Liên quan đến vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở Bến Lức, Long An làm 4 người chết và nhiều người bị thương, tài xế Phạm Thành Hiếu đã bị tạm giữ để điều tra, cơ quan chức năng cũng tiến hành khởi tố vụ án.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết, chiếu theo Luật Giao thông đường bộ, lái xe contener có thể phải chịu mức án 15 năm tù. Ngoài ra, với hành vi lái xe container sử dụng ma túy sẽ bị xử phạt theo Điều 21, Nghị định 167 ngày 12/11/2013 với mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Cũng theo vị luật sư này, người chịu trách nhiệm bồi thường dân sự cho các nạn nhân là tài xế Hiếu và bên chủ phương tiện.
“Căn cứ Điều 601, Bộ luật Dân sự 2015 quy định bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, “chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”, Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết.
Như vậy, theo quy định của pháp luật dân sự thì việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại này không phụ thuộc vào việc chủ xe có mặt trên xe hay không mà dựa vào việc ai là người đang chiếm hữu, sử dụng chiếc xe đó.
Nếu người gây tai nạn là người được thuê lái xe và không phải là người chiếm hữu, sử dụng chiếc xe, nên chủ xe sẽ là người bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn.
“Trong trường hợp này, có thể lấy ví dụ, A là chủ sở hữu xe ô tô đã giao xe ô tô đó cho B. B lái xe ô tô tham gia giao thông đã gây tai nạn và gây thiệt hại thì cần phải phân biệt: Nếu B chỉ được A thuê lái xe ô tô và được trả tiền công, có nghĩa B không phải là người chiếm hữu, sử dụng xe ô tô đó mà A vẫn chiếm hữu, sử dụng. Do đó, A phải bồi thường thiệt hại.
Nếu B được A giao xe ô tô thông qua hợp đồng thuê tài sản, có nghĩa A không còn chiếm hữu, sử dụng xe ô tô đó mà B là người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp. Do đó, B phải bồi thường thiệt hại.
Nếu trong trường hợp này được sự đồng ý của A, B giao xe ô tô cho C thông qua hợp đồng cho thuê lại tài sản, thì C là người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe ô tô đó. Do đó, C phải bồi thường thiệt hại”, Luật sư Thơm chia sẻ.
Ngoài ra, chủ phương tiện có thể khởi kiện lái xe để giải quyết đòi lại số tiền đó ở vụ kiện dân sự khác, nếu có yêu cầu. Trường hợp không khởi kiện thì hai bên thỏa thuận về số tiền bồi thường. Nguyên tắc là xét trên cơ sở chủ phương tiện, là người có điều kiện để bồi thường
Hồng HảiBạn đang xem bài viết Tài xế trong vụ Bến Lức, Long An có phải đền bù thiệt hại cho nạn nhân? tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].