Rối loạn nhịp tim là bệnh lý tim mạch có tỷ lệ tử vong khá cao. Các biểu hiện đặc trưng của bệnh bao gồm nhịp tim bất thường, quá nhanh hoặc quá chậm, không đều và lúc nhanh lúc chậm. Cùng tìm hiểu rõ hơn về rối loạn nhịp tim qua bài viết này nhé!
Rối loạn nhịp tim là gì?
Rối loạn nhịp tim là tình trạng nhịp tim bất thường, xuất hiện từng đợt mà không có dấu hiệu cảnh báo. Các triệu chứng đặc trưng của bệnh:
- Cảm giác hồi hộp.
- Đau, nhức ngực hoặc khó thở.
Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim bao gồm bệnh tim, tuổi, các dị tật bẩm sinh, rượu, thuốc lá,... Bệnh diễn tiến âm thầm, gây ra biến chứng nặng nề bao gồm suy tim, đột quỵ... đe dọa đến tính mạng của người bệnh nếu không được điều trị sớm.
Rối loạn nhịp tim là tình trạng nhịp tim bất thường
1 Các loại rối loạn nhịp tim thường gặp
Rối loạn nhịp tim được chia làm 2 nhóm:
Rối loạn nhịp nhanh
Rối loạn nhịp nhanh có nhiều hình thái khác nhau do các vấn đề về dẫn truyền điện trong tim bao gồm:
- Rung nhĩ: là tình trạng rối loạn nhịp phức tạp ở tâm nhĩ của tim. Bệnh có thể xuất hiện từng cơn thoáng qua, không có triệu chứng rõ ràng. Trong quá trình bệnh tiến triển, rung tâm nhĩ sẽ kéo dài liên tục, dai dẳng gây suy giảm chức năng tim. Rung nhĩ có liên quan đến bệnh đột quỵ.
- Cuồng nhĩ: là tình trạng rối loạn nhịp nhanh ở tâm nhĩ của tim với tần số khoảng 240-340 lần/phút. Bệnh đặc trưng với các triệu chứng: hồi hộp, ran ngực, khó thở, yếu sức, chóng mặt.
- Nhịp nhanh kịch phát trên thất: là tình trạng rối loạn nhịp tim nhanh thường gặp nhất. Bệnh xuất hiện đột ngột, ngay cả khi bệnh nhân đang nghỉ ngơi hoặc ngủ. Các triệu chứng nhẹ như hồi hộp, khó chịu ở ngực, hụt hơi, yếu sức.
- Rung thất: là tình trạng rối loạn nhịp nhanh nguy hiểm nhất đe dọa đến tính mạng người bệnh. Triệu chứng thường tiến triển nhanh theo thời gian, xuất hiện cơn rung thất kéo dài 10 giây có thể mất ý thức khi đó.
- Nhịp nhanh thất:là tình trạng nhịp cần cần phải đặc biệt chú ý. Bệnh chỉ xuất hiện thoáng qua và không có triệu chứng rõ ràng hoặc chỉ có triệu chứng mơ hồ như cảm giác lâng lâng, đánh trống ngực.
Rối loạn nhịp chậm
Rối loạn nhịp tim chậm là bệnh liên quan đến quá trình hoạt động của tim. Một số rối loạn nhịp chậm bao gồm:
- Hội chứng suy nút xoang: là tình trạng gián đoạn một phần hoặc hoàn toàn xung động dẫn truyền từ tâm nhĩ xuống tâm thất. Bệnh thường diễn tiến chậm, kéo dài nhiều năm khiến triệu chứng không rõ ràng. Nếu có, triệu chứng thường gặp bao gồm cảm giác hồi hộp, tim đập từng nhịp chậm và mạnh, cảm thấy mệt mỏi, khó thở...
- Block dẫn truyền nhĩ thất: là tình trạng đường dẫn truyền bị hỏng. Bệnh có các triệu chứng đặc trưng bao gồm cảm giác hồi hộp, chóng mặt từng lúc, lâng lâng, mệt mỏi...
Rối loạn nhịp tim chia làm 2 nhóm: rối loạn nhịp nhanh và rối loạn nhịp chậm
2 Bệnh rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không?
Rối loạn nhịp tim là bệnh diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng và gây ra các biến chứng tim mạch nặng nề, đe dọa đến tính mạng của người bệnh nếu không được điều trị sớm.
Hiện nay, số lượng người bệnh được thăm khám và điều trị sớm có tỷ lệ khá thấp. Nhưng số lượng mắc bệnh ngày càng tăng cao, cơ cấu bệnh tật phức tạp đòi hỏi cao về chuyên môn của bác sĩ và các phương pháp phẫu thuật hiện đại.
Rối loạn nhịp tim là bệnh diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng
3 Biến chứng rối loạn nhịp tim có thể gặp
Giảm khả năng gắng sức
Cơ thể con người cần được cung cấp máu giàu oxy liên tục để duy trì hoạt động di chuyển, vận động và thực hiện các công việc hàng ngày. Tuy nhiên, rối loạn nhịp tim có thể khiến tim không bơm đủ máu, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, yếu ớt, thiếu sức sống.
Rối loạn nhịp tim khiến người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi
Suy tim
Bình thường tim bơm máu đến các cơ quan trong cơ thể để duy trì hoạt động sống. Nhưng khi mắc bệnh rối loạn nhịp tim, tim không thể bơm máu đầy đủ, khiến tim phải hoạt động nhiều hơn và trở nên yếu đi gây ra tình trạng suy tim.
Rối loạn nhịp tim có nguy cơ cao mắc bệnh suy tim
Đột quỵ
Người bệnh mắc rối loạn nhịp tim có nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần. Vì rối loạn nhịp tim khiến máu không thể lưu thông làm hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu dẫn đến đột quỵ.
Rối loạn nhịp tim là nguyên nhân chính gây đột quỵ
Đột tử
Người bệnh thường không có triệu chứng hoặc chỉ thoáng qua không rõ ràng. Rối loạn nhịp tim là một yếu tố tiềm ẩn gây ra bệnh đột tử. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng đột tử ở người trẻ tuổi.
Rối loạn nhịp tim là yếu tố nguy cơ tiềm ẩn gây đột tử
4 Bệnh rối loạn nhịp tim có điều trị được không?
Dùng thuốc
Việc lựa chọn thuốc điều trị rối loạn nhịp tim phụ thuộc vào loại rối loạn nhịp tim, biến chứng và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Điều trị rối loạn nhịp tim chỉ cần thiết khi bệnh không gây ra các triệu chứng đáng kể.
Ví dụ thuốc kiểm soát nhịp tim được sử dụng trong trường hợp người bệnh mắc bệnh rối loạn nhịp tim nhanh. Nếu người bệnh mắc rung nhĩ hoặc cuồng nhĩ thì thuốc chống đông sẽ giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông giúp giảm nguy cơ đột quỵ.
Người bệnh cần phải dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Việc lựa chọn thuốc phụ thuộc vào loại rối loạn nhịp tim, sức khỏe của người bệnh
Phẫu thuật
Phẫu thuật tim rất phức tạp, đòi hỏi bác sĩ có chuyên môn cao và dày dặn kinh nghiệm. Một số phương pháp phẫu thuật bao gồm:
- Cắt đốt qua ống thông (catheter): Bác sĩ sử dụng một hoặc nhiều ống thông qua các mạch máu đến tim. Điện cực ở đầu ống thông sử dụng năng lượng nhiệt hoặc lạnh để tạo ra những vết sẹo nhỏ trong tim, ngăn chặn các tín hiệu điện bất thường và khôi phục nhịp tim bình thường.
- Máy tạo nhịp tim: Nếu nhịp tim chậm không do những nguyên nhân có thể khắc phục được, bác sĩ sẽ điều trị bằng máy tạo nhịp tim.
- Máy khử rung tim cấy được (ICD): Thường được dùng cho những bệnh nhân có nhịp tim nhanh hoặc không đều ở các buồng tim phía dưới (nhịp nhanh thất hoặc rung thất). Nếu người bệnh bị ngừng tim đột ngột bác sĩ có thể đề nghị gắn ICD.
- Phẫu thuật Maze: bác sĩ tạo một loạt vết rạch trong mô tim ở nửa trên của trái tim (tâm nhĩ) để tạo ra một mê cung gồm các mô sẹo. Bởi vì mô sẹo không dẫn điện, nên nó cản trở các xung điện lạc hướng, từ đó giúp điều trị một số loại rối loạn nhịp tim.
- Phẫu thuật bắc cầu mạch vành: bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật bắc cầu mạch vành ở người bệnh bị bệnh động mạch vành nặng dẫn đến rối loạn nhịp tim. Phẫu thuật này giúp phục hồi lưu lượng máu đến tim và có thể giúp cải thiện chức năng tim.
Người bệnh sẽ được phẫu thuật nếu tình trạng rối loạn nhịp tim nghiêm trọng
5 Các biện pháp phòng ngừa bệnh rối loạn nhịp tim
Để phòng ngừa rối loạn nhịp tim, bạn nên thực hiện các biện pháp sau:
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát tim mạch 6 tháng/lần hoặc 1 năm/lần.
- Kiểm soát huyết áp, lượng cholesterol trong máu.
- Phải tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm xảy ra.
- Chế độ ăn ít muối, nhiều rau, ngũ cốc, cá...
- Hạn chế sử dụng các sản phẩm đóng hộp, chế biến sẵn chứa chất béo bão hòa.
- Thường xuyên tập thể dục, không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá...
6 Khi nào cần gặp bác sĩ?
Dấu hiệu
Nếu xuất hiện một trong các dấu hiệu nghi ngờ sau, bạn hãy đến các cơ sở y tế thăm khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời:
- Chóng mặt từng lúc.
- Mệt mỏi.
- Cảm giác hồi hộp.
- Nhịp tim chậm hoặc nhanh.
Khi có dấu hiệu tim đập nhanh hoặc chậm, bạn cần đến bác sĩ ngay để thăm khám
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim thông qua khai thác tiền sử bệnh, khám thực thể để xác định một số bệnh lý. Người bệnh có thể thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để bác sĩ kiểm tra tim và tiến hành chẩn đoán xác định:
- Điện tâm đồ: đo hoạt động tim.
- Máy theo dõi Holter nhịp: theo dõi hoạt động hàng ngày của tim.
- Siêu âm tim: hiển thị cấu trúc của tim và van tim.
Điện tâm đồ là một trong các xét nghiệm cận lâm sàng giúp kiểm tra tim
Các bệnh viện chuyên khoa uy tín
Khi thấy xuất hiện các dấu hiệu trên, bạn cần đến cơ sở y tế gần nhất hoặc chuyên khoa tim mạch thuộc các bệnh viện uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời, bạn có thể tham khảo một số bệnh viện uy tín sau:
- Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Tim TP.HCM, Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM...
- Hà Nội: Bệnh viện Tim Hà Nội, Viện Tim mạch - bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108...
Xem thêm:
- 9 nguyên nhân suy tim thường gặp có thể bạn chưa biết
- Chứng mệt tim ở nữ sinh tuổi dậy thì
Bài viết này đã cung cấp thông tin về rối loạn nhịp tim và các biện pháp phòng ngừa. Hãy chia sẻ thông tin hữu ích này đến mọi người xung quanh bạn nhé!
Bạn đang xem bài viết Rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không? Các biện pháp phòng ngừa tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].