghiệp với tổng đàn bò 20.000 con tại Thanh Hóa, tập đoàn TH cũng chính thức giới thiệu mô hình phát triển bền vững đồng hành cùng người nông dân Nông Cống theo mô hình hợp tác xã công nghệ cao.

Dự án sữa có tổng vốn đầu tư lên tới 1,2 tỷ USD, tập đoàn TH đã đặt nền móng cho ngành sản xuất sữa tươi khi tự chủ hoàn toàn nguồn nguyên liệu sữa tươi sạch và chế biến sữa theo chuỗi khép kín; Khởi xướng mô hình chăn nuôi bò sữa ứng dụng khoa học công nghệ và khoa học quản trị 4.0 tại Việt Nam, xây dựng cụm trang trại bò sữa chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn nhất Châu Á.


Với tư cách là một nhà tư vấn và chủ tịch hội đồng chiến lược cho Tập đoàn TH, bà Thái Hương khẳng định trước bà con nông dân huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa: “Chúng tôi sẽ phát triển tại Nông Cống 50.000 con bò sữa, ai đăng ký đầu tiên sẽ được ưu tiên, sau khi vượt quá con số này ta sẽ dừng lại để lấy ý kiến. Chúng tôi cũng sẽ cung cấp giống, thức ăn, thú y... để bà con yên tâm phát triển đàn bò đạt chuẩn. Chúng tôi sẽ thu mua toàn bộ sữa đúng quy chuẩn của bà con”. 

…Đến cách tạo “ly sữa hoàn mỹ” đồng nhất về chất lượng đạt chuẩn quốc tế thời 4.0

Chia sẻ về dự án làm sữa thuần Việt đạt chuẩn quốc tế của TH đã bước sang giai đoạn 2, bà Thái Hương cho biết, từ năm 2008 mà đưa ứng dụng công nghệ cao và khoa học quản trị  4.0 vào quản trị đàn bò thì nghe rất xa vời.  

TH kiên tâm cùng người nông dân làm ly sữa hoàn mỹ từ đồng đất Việt 3

Song đến giờ mọi người đều thấy rõ, thành quả  từ việc ứng dụng 4.0 này đạt được là rất lớn. Thứ nhất là, chất lượng đồng nhất. Thứ hai là, khi đã đồng nhất về chất lượng thì ly sữa đấy sẽ phục vụ sức khỏe cộng đồng và phục vụ xuất khẩu.  

“Vừa qua, chúng ta đã khai thương được con đường chính ngạch xuất khẩu sản phẩm sữa Việt Nam vào thị trường 1,5 tỷ dân của Trung Quốc. Do đó, một mình TH hay những doanh nghiệp chăn nuôi tập trung sẽ không thể đáp ứng nổi mà cần có sự chung tay của bà con nông dân trong việc phát triển đàn bò sữa trong nước thông qua mô hình hợp tác xã công nghệ cao với mục tiêu phải làm được ly sữa đồng nhất về chất lượng để phục vụ sức khỏe, khách hàng và người nông dân thực sự có thể làm giàu từ con bò sữa”- bà Thái Hương nhấn mạnh.

Muốn làm được điều này, theo bà Thái Hương phải đi theo khoa học công nghệ - thứ mà bà con không thể tự triển khai được mà cần thông qua hợp tác xã để kết nối doanh nghiệp.  

Đây là bước đi tập đoàn TH đã thực hiện khá hiệu quả tại Đà Lạt, thông qua thương hiệu Dalatmilk. Với mô hình này, Dalatmilk triển khai lắp đặt chíp điện tử cho đàn bò của nông hộ. Thông qua hệ thống ăng ten thu phát, Dalatmilk có thể giúp nông dân theo dõi sức khỏe đàn bò thông qua máy tính hoặc smartphone, từ đó đưa ra những cảnh báo sớm về sức khỏe đàn bò, cảnh báo bệnh viêm vú trước 7 ngày, tình trạng động dục, tình trạng dinh dưỡng.

  Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những đóng góp của TH trong ngành nông nghiệp

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những đóng góp của TH trong ngành nông nghiệp

Người nông dân cũng sẽ được Dalatmilk cung cấp giống, thú y, thức ăn và bao tiêu thu mua sữa tươi nguyên liệu để chế biến. Sau Đà Lạt, giờ đây là Thanh Hóa và tiếp theo là Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Ninh, Củ Chi (TPHCM), Ba Vì (Hà Nội)...

“Chúng tôi sẽ bao tiêu sản phẩm, cung cấp khoa học công nghệ, giống, thức ăn. Có những trạm thức ăn để bà con trồng ngô nguyên liệu rồi chúng tôi thu mua, ủ chua chế biến rồi đưa trở lại bà con. Có như vậy ly sữa mới đồng nhất được”- bà Thái Hương nhắn nhủ tới bà con nông dân Nông Cống cũng như những người đứng đầu chính quyền địa phương.

Cách làm này cũng sẽ khởi xướng ra một một mô hình chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và người nông dân để cùng nhau chiến thắng và là bước đi của tập đoàn TH để hiện thực hóa chủ trương phát triển nền kinh tế song “Không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. 

 “Ta phải làm một ly sữa chiến thắng – ly sữa tươi từ chính đồng đất của mình. Để sức khỏe người dân được nâng cao và để xuất khẩu. Để TH thực sự là “hạnh phúc đích thực”- bà Thái Hương khẳng định.

Cùng với mục tiêu mở rộng đàn bò sữa chăn nuôi tập trung theo chuỗi khép kín lên 200.000 con, dự kiến đến năm 2025, tổng số đàn bò sữa mà tập đoàn TH đồng hành cùng nông dân thông qua mô hình Hợp tác xã công nghệ cao sẽ đạt khoảng 200.000 con.

Như vậy, sẽ giúp nâng tổng số đàn bò sữa mà tập đoàn TH quản lý và sở hữu lên 400.000 con, giúp Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hoàn thành mục tiêu phát triển đàn bò sữa 500.000 con theo Quyết định 124/QĐ-TTg về Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

TH kiên tâm cùng người nông dân làm ly sữa hoàn mỹ từ đồng đất Việt 5

Một trong những nông sản tốt nhất là sữa, sữa là thước đo của trình độ phát triển kinh tế, nước nào tiêu thụ nhiều sữa là nước đó biểu hiện khá giả.

Thế giới bình quân tiêu thị 60kg sữa, nước phát triển tiêu thụ 120kg, còn tại Việt Nam mức tiêu thụ sữa mới chỉ đạt 19 kg (nhưng trong đó chỉ sản xuất một nửa, một nửa còn lại vẫn là nhập khẩu về).

Như vậy, tiềm năng ngành sữa cho thị trường  nội địa và xuất khẩu là rất lớn. Năm 2018 chúng ta đã xuất khẩu 500 triệu USD, như vậy đây là ngành hàng sẽ trở thành tỷ phú về xuất khẩu trong tương lai gần.

(Ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT)

Kim Thoa/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO