Giật mình vì các ca chết người do bệnh dại, bác sĩ thú y cũng không ngoại lệ

Số người mắc và tử vong do bệnh dại ngày càng tăng lên mức báo động. Đáng nói là, bệnh đã có vắc-xin dự phòng, biết nguồn truyền nhiễm, biết đường truyền bệnh… nhưng vẫn có người tử vong do chủ quan.

Người có chuyên môn cũng tử vong vì bệnh dại do chủ quan

Bác sĩ Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chỉ khoảng 2 tháng nay, khoa Cấp cứu A9 đã chẩn đoán và xử trí ít nhất 5 bệnh nhân dại lên cơn. Trong đó, có bệnh nhân xin về không điều trị, có bệnh nhân chuyển sang khoa Truyền nhiễm để điều trị tiếp nhưng bệnh tình nặng dẫn đến tử vong.

Điển hình nhất là trường hợp bệnh nhân P.T.C. (24 tuổi, Phú Xuyên, Hà Nội), là bác sĩ thú y đang làm việc tại một phòng khám thú y tư nhân.

Vết chó cắn trên bàn tay bệnh nhân P.T.C.

Vết chó cắn trên bàn tay bệnh nhân P.T.C.

Lúc mới được đưa vào viện để cấp cứu, bệnh nhân có những dấu hiệu mệt mỏi, mất ngủ, trầm lặng… làm các bác sĩ còn nhầm bệnh nhân rối loạn tâm thần. Bởi, giữa thành phố hiện đại, bệnh nhân lại là bác sĩ thú y mà lại vào viện vì lên cơn dại là điều rất bất ngờ.

Và tính đến thời điểm này, trong vòng khoảng 3 tuần, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận 2 ca tử vong vì bệnh dại.

PGS. TS Đinh Kim Xuyến - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng Vắc xin và Sinh phẩm y tế, Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Chương trình Quốc gia phòng chống bệnh dại cho biết, có không ít người làm công tác thú y và làm trong phòng xét nghiệm, thường xuyên tiếp xúc với vi rút dại đã bị chết vì bệnh dại.

Nguyên nhân chính vẫn là thiếu kiến thức, thiếu ý thức, thiếu sự hợp tác trong chuyên môn, thiếu trách nhiệm và một phần là do chủ quan. Chính vì ngay cả những người có chuyên môn cũng chủ quan dẫn đến việc, bệnh dại đã có vắc xin phòng bệnh, biết nguồn truyền bệnh, biết đường truyền bệnh… nhưng hàng năm vẫn có hàng trăm người chết vì bệnh dại.

Sau khi bị chó, mèo cắn, người bệnh thường có biểu hiện sốt, đau đầu, khó chịu khi bệnh khởi phát. Ảnh minh họa

Sau khi bị chó, mèo cắn, người bệnh thường có biểu hiện sốt, đau đầu, khó chịu khi bệnh khởi phát. Ảnh minh họa

Những dấu hiệu cảnh báo

Theo ThS. BS. Nguyễn Quốc Thái, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, thời kỳ khởi phát bệnh, người bệnh thường có những dấu hiệu sau:

- Bệnh kéo dài 1 - 4 ngày

- Yếu tố thuận lợi để khởi phát bệnh thường là một stress thể chất hoặc tinh thần.

- Bệnh nhân có thể sốt, đau đầu, khó chịu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn và nôn, viêm họng, ho khan.

- Triệu chứng gợi ý gồm dị cảm, kiến bò, đau ở khu vực vết thương rồi ngứa lan khắp người, thay đổi tính tình, bệnh nhân trông âu sầu trầm lặng, có những lúc cười khóc vô cớ.

- Thường bệnh nhân mất ngủ.

- Bệnh nhân có thể rối loạn tiểu tiện, đái khó.

Còn ở thời kỳ toàn phát, thường thì bệnh nhân tới viện trong thời kỳ này. Và biểu hiện bắt đầu là quá trình tăng kích thích vận động và cảm giác như:

- Tri giác hoàn toàn tỉnh táo

-Bệnh nhân trong trạng thái hưng phấn, kích động quá mức, không ngủ được cho dù dùng các thuốc an thần gây ngủ.

- Tăng cảm giác quan với ánh sáng nhẹ, tiếng ồn, sờ mó rồi ngay cả với cơn gió nhẹ, nghe thính, mũi tinh.

- Bệnh nhân có thể có sốt và các rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã nhiều mồ hôi, nhịp tim nhanh.

Biểu hiện đặc trưng của bệnh là sợ nước, sợ gió với các đặc điểm:

- Khi có kích thích, lúc đầu là kích thích tại chỗ như khi uống nước, hít mạnh rồi sau đó là các kích thích toàn thân khác, cuối cùng là các kích thích chuyển hoán qua các giác quan khác như nghe thấy tiếng nước chảy, cảm giác gió thổi qua, hoặc chỉ nghe nói đến nước là lên cơn.

- Ngay khi có các kích thích như trên, bệnh nhân xuất hiện cơn co thắt quá mức các cơ hầu họng và thanh quản, co thắt làm bệnh nhân thấy rất đau và rất sợ.

- Nước bọt tăng tiết không nuốt được nên bệnh nhân nhổ vặt liên tục và có hình ảnh “sùi bọt mép”.

Tiêm phòng vắc-xin cho chó, mèo nuôi để phòng ngừa bệnh dại

Tiêm phòng vắc-xin cho chó, mèo nuôi để phòng ngừa bệnh dại

Cho đến nay chưa có biện pháp điều trị nào có hiệu quả với bệnh dại. Điều trị hỗ trợ chỉ có tác dụng kéo dài thời gian diễn biến của bệnh nhưng cuối cùng bệnh nhân vẫn tử vong khi đã có triệu chứng.

Chính vì vậy, việc phòng bệnh đóng vai trò quan trọng. Trong đó, cần chú ý quản lý súc vật nuôi bằng cách: Hạn chế nuôi chó và để chó thả rông; Chó ra đường phải có rọ mõm; Tiêm phòng vắc-xin cho chó mèo nuôi; Khi có dịch bệnh dại xảy ra cần tiêu diệt đàn chó đang nuôi, nghiêm cấm bán chạy chó từ vùng có dịch bệnh sang vùng khác.

Cách xử lý người bị súc vật nghi dại cắn 

- Rửa ngay vết thương thật kỹ bằng nước xà phòng đặc 20%, rửa lại bằng nước muối sinh lý và bôi các chất sát khuẩn như dung dịch iốt đậm đặc. 

- Vết thương bẩn, giập nát cần cắt lọc.

- Để hở vết thương, chỉ khâu lại vết thương sau khi bị cắn trên 5 ngày. 

- Theo dõi súc vật cắn trong vòng 10 ngày 

-Tuyệt đối không giết chết súc vật cắn và coi tất cả những súc vật cắn không theo dõi được đều là bị dại. 

-Tiêm phòng vắc-xin uốn ván 

-Đến cơ sở y tế để được khám và có chỉ định phác đồ điều trị dự phòng hợp lý càng sớm càng tốt.

Linh Nhi

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính