Nội dung công văn nêu rõ các đơn vị cần thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh, trực cấp cứu 24/24; sẵn sàng thu dung và cấp cứu; duy trì trực đầy đủ; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, phương tiện cấp cứu để dự phòng, tiếp nhận điều trị, cấp cứu chấn thương, ngộ độc hàng loạt. Các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng, ứng cứu khi có lệnh.
Trước kế hoạch tổ chức màn hình lớn xem tại Sân vận động Mỹ Đình, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm cấp cứu 115, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội, Trung tâm Y tế các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hà Đông… mỗi đơn vị bố trí 1 tổ cấp cứu gồm 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng, 1 xe ô tô cứu thương có đầy đủ phương tiện, thuốc, trang thiết bị cần thiết thường trực trong suốt thời gian diễn ra sự kiện.
Trước đó, chiều 26/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã kêu gọi người dân cổ động bóng đá một cách văn minh nhằm hạn chế tai nạn không đáng có trong trận chung kết.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: ‘Uống vừa phải đủ vui; không đua xe, phóng nhanh vượt ẩu; đội mũ bảo hiểm khi di chuyển trên xe máy; tránh tập trung gần các bệnh viện gây cản trở hoạt động cấp cứu khám chữa bệnh’.
Trong trận đấu bán kết trước đó giữa đội tuyển U23 Việt Nam và U23 Qatar, thống kê của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cho thấy trong ngày và đêm 23/1 đã có khoảng 140 ca cấp cứu nhập viện, tăng 150% so với ngày thường, chủ yếu là tai nạn giao thông.
Lượng người đổ ra đường quá lớn nên các xe cấp cứu gặp khó khăn, mất rất nhiều thời gian di chuyển.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Sẵn sàng ứng phó cấp cứu 24/24 phục vụ chung kết U23 Việt Nam tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].