Liên quan đến Dự thảo quy định học sinh, sinh viên có hoạt động mại dâm tới lần thứ 4 sẽ bị thôi học của Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa bị gỡ bỏ mới đây, trao đổi với PV Gia Đình Mới sáng 30/10, TS. Vũ Thu Hương - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, những tác giả soạn thảo ra dự thảo trên thật sự thiếu hiểu biết về ngành nghề và đặc thù ngành nghề của mình.
“Nghề y sẽ đi kèm với bệnh tật, máu, cái chết và đặc biệt là trực đêm. Nghề báo chí hay du lịch sẽ kèm với các chuyến công tác. Ngành giáo có một đặc thù mà bất kể ai cũng biết, đó là đòi hỏi cao về tư cách đạo đức những cán bộ hoạt động trong ngành.
Hoạt động môi giới mại dâm hoặc mại dâm, làm bằng giả, làm hộ luận văn, luận án… đều là những hành vi vi phạm pháp luật. Khi những hành vi này bị phát hiện, chắc chắn thủ phạm sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Nghề giáo là nghề tiếp xúc và giáo dục trẻ cả về tư cách đạo đức. Vì thế, nghề giáo sẽ không thể chấp nhận những cán bộ vi phạm pháp luật, có tiền án tiền sự. Vì vậy, có thể nói, chỉ có những người hoàn toàn thiếu hiểu biết về ngành nghề này mới có thể đưa ra những điều luật kì lạ đến vậy.
Đây là dự thảo dành riêng cho sinh viên Sư phạm. Chính điều này mới khiến chúng tôi có suy nghĩ về việc các tác giả đã không có sự hiểu biết đầy đủ về đặc thù của ngành nghề và có những dự thảo rất thiếu cân nhắc thậm chí vô lý khiến dân chúng bức xúc”, TS Vũ Thu Hương nhận định.
Ngoài ra, theo chuyên gia này, sinh viên sư phạm cũng là những cô bé cậu bé mới lớn. Trong xã hội hiện nay, khi quan niệm: “học giỏi là ngoan”, giáo dục đạo đức tư cách đã không còn được coi trọng. Vì thế, tình trạng trẻ coi thường pháp luật cũng không hề hiếm.
"Đặc biệt ngày nay, khi kinh tế phát triển, quan niệm coi trọng quyền lợi và vật chất đã khiến giới trẻ quan tâm đến quà cáp trong tình yêu hơn là giá trị tinh thần. Từ đó, những câu chuyện đòi quà, câu chuyện ăn miếng trả tiền đã trở nên phổ biến. Từ đó đến việc vi phạm pháp luật như hành động bán dâm chỉ có một bước ngắn" , TS. Vũ Thu Hương cũng cho biết.
Đề cập đến vấn đề bán dâm của sinh viên nói chung, sinh viên sư phạm nói riêng, nữ chuyên gia nhận định, đó là vấn đề vi phạm pháp luật nên xã hội không cần phải bàn đến khía cạnh văn hóa. Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật không phải là nghĩa vụ của riêng người dân Việt Nam mà là nghĩa vụ của người dân bất kì trên toàn thế giới.
“Nếu một khi đã vi phạm pháp luật thì không tính đến số lần vi phạm, đương nhiên người đó sẽ bị xử lý hình sự. Rõ ràng, khi bàn tính đến việc này, tất cả chúng ta đều thấy đây là hành động phải bị lên án gay gắt nhất chứ không thể nói đơn giản là nhân đạo được.
Nhân đạo để hành vi trái pháp luật phổ biến tức là chúng ta đã không nhân đạo, thậm chí gây nguy hiểm cho một bộ phận rất lớn những nạn nhân của kẻ trái luật”, TS. Vũ Thu Hương chia sẻ.
Cũng theo nữ chuyên gia, với tình trạng mua bán dâm của bộ phận sinh viên nói chung, sinh viên sư phạm nói riêng, việc lên án kịch liệt và có hình thức kỉ luật nghiêm khắc kèm theo với các xử lý hình sự chính là cách tốt nhất để răn đe, điều chỉnh hành vi của những người trẻ tuổi. Từ đó, các sinh viên hiểu rằng họ sẽ bị trả giá rất nhiều nếu vi phạm.
“Đây chính là cái barie tốt nhất ngăn cho các vụ vi phạm pháp luật không xảy ra”, chuyên gia chia sẻ.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Sinh viên mua bán dâm 4 lần bị đuổi học: Quy định kỳ lạ và thiếu hiểu biết tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].