Cơ quan chức năng Hà Nội đã xác định nguyên nhân ban đầu khiến nước máy tại Hà Nội có mùi lạ là do đầu nguồn nước bị đổ dầu phế thải, sau đó chảy ra hồ và dẫn đến chảy vào hệ thống lọc nước.
Kết quả xét nghiệm xác định liên quan cho thấy, các mẫu nước không đạt quy chuẩn về mùi vị, mẫu nước có mùi khét. Trong các mẫu nước xét nghiệm đều có hàm lượng styren - chất thuộc nhóm có chỉ tiêu giám sát mức độ C - cao hơn tiêu chuẩn cho phép.
Srtyren là gì?
TS. Trần Thị Tuyết Hạnh, Giảng viên Sức khỏe Môi trường, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết, Styren là hợp chất hữu cơ có công thức hóa học C6H5CH=CH2.
Đây là chất lỏng không màu, nhẹ hơn nước, không tan trong nước, dễ bay hơi và có vị hơi ngọt tuy nhiên khi đậm đặc thì có mùi khó chịu.
Chất này được dùng để sản xuất polystyren và nhiều polyme khác (cụ thể là các sản phẩm như hộp xốp đựng thức ăn, cao su, chất dẻo, chất cách điện, sợi thủy tinh,…).
Srtyren ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?
Styren có thể gây ra những ảnh hưởng sức khoẻ cấp tính và mãn tính.
Tiếp xúc nghề nghiệp với styrene có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương. Phơi nhiễm cấp tính ở nồng độ cao có thể gây kích ứng mắt, mũi, cổ họng và hệ thống hô hấp, cảm giác đau đầu, suy nhược, chóng mặt, lú lẫn, buồn ngủ, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, da nhạy cảm, viêm da, hen suyễn, trầm cảm…
Tiếp xúc lâu dài có thể gây ra bệnh não, tổn thương gan, tổn thương mô thần kinh, ảnh hưởng đến chức năng thận, ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương, thính giác và thị giác kém.
TS Hạnh cũng khuyên, trước mắt người dân ở các quận đang sử dụng nguồn nước do Nhà máy Nước sạch sông Đà cấp thì tạm thời tìm nguồn nước khác thay thế để ăn, uống cho đến khi Cơ quan chức năng khẳng định nguồn nước đã đảm bảo an toàn.
Súc rửa các bể chứa nước trước khi có nguồn nước sạch đảm bảo an toàn. Tắm giặt và vệ sinh thì ít nguy cơ hơn vì nồng độ styren mặc dù vượt quy chuẩn cho phép nhưng không quá cao, tuy nhiên mùi nước nhiễm styren thường khó chịu. Các thiết bị lọc nước ở hộ gia đình có sử dụng than hoạt tính cũng giúp xử lý nước nhiễm styren.
Ngoài ra, để giảm thiểu phơi nhiễm với styren thì cũng cần giảm/bỏ thuốc lá, hạn chế sử dụng các đồ dùng làm từ styren như hộp xốp, đĩa đựng thức ăn, ly uống cà phê, cốc nước một lần. Tránh đựng đồ nóng trong những hộp nhựa đựng thức ăn…
Theo quy chuẩn Việt Nam 01:2009 của Bộ Y tế ban hành về chất lượng nước ăn uống, hàm lượng styren được quy định tối đa 20mg/l, tuy nhiên, các mẫu nước xét nghiệm cho thấy hàm lượng cao hơn quy chuẩn Việt Nam từ 1,3-3,65 lần.
Riêng mẫu nước tại các vòi sử dụng của hộ gia đình, hàm lượng styren thấp hơn ở nhà máy và các điểm chứa trung gian.
Việt LinhBạn đang xem bài viết Styren là gì? Dùng nước nhiễm styren ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào? tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].