1. Tết Thanh minh 2024 là ngày nào, thứ mấy?
Theo cách tính lịch âm lịch (còn gọi là lịch mặt trăng), Tiết Thanh Minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí hàng năm. Tiết Thanh minh thường vào khoảng thời gian sau Lập Xuân 45 ngày, hoặc sau Đông Chí 105 ngày.
Ngày đầu tiên của tiết Thanh minh là Tết Thanh minh. Tết Thanh minh vì thế thường rơi vào ngày 4 hoặc 5 tháng 4 dương lịch.
Theo cách tính này, Tết Thanh minh năm 2024 sẽ rơi vào thứ năm, 4/4 dương lịch, là ngày mùng 26/2 âm lịch, tức ngày Mậu Tuất, tháng Mậu Thìn, năm Giáp Thìn.
Các giờ hoàng đạo ngày Tết Thanh minh 2024:
- Giáp Dần (3h-5h): Tư Mệnh
- Bính Thìn (7h-9h): Thanh Long
- Đinh Tỵ (9h-11h): Minh Đường
- Canh Thân (15h-17h): Kim Quỹ
2. Ý nghĩa văn hoá truyền thống của Tết Thanh minh
Tục tảo mộ Thanh Minh vốn là một phong tục phổ biến của người dân Việt khắp mọi miền đất nước, là một hoạt động mang tính dòng tộc rõ nét.
Thanh minh là một ngày lễ quan trọng trong năm đối với đời sống tâm linh người Việt.
Đây là ngày mà con cháu hướng về cha mẹ tổ tiên. Vào ngày Tết Thanh minh, các gia đình thường đi thăm viếng mộ, cắt tỉa cỏ dại trên mộ người thân (gọi là tảo mộ).
Nguyên do của việc này xuất phát từ việc, tiết Thanh minh thời tiết chuyển sang ấm dần, mưa nhiều hơn, cây cỏ tốt hơn trùm lên mộ, có thể làm mộ sụt lở nên cần phải cắt cỏ, đắp thêm đất lên mộ.
Đặc biệt, những dòng tộc lớn thường có những ngày tảo mộ được quy định rất cụ thể, thường ghi trong gia phả như một truyền thống của dòng tộc để con cháu ở các thế hệ sau tiếp tục thực hiện, cũng để thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết đồng thời cũng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Về quê tảo mộ mỗi dịp xuân đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Đó cũng là thể hiện của tình cảm hướng về với nguồn cội.
Người ta ví: “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu” là vậy.
Ca dao xưa cũng có câu: “Con người có tổ có tông Như cây có cội, như sông có nguồn”.
Đối với cư dân thành thị, những người đã khuất được mai táng trong các nghĩa trang ở thành phố, do vậy thường khó duy trì việc cúng lễ thường xuyên đầy đủ như những người trong gia đình, dòng họ khi khuất núi được chôn cất gần gũi, đầm ấm với nhau như ở thôn quê.
Nhưng cứ mỗi dịp Thanh minh, người thành thị cũng luôn sắp xếp thời gian để đi thăm viếng, chăm sóc phần mộ ông bà, cha mẹ, người thân của mình để tỏ lòng hiếu thuận.
Thăm viếng phần mộ tổ tiên cũng là nét đặc trưng của văn hóa cổ truyền, một tục lệ trong “đạo thờ ông bà” của dân tộc ta vốn từ lâu đã trở thành truyền thống.
Dù tất bật thế nào đi chăng nữa trong cuộc mưu sinh, dù cả năm bôn ba làm ăn ở nơi xa, nhưng chốn quay về vẫn là gia đình.
Nhiều gia đình cho rằng mỗi dịp Thanh Minh tảo mộ cũng là một dịp giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy đến trong giai đoạn đầu năm với cả gia đình, dòng họ cùng với lòng tin là sẽ được tổ tiên phù hộ cho những ngày tiếp sau đó.
Theo chuyên gia phong thủy Song Hà
* Thông tin chỉ mang tính tham khảo, chiêm nghiệm
Gia HânBạn đang xem bài viết Tết Thanh minh 2024 là ngày nào, thứ mấy? tại chuyên mục Tin mới của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].