Rối loạn tiền đình là gì?
Tiền đình là bộ phận thuộc hệ thần kinh nằm ở phía sau ốc tai hai bên. Tiền đình có vai trò cân bằng cơ thể, duy trì trạng thái thăng bằng ở các tư thế, trong hoạt động, phối hợp các bộ phận cử động như mắt, tay, chân, thân mình… Khi một nguyên nhân nào đó gây tổn thương hệ thống này, bệnh nhân có thể gặp rối loạn tiền đình.
Các biểu hiện thường gặp nhất của rối loạn tiền đình là chóng mặt, mất thăng bằng. Ngoài ra có thể có các triệu chứng khác như: Ù tai, nhìn mờ, buồn nôn, tim đập nhanh, vã mồ hôi… Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở người già. Ngày nay, với áp lực từ công việc và cuộc sống, rối loạn tiền đình đang có xu hướng trẻ hóa.
Nguyên nhân rối loạn tiền đình ở thanh niên
Rối loạn tiền đình phổ biến ở người trung niên, lớn tuổi, nhưng ngày càng có nhiều người trẻ bị rối loạn tiền đình. Hàng ngày tại các phòng khám, cơ sở y tế có nhiều người trẻ bị đau đầu đến khám được chẩn đoán rối loạn tiền đình.
3 nguyên nhân dẫn tới nhiều thanh niên mắc rối loạn tiền đình:
1. Rối loạn tiền đình do stress quá mức
Áp lực học tập, công việc cũng như cuộc sống thường ngày khiến người trẻ có xu hướng bị stress quá mức. Tình trạng này kéo dài có thể làm tổn thương hệ thần kinh cũng như ảnh hưởng đến hệ thống tiền đình, gây ra các triệu chứng rối loạn tiền đình.
Rối loạn tiền đình còn liên quan đến tình trạng mất ngủ, gây ảnh hưởng đến dây thần kinh số 8 và hệ thống tiền đình.
2. Thói quen lười vận động
Rối loạn tiền đình ở người trẻ còn do thói quen lười vận động.
3. Tiếp xúc nhiều với máy tính trong không gian phòng lạnh kín
Đây là thói quen sống và đặc điểm công việc của nhiều người trẻ, điều này ảnh hưởng đến việc lưu thông máu đến não. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ra rối loạn tiền đình sớm phổ biến ở những người trẻ, nhất là các đối tượng làm việc văn phòng phải ngồi làm việc liên tục với máy tính.
Ngoài ra, người trẻ tuổi cũng dễ bị rối loạn tiền đình nếu có các bệnh lý như tim mạch (huyết áp thấp, thiếu máu...), bệnh lý thần kinh, bệnh lý tai, ô nhiễm tiếng ồn, thay đổi thời tiết...
Thực tế, rối loạn tiền đình nhẹ được phát hiện sớm thường không gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, nhất là những người trẻ có sức khỏe tốt, khả năng hồi phục nhanh. Tuy nhiên không ít người trẻ có tâm lý chủ quan, không cho rằng bản thân mắc căn bệnh này dẫn đến phát hiện bệnh và điều trị chậm trễ.
V.LinhBạn đang xem bài viết Rối loạn tiền đình ở người trẻ ngày càng nhiều, 3 điều cần tránh để không mắc rối loạn tiền đình tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].