Thông thường chiếc răng sữa đầu tiên mọc khi trẻ được 6 tháng tuổi, và phần lớn trẻ mọc đủ 20 răng sữa (10 răng ở hàm trên và 10 răng ở hàm dưới) trước khi lên 3 tuổi.
Sau đó, các răng sữa sẽ rụng dần và được thay thế bằng răng vĩnh viễn tương ứng. Thời gian, và tốc độ mọc răng sữa và thay răng vĩnh viễn có thể khác nhau, sớm hay chậm hơn vài tháng vẫn là bình thường, do vậy cha mẹ đừng quá lo lắng.
Thời gian mọc răng sữa:
– 6-8 tháng tuổi: mọc 4 răng cửa giữa (2 răng cửa giữa dưới mọc đầu tiên, tiếp theo là răng cửa giữa trên)
– 9-12 tháng tuổi: mọc 4 răng cửa bên
– 12- 15 tháng tuổi: mọc 4 răng hàm sữa thứ nhất
– 18- 21 tháng tuổi: mọc 4 răng nanh sữa
– 24- 30 tháng tuổi: mọc 4 răng hàm sữa thứ hai.
Thời gian mọc răng vĩnh viễn và thay răng sữa:
Đến thời kỳ thay răng, chân răng sữa sẽ tiêu, răng sữa lung lay và rụng để răng vĩnh viễn mọc lên. Răng nào mọc trước sẽ thay trước
– 5-7 tuổi: 4 răng cửa giữa vĩnh viễn mọc (2 răng cửa giữa trên và 2 răng cửa giữa dưới) thay cho các răng cửa giữa sữa
Thời gian này trẻ cũng mọc 4 răng hàm thứ nhất ( răng số 6) sau răng hàm sữa thứ hai.
Lưu ý đây là răng vĩnh viễn, không thay.
– 7-8 tuổi: các răng cửa bên vĩnh viễn mọc, thay các răng cửa bên sữa
– 9-10 tuổi: các răng tiền hàm thứ nhất mọc, thay các răng hàm sữa thứ nhất
– 10-11 tuổi: thay các răng nanh sữa
– 11-12 tuổi: các răng tiền hàm thứ hai mọc, thay các răng hàm sữa thứ hai
Thời gian này trẻ cũng mọc các răng hàm thứ hai sau răng hàm thứ nhất răng số 7) và đây cũng là răng vĩnh viễn, không thay.
Dấu hiệu trẻ mọc răng và chăm sóc trẻ
Một số trẻ mọc răng sữa bình thường, không có dấu hiệu khác thường nào, nhưng một số trẻ khác có thể ít ngủ, mệt mỏi và quấy khóc khi mọc răng, mẹ nên chăm sóc, vỗ về trẻ.
Các dấu hiệu sau cũng có thể thấy khi trẻ mọc răng:
– Sốt nhẹ. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C, có thể cho uống thuốc hạ sốt (theo chỉ dẫn của bác sĩ).
– Chảy nước miếng
– Nướu tại chỗ răng đang nhú lên có thể sung đỏ, trẻ thường thích cắn gì đó (ngón tay, đồ chơi). Chú ý vệ sinh răng miệng tốt cho trẻ và đồ chơi.
– Biếng ăn: Sự khó chịu sẽ khiến trẻ biếng ăn. Nên cho trẻ ăn nhiều lần và cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu.
– Có thể bị tướt (đi ngoài phân loãng hay sệt) 3-4 lần trong ngày, chú ý cho trẻ uống nhiều nước. Nếu trẻ đi ngoài loãng nhiều hơn nên đưa bé đến bác sĩ khám.
Tại sao phải chăm sóc hàm răng sữa?
Một số phụ huynh nghỉ là răng sữa sẽ được thay nên không chú ý. Thực ra, răng sữa rất quan trọng trong sự phát triển thể chất của trẻ (ăn nhai, phát âm) và thẩm mỹ.
Răng sữa giữ chỗ cho răng vĩnh viễn tương ứng trên cung hàm, giúp răng vĩnh viễn mọc lên đúng chỗ và giúp xương hàm phát triển bình thường. Muốn có hàm răng vĩnh viễn đẹp đều thì cần giữ răng sữa.
Bạn đang xem bài viết Quá trình mọc răng sữa và thay răng ở trẻ tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].