Ý nghĩa đằng sau mối quan hệ 'situationship'
Situationship là một khái niệm mới hình thành ở thế kỷ XXI, kết hợp giữa "situation" (tình huống) và "relationship" (mối quan hệ).
Đó là một mối quan hệ tồn tại không có sự cam kết và vẫn chưa được xác định.
Theo NBC News, situationship là "một khoảng dưới mối quan hệ được cam kết và trên mức tình bạn".
Tuy nhiên không giống như "friends with benefits" (tình bạn kiêm bạn tình), ranh giới của situationship thường ít rõ ràng hơn.
Những mối quan hệ 'trên tình bạn, dưới tình yêu' đang ngày càng phổ biến
Một giáo sư truyền thông quan sát thấy rằng situationship được tạo ra bởi áp lực của mạng xã hội.
Trong thời đại ngày nay, sự xuất hiện ồ ạt của mạng xã hội đã tạo ra nỗi ám ảnh "like" (lượt thích) và "follow" (lượt theo dõi) cho nhiều cá nhân.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng con người ngày nay sợ thể hiện sự cam kết trên mạng xã hội hơn, dẫn đến các mối quan hệ bình thường và trung lập hơn.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng nhận thấy giới trẻ ngày nay tập trung nhiều hơn vào việc phát triển bản thân và sự nghiệp thay vì một mối quan hệ cam kết.
Situationship cho phép họ ở trong một mối quan hệ lãng mạn mà không cần phải bận tâm việc dành thời gian và cam kết cho nó.
Về cơ bản, trong kiểu quan hệ "trên tình bạn, dưới tình yêu" này, không có gì được xác định và không có bất kỳ vấn đề đi kèm nào.
Dấu hiệu bạn đang trong mối quan hệ 'trên tình bạn, dưới tình yêu'
Có một đối tượng mà bạn muốn dành thời gian ở cạnh hoặc thỉnh thoảng sẽ nghĩ về người đó. Hai bạn đã có vài lần hẹn hò cùng nhau, sau đó lại không liên lạc vài ngày hoặc vài tháng.
Dấu hiệu mạnh mẽ của một mối quan hệ "trên tình bạn, dưới tình yêu" đó là không có kế hoạch hoặc sự nhất quán nào cả. Hai người chỉ nghĩ đến hiện tại và không nghĩ đến tương lai cùng nhau.
Cách thoát khỏi mối quan hệ 'trên tình bạn, dưới tình yêu'
Nếu bạn cảm thấy hài lòng với "situationship" thì không có gì phải căng thẳng, nhưng nếu bạn đang tìm kiếm một mối quan hệ hơn thế, thì bạn có thể thử làm theo những lời khuyên dưới đây.
- Xem xét lại: hãy nhìn lại mối quan hệ giữa hai bạn. Đối phương có khiến bạn hạnh phúc khi ở bên không? Đó có phải là người bạn muốn cam kết gắn bó hay không?
- Trò chuyện: Nếu câu trả lời của bạn cho hai câu trên là có, thì đã đến lúc bạn nên thảo luận với người kia về cảm xúc của bạn. Hãy tìm một nơi yên tĩnh, không bị quấy rầy để có thể trò chuyện thẳng thắn, chân thật. Cố gắng giải thích cảm xúc của bạn đơn giản, vào thẳng vấn đề nhất có thể.
- Thấu hiểu: Một khi quyết định chấm dứt trạng thái mập mờ, bạn có thể nhận được kết quả hạnh phúc hoặc đau khổ. Nếu đối phương cũng có cảm xúc giống bạn và hai bạn quyết định đi đến mối quan hệ yêu đương chính thức thì xin chúc mừng. Còn nếu kết quả không như mong muốn, bạn có thể coi đó như một kinh nghiệm học hỏi.
(Theo Bright Side)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Dấu hiệu bạn đang mắc kẹt trong mối quan hệ 'trên tình bạn, dưới tình yêu' tại chuyên mục Giải mã Tình yêu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].