Ung thư là căn bệnh ngày càng phổ biến hiện nay với tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Cùng tìm hiểu về các biện pháp tầm soát ung thư giúp chẩn đoán sớm bệnh lý ung thư qua bài viết dưới đây nhé!
1 Tầm soát ung thư là gì?
Tầm soát ung thư việc sử dụng các phương pháp xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh để sàng lọc ung thư sớm, trước khi người bệnh có các triệu chứng lâm sàng. Việc tầm soát ung thư nên được thực hiện thường xuyên, định kỳ, nhất là những người có nguy cơ mắc ung thư cao như:
- Người trên 40 tuổi.
- Thường xuyên hút thuốc lá, rượu bia.
- Người làm việc trong môi trường độc hại.
- Tiền sử gia đình có người mắc ung thư.
Tầm soát ung thư là biện pháp chẩn đoán sớm bệnh trước khi có triệu chứng
2 Các phương pháp tầm soát ung thư hiện nay
Ung thư có thể gặp ở bất cứ bộ phận nào của cơ thể. Vì thế, có rất nhiều biện pháp dùng để tầm soát ung thư hiện nay cho từng loại ung thư cụ thể. Một số phương pháp sàng lọc ung thư phổ biến hiện nay là:
Ung thư vú
Ung thư vú là bệnh lý phổ biến ở nữ giới và việc tầm soát ung thư vú sớm có thể được thực hiện thông qua nhiều phương pháp đơn giản như:
- Chụp X-quang tuyến vú: đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh phổ biến nhất giúp sàng lọc ung thư vú sớm. Thông qua hình ảnh X-quang tuyến vú, các bác sĩ có thể phát hiện những khối u hoặc các bất thường cấu trúc tại vú.
- Khám vú trên lâm sàng: bạn cũng có thể tự thăm và phát hiện các khối bất thường tại vú ngay tại nhà bằng việc sờ nắn quanh ngực khi tắm. Sau đó, bạn có thể đến gặp các bác sĩ để được thăm khám kỹ càng hơn giúp chẩn đoán bệnh.
- Chụp cộng hưởng từ: đây là phương pháp ít được sử dụng để sàng lọc ung thư vú thường quy. Chụp cộng hưởng từ thường chỉ áp dụng ở những trường hợp có nguy cơ bị bệnh cao hoặc các khối u quá nhỏ, khó phân biệt bằng thăm khám và X-quang.
Chụp X-quang tuyến vú có thể giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm
Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý có thể tầm soát để phát hiện và điều trị sớm bởi một số xét nghiệm đơn giản như:
- Xét nghiệm HPV: virus HPV có liên quan chặt chẽ đến bệnh lý ung thư cổ tử cung. Vì thế, xét nghiệm HPV thông qua các tế bào và dịch cổ tử cung nhằm xác định chủng gây bệnh rất có giá trị trong tầm soát ung thư.
- Xét nghiệm Pap: bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ chuyên dụng để thu thập mẫu tế bào ở trong và ngoài cổ tử cung của bạn. Sau đó tiến hành nhuộm soi và quan sát hình thái tế bào để phát hiện tổn thương ung thư và tiền ung thư.
Xét nghiệm Pap có thể giúp bác sĩ phát hiện các tổn thương tiền ung thư ở cổ tử cung
Ung thư đại trực tràng
Ung thư đại tràng, ung thư trực tràng là bệnh lý ngày càng phổ biến và có tốc độ trẻ hóa nhanh hiện nay. Bạn có thể tầm soát ung thư đại trực tràng sớm thông qua các phương pháp sau:
- Nội soi đại tràng: bác sĩ sẽ sử dụng thiết bị nội soi ống mềm với 1 đầu có camera đưa vào vùng đại trực tràng của bạn. Nhờ đó, bác sĩ có thể quan sát được các tổn thương, khối u bất thường tại vùng này.
- Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân: đây là xét nghiệm đơn giản, có thể thực hiện cho cộng đồng. Sau khi lấy mẫu phân, dưới các phản ứng miễn dịch đặc biệt, các bác sĩ có thể phát hiện lượng máu rất nhỏ trong phân nhằm gợi ý ung thư sớm.
- Chụp đại trực tràng đối quang kép: người bệnh cần được bơm thuốc cản quang và hậu môn trước khi chụp X-quang. Nhờ đó, bác sĩ có thể quan sát được các bất thường như hình ảnh cắt cụt, nham nhở tại thành đại trực tràng.
- b: phương pháp này dùng để tìm kiếm những thay đổi trong cấu trúc DNA từ tế bào đường tiêu hóa. Thường được chỉ định đối với các trường hợp các polyp đại trực tràng trước đó.
Nội soi đại trực tràng sẽ giúp phát hiện sớm ung thư ở vùng này
Ung thư đầu – cổ
Phương pháp sàng lọc ung thư đầu cổ, nhất là ung thư vòm họng rất phổ biến nhất hiện nay, thường thông qua thăm khám lâm sàng như:
- Khám hạch: bác sĩ có thể quan sát, sờ nắn các hạch tại vùng đầu cổ nhằm xác định mức độ ác tính của khối u tại vùng này.
- Nội soi tai mũi họng: nhờ thiết bị nội soi, các bác sĩ có thể quan sát và xác định được vị trí của các tổn thương tiền ung thư, đồng thời tiến hành sinh thiết để chẩn đoán bệnh sớm nhất có thể.
Nội soi tai mũi họng có thể giúp chẩn đoán sớm ung thư ở vùng đầu cổ
Ung thư phổi
Ung thư phổi đặc trưng bởi các khối u tăng sinh mất kiểm soát tại nhu mô phổi hoặc hệ thống khí, phế quản. Do đó, việc phát hiện ung thư phổi sớm bằng thăm khám lâm sàng hoặc chụp X-Quang là tương đối khó khăn.
Phương pháp tầm soát ung thư phổi hiệu quả nhất hiện nay là chụp cắt lớp vi tính lồng ngực. Thông qua các lát cắt mỏng của phim chụp cắt lớp, các bác sĩ có thể phát hiện những khối u kích thước rất bé, chưa gây biểu hiện trên lâm sàng.
Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có thể giúp phát hiện những khối u nhỏ tại phổi
Ung thư tuyến tiền liệt
Để tầm soát sớm ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới, bạn có thể thực hiện một số phương pháp sau:
- Thăm khám trực tràng: bác sĩ sẽ đưa ngón tay vào vùng trực tràng của bạn để có thể phát hiện khối u bất thường tại tuyến tiền liệt cũng như đại trực tràng. Đồng thời có thể xác định vị trí và tính chất khối u, nhờ đó đánh giá mức độ ác tính của chúng.
- Xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA): đây là xét nghiệm giúp định lượng nồng độ kháng nguyên PSA trong máu. PSA tăng cao kết hợp với thăm khám lâm sàng có khối u có thể gợi ý ung thư tuyến tiền liệt.
Ung thư tuyến tiền liệt có thể được sàng lọc nhờ xét nghiệm PSA
Ung thư da
Ung thư da là bệnh lý nguy hiểm nhưng thường được phát hiện muộn vì ít có biểu hiện lâm sàng. Vì thế, bạn có thể tầm soát ung thư da bằng các biện pháp sau:
- Khám da toàn thân: các bác sĩ cần quan sát toàn bộ da của cơ thể để phát hiện những tổn thương tiền ung thư trên da với các dạng giống nốt ruồi, vết phỏng hoặc mảng mẩn đỏ.
- Soi da: đây là phương pháp sử dụng ống soi có khả năng phóng đại bề mặt da. Nhờ đó các bác sĩ sẽ đánh giá được hình dạng, kích thước và dạng tổn thương nghi ngờ ung thư để kịp thời sinh thiết da.
Soi da có thể giúp bác sĩ chẩn đoán ung thư da sớm
Ung thư gan
Các khối u tại gan thường khó được phát hiện cho đến khi bệnh ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị ít hiệu quả. Vì thế, bạn nên tầm soát ung thư gan sớm với các biện pháp sau đây:
- Xét nghiệm hình ảnh (siêu âm, chụp CT): các bác sĩ có thể phát hiện các khối tăng sinh bất thường nhờ hình ảnh siêu âm gan hoặc các khối u có độ cản quang khác bằng phim chụp CT nhằm chẩn đoán sớm ung thư gan.
- Xét nghiệm AFP: AFP hay alpha-fetoprotein là một dấu ấn sinh học (được tạo ra bởi khối u) được sử dụng rộng rãi trong sàng lọc ung thư gan. Tuy nhiên AFP tăng có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác như viêm gan cấp, viêm gan mạn, xơ gan hoặc có thai.
Siêu âm ổ bụng có giá trị cao trong việc chẩn đoán ung thư gan
Ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là bệnh lý gây ra tỷ lệ tử vong cao nếu ở giai đoạn muộn. Tuy nhiên, bạn có thể phát hiện sớm bệnh lý này thông qua một số phương pháp sau:
- Nội soi: bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi mềm với đầu có gắn camera nhỏ đưa từ mũi hoặc miệng qua thực quản vào dạ dày của bạn. Tại đây, bác sĩ có thể quan sát và phát hiện các tổn thương loét, sùi hoặc thâm nhiễm nghi ngờ ung thư dạ dày.
- Sinh thiết: phương pháp này thường được thực hiện đồng thời trong quá trình nội soi. Bác sĩ sẽ cắt một một ít tổn thương nghi ngờ ung thư và gửi đến bộ phận giải phẫu bệnh để nhuộm soi và chẩn đoán xác định.
Nội soi dạ dày là kỹ thuật phổ biến trong tầm soát ung thư dạ dày
3 Ưu và nhược điểm của các xét nghiệm sàng lọc ung thư
Tầm soát ung thư là phương pháp đang được thực hiện ngày càng phổ biến hiện nay giúp phát hiện ung thư sớm. Một số ưu và nhược điểm của kỹ thuật này mà bạn nên biết như:
Ưu điểm
- Giúp chẩn đoán sớm ung thư trước khi bệnh tiến triển và gây ra triệu chứng lâm sàng.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình điều trị, tăng khả năng khỏi bệnh.
- Tiết kiệm chi phí và thời gian điều trị ung thư.
- Tăng cường việc bảo vệ sức khỏe.
Nhược điểm
- Tầm soát ung thư chỉ có thể giúp phát hiện sớm hầu hết trường hợp nghi ngờ ung thư chứ không chính xác 100%.
- Bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tiến hành tầm soát ung thư và sau khi có kết quả để được chẩn đoán chính xác nhất.
4 Ai nên đi tầm soát ung thư
Tùy vào từng độ tuổi mà bạn nên thực hiện các phương pháp tầm soát ung thư khác nhau như:
- Từ 25 đến 39 tuổi: tầm soát ung thư cổ tử cung.
- Từ 40 đến 49 tuổi: tầm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt.
- Trên 50 tuổi: bạn nên tầm soát tất các loại ung thư giống như ở độ tuổi 40 - 49 kèm theo sàng lọc ung thư phổi.
Lưu ý: Bạn có thể tiến hành sàng lọc ung thư sớm hơn khuyến nghị trên nếu có những yếu tố nguy cơ cao của bệnh như tiền sử gia đình có người bị ung thư, lối sống không lành mạnh, thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia.
Vì thế, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa ung bướu để được tư vấn tầm soát ung thư sớm, phù hợp nhất với bản thân.
Tầm soát ung thư cần được thực hiện thường xuyên trên nhiều đối tượng
5 Tầm soát ung thư ở đâu?
Bạn có thể thực hiện tầm soát ung thư ở nhiều cơ sở y tế khác nhau đối với từng địa phương cụ thể. Một số trung tâm tầm soát ung thư uy tín bạn có thể tham khảo:
- Khám tầm soát ung thư toàn diện tại Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu Tp. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đại học Y dược Tp. Hồ Chí Minh.
- Khám tầm soát ung thư toàn diện tại Hà Nội: Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Quân đội Trung ương 108.
6 Chi phí tầm soát ung thư
Hiện nay, chi phí tầm soát ung thư sẽ dao động từ 2 triệu đến 20 triệu tùy thuộc vào cơ sở thực hiện, gói dịch vụ sử dụng (tầm soát tổng quát hoặc riêng từng loại ung thư…) cũng như công nghệ và trang thiết bị sử dụng. Bạn có thể tham khảo các gói tầm soát ung thư sau:
- Ung thư gan: 1,5 đến 2 triệu VNĐ.
- Ung thư phổi: 2 đến 2,5 triệu VNĐ.
- Ung thư cổ tử cung: 2,5 đến 3 triệu VNĐ.
- Ung thư vú: xấp xỉ 2 triệu VNĐ.
- Ung thư vòm họng: 2,5 đến 3 triệu VNĐ.
- Ung thư đại trực tràng: 4,5 đến 5 triệu VNĐ.
- Tầm soát ung thư tổng quát: 8 đến 11 triệu VNĐ.
7 Phòng ngừa ung thư
Bạn có thể phòng ngừa hiệu quả một số loại ung thư thông qua việc áp dụng một số biện pháp sau:
- Không hút thuốc lá hoặc tiếp xúc gián tiếp với khói thuốc.
- Hạn chế uống nhiều rượu bia hoặc các chất kích thích.
- Che chắn cẩn thận và sử dụng kem chống nắng khi đi ra đường.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với đồ ăn tươi sống, tránh thực phẩm chế biến sẵn.
- Duy trì cân nặng ở mức phù hợp, tích cực tham gia vận động thể lực để hạn chế thừa cân, béo phì.
- Tiêm phòng vaccine ngăn ngừa virus viêm gan B, HPV.
- Tầm soát ung thư định kỳ để kịp thời phát hiện và xử trí các tổn thương tiền ung thư.
Không hút thuốc lá là biện pháp giúp phòng ngừa ung thư hiệu quả
Xem thêm
- Ung thư là bệnh gì? Dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa
- 8 xét nghiệm chẩn đoán ung thư vòm họng giúp phát hiện bệnh
- 9 dấu hiệu ung thư đại tràng giai đoạn 1 bạn không nên chủ quan
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có thêm những kiến thức bổ ích về các biện pháp giúp tầm soát ung thư sớm. Hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và lựa chọn gói tầm soát ung thư phù hợp cho bản thân bạn nhé!
Bạn đang xem bài viết Tầm soát ung thư là gì? Các phương pháp tầm soát ung thư hiện nay tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].