Rau lang là một loại rau dân dã, dễ trồng, thân thuộc với người dân Việt Nam, có giá thành rẻ, dễ chế biến thành nhiều món ngon. Bên cạnh đó, loại rau quen thuộc này còn là nguồn dinh dưỡng tự nhiên, được ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm và dược phẩm. Mời bạn cùng tìm hiểu 13 tác dụng của rau lang đối với sức khỏe qua bài viết dưới đây nhé!
1 Rau lang là gì? Thành phần dinh dưỡng của rau lang
Rau lang là một bộ phận của cây khoai lang (tên gọi khoa học là Ipomoea batatas) gồm phần lá và phần ngọn, thuộc loại cây thân thảo dây leo. Ngoài ra, rau khoai lang còn được biết đến với nhiều tên gọi trong Y học cổ truyền như phiên chử, cam thử,….
Rau lang là loại rau quen thuộc trong mâm cơm người Việt Nam, có thể chế biến nhiều món ăn đa dạng luộc, xào hoặc trộn gỏi với vị ngọt nhẹ và mềm, rất dễ ăn.
Trong 100g rau lang có chứa:
- Năng lượng: 22 kcal
- Nước: 91,8 g
- Protein: 2,6 g
- Tinh bột: 2,8 g
- Natri: 8,06−832,31 mg
- Magie: 220,2−910,5 mg
- Phốt pho: 131.1−2639.8 mg
- Canxi: 229,7−1958,1 mg
- Kali: 479,3−4280,6 mg
- Vitamin B3: 0,856−1,498 mg
- Vitamin B6: 0,12−0,329 mg
- Vitamin B2: 0,248−0,254 mg
- Vitamin B1: 0,053−0,128 mg
- Vitamin C: 0,0627−0,081 mg
Ngoài ra, rau lang cũng chứa một lượng nhỏ đồng, kẽm, mangan, sắt, vitamin E, vitamin B5, biotin, β-caroten. Bên cạnh đó nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng rau lang còn chứa hàm lượng polyphenol, flavonoid và carotenoids cao mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như chống oxy hóa, chống ung thư, điều hòa miễn dịch và bảo vệ gan.
Rau lang cung cấp nhiều dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể
2 Ăn rau lang có tốt không?
Theo Đông Y, rau lang là một vị thuốc tính dịu, không chứa độc tố, tác dụng tốt cho tỳ vị, mật, thận, thị lực và có chức năng điều hòa khí huyết.
Mặc dù được gọi là rau khoai lang, nhưng rau lang thực sự cung cấp nhiều dinh dưỡng cho cơ thể hơn so với khoai lang. Rau lang chứa hàm lượng dinh dưỡng cao tương đương rau chân vịt, nhưng lại có ưu điểm là chứa ít acid oxalic hơn, vì vậy giúp giảm nguy cơ mắc bệnh sỏi thận hơn so với rau chân vịt.
Vì vậy rau lang vừa là một món ăn ngon, vừa là thực phẩm tốt cho sức khỏe mà chúng ta nên bổ sung vào thực đơn cho gia đình.
Rau lang tốt cho sức khỏe khi dùng với lượng vừa phải
3 Các tác dụng của rau lang đối với sức khỏe
Chống oxy hóa
Đặc tính chống oxy hóa của rau khoai lang là nhờ các dẫn xuất của axit caffeoylquinic, quercetin, anthocyanin… Một nghiên cứu đã sử dụng 200 g rau khoai lang tím cho vận động viên trong 1-2 tuần giúp giảm quá trình oxy hóa lipid và DNA, tăng glutathione trong máu, cải thiện khả năng chống oxy hóa trong huyết tương.
Bên cạnh đó khả năng chống oxy hóa của rau lang tím cao hơn đáng kể so với rau lang có màu khác (rau lang đỏ, vàng và trắng). Hấp là phương pháp nấu hiệu quả nhất để duy trì mức polyphenol và hoạt động chống oxy hóa của rau lang.
Ngăn ngừa ung thư
Rau lang đã được xem là một loại thực phẩm giúp ngăn ngừa ung thư mạnh mẽ, chống lại các tế bào ung thư khác nhau bao gồm ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại trực tràng và tế bào ung thư phổi nhờ hàm lượng anthocyanin và polyphenol cao.
Rau lang có tác dụng ngừa ung thư hiệu quả
Bảo vệ gan
Nghiên cứu đã chứng minh rằng anthocyanin của rau lang tím làm giảm sự tích tụ của các gốc tự do có tính oxy hóa mạnh trong tế bào. Hơn nữa, anthocyanin cũng làm giảm sự chết tế bằng cách giảm mức độ oxy hóa trong nội bào, peroxid hóa lipid và bằng cách tăng cường mức độ enzyme bảo vệ tế bào gan.
Rau lang có chứa anthocyanin giúp bảo vệ gan
Chống viêm
Các thành phần trong rau lang như cyanidin và quercetin, đã được quan sát cho thấy tác dụng chống viêm thông qua việc giảm protein kinase - một loại enzyme đóng vai trò quan trọng trong quá trình truyền tín hiệu và điều chỉnh nhiều hoạt động tế bào, bao gồm phản ứng viêm.
Hơn nữa, chiết xuất rau lang tím làm giảm phản ứng viêm thần kinh bằng cách ức chế sản xuất các chất trung gian gây viêm, chẳng hạn như nitric oxit synthase cảm ứng (iNOS), cyclooxygenase 2 (COX-2), oxit nitric (NO) và TNF-α. Khả năng chống viêm thần kinh của rau lang được coi là có liên quan đến đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ của nó.
Hỗ trợ điều trị tiểu đường
Rau lang chứa một số thành phần cho thấy tác dụng tiềm năng chống lại bệnh tiểu đường. Axit chlorogenic làm giảm sự giải phóng glucose vào máu, từ đó giảm chỉ số đường huyết, mang lại lợi ích cho bệnh nhân tiểu đường và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Hoạt động hạ đường huyết và chống tăng đường huyết của rau lang được thể hiện thông qua sự kích thích bài tiết peptide-1 giống glucagon (GLP-1). Ngoài ra, axit phenolic, dẫn xuất axit caffeoylquinic và anthocyanin được phát hiện là một trong những tác nhân chính gây hạ đường huyết trong rau lang.
Rau lang giúp ngăn ngừa tăng đường huyết quá mức
Kháng khuẩn
Rau lang được cho là có tiềm năng trong hoạt động kháng khuẩn. Polysaccharides được coi là chất kháng khuẩn chính trong thành phần của rau lang. Tuy nhiên, cần có những nghiên cứu sâu hơn để làm rõ hoạt động kháng khuẩn của rau lang và các cơ chế liên quan.
Rau lang có tác dụng kháng khuẩn nhờ vào thành phần polysaccharides
Trị buồn nôn, ốm nghén
Rau lang giàu vitamin B6, giúp giảm cảm giác buồn nôn cho phụ nữ mang thai trong giai đoạn đầu của thai kỳ, khi thường xuyên bị ốm nghén, chán ăn hoặc ăn uống không ngon miệng.
Bổ sung rau lang vào thực đơn cho bà bầu góp phần giảm tình trạng ốm nghén
Thanh nhiệt, giải độc
Vào những ngày nắng nóng hoặc khi cơ thể đang bị nhiệt, việc thêm rau lang vào bữa ăn là lựa chọn tốt vì rau lang có tính thanh nhiệt, giúp làm mát cơ thể.
Ăn rau lang giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể
Cải thiện sức khỏe tim mạch
Tại châu Phi và Indonesia, rau lang được dùng như một phương thuốc truyền thống để hỗ trợ điều trị các bệnh tim mạch.
Các hợp chất như flavonoid và quercetin có trong rau lang giúp giảm hấp thu acid béo ở ruột bằng cách điều chỉnh các enzym tham gia vào quá trình chuyển hóa lipid và giảm sự biểu hiện của các yếu tố phiên mã liên quan đến tổng hợp triglycerid và cholesterol.
Đồng thời, quercetin còn ức chế hoạt động của enzyme lipase tuyến tụy, ngăn chặn sự hấp thu cholesterol và triglycerid thông qua các chất vận chuyển tại biểu mô.
Rau lang làm giảm sự hấp thu acid béo góp phần bảo vệ sức khỏe tim mạch
Giàu vitamin K
Có nhiều loại thực phẩm bổ sung vitamin K cho cơ thể và rau khoai lang là một trong những nguồn cung cấp phong phú nhất. Vitamin K là một dưỡng chất thiết yếu, hỗ trợ quá trình đông máu, giúp vết thương mau lành, đồng thời giảm đau bụng kinh và các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt.
Ngăn ngừa loãng xương
Phụ nữ sau mãn kinh thường đối mặt với nguy cơ loãng xương do sự mất cân bằng canxi trong xương. Việc bổ sung vitamin K từ rau khoai lang có thể giúp điều chỉnh lượng canxi trong xương. Hơn nữa, khi kết hợp vitamin D với vitamin K, quá trình hồi phục sau gãy xương sẽ được cải thiện nhanh chóng.
Rau lang giàu canxi giúp ngăn ngừa loãng xương, hồi phục nhanh sau gãy xương
Ngăn ngừa táo bón
Rau lang có chứa nhiều chất xơ giúp nhuận tràng và chữa táo bón hiệu quả. Ngoài ra, chất nhựa từ lá khoai lang cũng có tác dụng nhuận tràng, ngăn ngừa chứng táo bón.
Rau lang giàu chất xơ, tốt cho hệ tiêu hóa
Giảm cân
Trước đây, thừa cân và béo phì thường là nỗi lo của phụ nữ, đặc biệt là sau khi mang thai và nuôi con nhỏ. Hiện nay, béo phì đã trở thành vấn đề phổ biến ở tất cả các nhóm tuổi và giới tính, kèm theo nguy cơ cao mắc các bệnh liên quan đến đường huyết và tim mạch.
Nếu bạn đang gặp phải vấn đề này, hãy thử ăn rau lang trước bữa ăn. Rau lang có thể giúp làm đầy dạ dày, tạo cảm giác no lâu và giảm cơn thèm tinh bột. Dần dần, cơ thể của bạn sẽ được cân bằng và cân nặng sẽ được cải thiện hiệu quả hơn.
4 Một số bài thuốc có sử dụng rau lang
- Chữa đau lưng, mỏi gối do thận âm hư: Lá khoai lang tươi non 30 g, mai rùa 30 g, sắc kĩ lấy nước uống.
- Thanh nhiệt và giải độc: Rau lang luộc, hấp hoặc nấu canh xen kẽ trong các bữa ăn để thanh nhiệt.
- Chữa mụn nhọt: Lá khoai lang giúp hút mủ nhọt đã vỡ bằng cách dùng rau lang non, đậu xanh, thêm chút muối và giã nhuyễn, bọc vào vải đắp vào vết mụn.
- Chữa táo bón: Để nhuận tràng thì dùng rau lang tươi luộc chín, không dùng rau lang còn sống vì sẽ có tác dụng ngược lại là gây táo bón.
- Chữa thiếu sữa ở bà bầu: Rau lang tươi non 250 g, thịt lợn 200 g thái chỉ, xào chín mềm và thêm gia vị vừa ăn.
- Chữa quáng gà: Sử dụng rau lang non xào gan gà hoặc gan lợn.
Rau lang luộc hay hấp là món ăn có tác dụng thanh nhiệt hiệu quả
5 Lưu ý khi sử dụng rau lang
Rau lang là loại thực phẩm lành tính, chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, sử dụng rau lang không đúng cách có thể kéo theo một số tác dụng không mong muốn. Vì vậy, bạn cần ghi nhớ những lưu ý quan trọng sau trước khi chế biến và sử dụng loại rau này:
- Không ăn rau lang khi đói để tránh bị hạ đường huyết quá mức.
- Rau lang chứa nhiều chất xơ có lợi cho hệ tiêu hóa, nhưng nên tránh ăn sống vì có thể gây táo bón. Thay vào đó, bạn nên luộc hoặc xào rau lang trước khi ăn để hấp thu dinh dưỡng một cách hiệu quả và chỉ nên ăn lượng vừa phải để tránh các vấn đề tiêu hóa.
- Rau lang nên được kết hợp với các thực phẩm giàu chất đạm để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.
- Nếu dùng nước rau lang luộc để chữa bệnh thì bạn nên chắt nước thứ nhất đi rồi luộc lại để lấy nước thứ hai. Lần luộc thứ 2 này sẽ cho nước rau không bị hăng và chát.
- Hàm lượng canxi có trong rau lang là tương đối lớn và còn có acid oxalic nên nếu ăn nhiều dễ dẫn đến sỏi thận. Vì vậy, khi ăn rau lang cần kết hợp với các thực phẩm khác để cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng nhiều hơn, ăn với tần suất và lượng vừa phải.
Nên kết hợp rau lang với các loại thực phẩm khác nhau để cân bằng dưỡng chất
Xem thêm:
- 17 tác dụng của rau mồng tơi và tác hại khi dùng sai cách bạn nên biết
- Rau diếp cá có tác dụng gì? 17 lợi ích và lưu ý khi sử dụng diếp cá
Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin bổ ích về công dụng của rau lang tới bạn đọc. Hãy chia sẻ bài viết này đến gia đình và bạn bè để bổ sung vào thực đơn gia đình thêm một món ăn ngon và bổ dưỡng nhé!
Bạn đang xem bài viết Rau lang là gì? 13 tác dụng của rau lang với sức khỏe bạn cần biết tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].