Sốt xuất huyết tại Hà Nội: Thêm 2 ca tử vong, nhiều ca nặng

Số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng thêm 1.435 ca trong tuần qua, thêm 2 ca tử vong, 72 ổ dịch mới, dịch đang tăng nhanh và diễn biến phức tạp ở Thủ đô, đáng nói là có nhiều ca diễn biến nặng.

Sốt xuất huyết tại Hà Nội đang tăng nhanh

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 18 đến 25/11), trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.435 ca mắc sốt xuất huyết (số mắc tăng 4,1% so với tuần trước), trong đó có 2 ca tử vong tại quận Đống Đa và huyện Thanh Trì.

Bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó, một số quận, huyện có số mắc cao, như: Hà Đông (207 ca), Đống Đa (133 ca), Thanh Trì (115 ca), Thanh Oai (92 ca), Chương Mỹ (85 ca).

Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn thành phố có 14.872 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 18 ca tử vong. Số mắc tăng gấp 4,5 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Type virus Dengue lưu hành đã xác định được là: DENV1 và DENV2, DENV4.

Trong tuần qua cũng ghi nhận thêm 72 ổ dịch mới tại 16 quận, huyện: Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Trì, Chương Mỹ, Hoài Đức, Thanh Oai, Đông Anh, Phúc Thọ, Thanh Xuân, Thạch Thất, Thường Tín, Phú Xuyên và Mê Linh.

Dịch sốt xuất huyết năm nay có sự gia tăng tỷ lệ diễn biến nặng và tử vong. Ảnh minh họa

Dịch sốt xuất huyết năm nay có sự gia tăng tỷ lệ diễn biến nặng và tử vong. Ảnh minh họa

Vì sao nhiều ca sốt xuất huyết diễn biến nặng?

Các chuyên gia y tế đánh giá, dịch sốt xuất huyết năm nay có sự gia tăng tỷ lệ diễn biến nặng và tử vong. Nguyên nhân được các chuyên gia xác định một phần do tâm lý chủ quan của bệnh nhân, tự điều trị tại nhà mà không có thăm khám của bác sĩ.

Bên cạnh đó, tình trạng dịch chồng dịch khiến bệnh nhân đồng nhiễm nhiều bệnh, các triệu chứng chồng chéo dẫn đến chẩn đoán nhầm nên không điều trị đúng, kịp thời.

Một nguyên nhân khác cũng được các chuyên gia y tế đặt ra, đó là độc lực của type virus Dengue bị thay đổi theo thời gian dài của dịch bệnh hay sự thay đổi hệ miễn dịch của cơ thể sau khi bị COVID-19. Tuy nhiên, để đưa ra kết luận cần phải cần có các nghiên cứu đánh giá thêm.

Người bị sốt xuất huyết cần đến viện khi nào?

Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết ngày càng diễn biến phức tạp, các chuyên gia y tế lưu ý, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu có một trong những dấu hiệu như:

  • Cảm giác khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt;
  • Không ăn uống được;
  • Nôn ói nhiều;
  • Đau bụng nhiều hơn;
  • Tay chân lạnh, ẩm;
  • Mệt lả, bứt rứt;
  • Chảy máu mũi, miệng, xuất huyết âm đạo bất thường, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu đỏ;
  • Có các hành vi thay đổi như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì và trên 6 giờ không tiểu tiện...
An An

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính