Người gửi qua đời, sổ tiết kiệm ngân hàng được phân chia thừa kế thế nào?

Chủ sở hữu quyển sổ tiết kiệm tại ngân hàng qua đời, vậy số tiền tiết kiệm sẽ được chia thừa kế cho các thành viên trong gia đình như thế nào?

Sổ tiết kiệm tiền tại ngân hàng là giấy tờ ghi nhận quyền sở hữu của người đứng tên trên sổ với số tiền được gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Bởi vậy, số tiền ghi trong sổ tiết kiệm là tài sản của người đứng tên trên sổ tiết kiệm.

Do đó, khi chủ sở hữu sổ tiết kiệm chết, số tiền trong sổ tiết kiệm được coi là di sản thừa kế và sẽ được chia theo quy định của pháp luật:

- Nếu người sở hữu sổ tiết kiệm có để lại di chúc thì sẽ ưu tiên phân chia di sản thừa kế theo di chúc;

- Nếu không có di chúc, di chúc không hợp pháp… thì sổ tiết kiệm sẽ được phân chia theo pháp luật.

Như vậy, khi muốn rút sổ tiết kiệm ở ngân hàng của người đã chết thì phải thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Trong trường hợp người để lại di sản có lập di chúc hợp pháp để lại tài sản của mình cho người khác thì việc chia di sản thừa kế được thực hiện theo di chúc. Ngược lại, nếu không có di chúc thì sổ tiết kiệm sẽ được chia theo pháp luật.

  Phân chia thừa kế sổ tiết kiệm ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Phân chia thừa kế sổ tiết kiệm ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 651 Bộ luật dân sự 2015, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Sau đó, những người thừa kế phải thực hiện thủ tục khai nhận hoặc phân chia di sản thừa kế. Hồ sơ cần chuẩn bị để chia thừa kế gồm:

- Phiếu yêu cầu công chứng;

- Di chúc (nếu có);

- Sổ tiết kiệm;

- Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;

- Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản thừa kế và người nhận thừa kế;

- Giấy tờ quan hệ nhân thân của những người thừa kế: Chứng minh nhân dân, Sổ hộ khẩu…

Sau khi chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ nêu trên, những đồng thừa kế có thể đến Văn phòng/Phòng công chứng để thực hiện thủ tục công chứng Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc Văn bản khai nhận di sản thừa kế.

Bước tiếp theo, khi đã có được văn bản công chứng thì liên hệ với ngân hàng - nơi có sổ tiết kiệm để thực hiện thủ tục rút tiền trong sổ tiết kiệm. Về thủ tục cụ thể thì tùy vào từng ngân hàng sẽ có hướng dẫn riêng.

V.Linh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính