Phụ nữ Hà Nội thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng: Xây văn minh, tạo lịch sự ở các di tích, danh lam

Mô hình "Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử kiểu mẫu" được Hội LHPN Hà Nội triển khai từ tháng 12/2022 nhằm tuyên truyền sâu rộng tới các hội viên phụ nữ và nhân dân toàn TP thực hiện ứng xử văn minh nơi công cộng.

Hà Nội có 5.922 di tích và việc xây dựng nếp sống văn minh tại di tích, nơi thờ tự là nội dung quan trọng của thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Tại Kế hoạch số 210/KH-UBND về tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn giai đoạn 2022-2025, UBND TP đề xuất Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố xây dựng mô hình “Danh lam thắng cảnh, Di tích lịch sử kiểu mẫu”, với ít nhất 40 mô hình trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2025.

Hội LHPN TP đã triển khai mô hình này từ tháng 12/2022, mục tiêu giúp các di tích, danh lam trở nên xanh, sạch, đẹp hơn; đồng thời hạn chế những biểu hiện tiêu cực trong văn hóa ứng xử khi tham quan di tích. 

Những di tích lịch sử kiểu mẫu

Khu di tích Cổ Loa (huyện Đông Anh) là hệ thống di tích có giá trị độc đáo về mặt kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, gắn liền với các giai đoạn văn hoá của người Việt, bao gồm 7 điểm di tích mang nhiều giá trị về văn hoá, lịch sử như Thành Cổ Loa, Đền thờ vua An Dương Vương, Đình Ngự triều Di quy, Am thờ Mỵ Châu, Chùa Bảo Sơn, Chùa Mạch Tràng, Đình Mạch Tràng.

Ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đây là điểm Di tích lịch sử thu hút đông đảo khách tham quan, dụ lịch trong và ngoài nước đến thăm quan chiêm bái.

Khu di tích Cổ Loa (huyện Đông Anh) đã trở thành Di tích lịch sử kiểu mẫu.

Khu di tích Cổ Loa (huyện Đông Anh) đã trở thành Di tích lịch sử kiểu mẫu.

Tuy nhiên, quần thể di tích nằm rải rác, xen lẫn với trên 600 hộ dân thuộc phố chợ, thôn Chùa, thôn Mít. Tại điểm di tích còn tồn tại một số hộ dân kinh doanh tự phát, vệ sinh môi trường, xử lý rác thải có lúc chưa mỹ quan, sạch đẹp, hệ thống cây xanh, cây hoa trang trí tại khu vực Đền, Đình, Am Mỵ Châu còn chưa phong phú, ấn tượng; chưa có hệ thống bảng biểu tuyên truyền về thực hiện bộ quy tắc ứng xử…

Trước thực trạng của di tích, thực hiện mô hình “Danh lam thắng cảnh, Di tích lịch sử kiểu mẫu” do Hội LHPN phát động để tuyên truyền sâu rộng ứng xử văn minh nơi công cộng, Hội LHPN huyện Đông Anh đã chọn Khu di tích Cổ Loa để xây dựng "Di tích lịch sử kiểu mẫu". 

Hội tập trung cho công tác vệ sinh môi trường, chỉ đạo Hội Phụ nữ xã Cổ Loa và 5 đơn vị trong cụm thi đua số 1 (Mai Lâm, Xuân Canh, Đông Hội, Tàm Xá, Vĩnh Ngọc) tập trung lực lượng tổ chức 5 đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường toàn bộ Khu di tích, các trục đường chính dẫn vào khu di tích. Đầu tư trồng mới, chăm sóc 61 bồn cây xanh trên trục đường chính vào khu di tích với nhiều loại cây như: cây lan chi, bảy sắc cầu vồng, hoa mười giờ….

Tuyên truyền hội viên, người dân nâng cao chất lượng công tác phân loại rác thải tới người dân và du khách. Hội đã phát động ngày hội chống rác thải nhựa thông qua việc thu gom chai nhựa, phế thải bằng nhựa trong cụm thi đua số 1, huy động cán bộ hội viên cùng tự tay thực hiện.

Hội LHPN huyện đã hỗ trợ kinh phí 10 triệu đồng để thiết kế, thực hiện 9 thùng rác tái chế đặt tại các điểm trung tâm của khu di tích, nhằm tuyên truyền du khách đến với di tích bỏ vỏ của các loại đồ uống vào thùng rác tái chế. Số chai lọ nhựa được cán bộ hội thu gom thường xuyên để tiếp tục làm các thùng rác và đồ tái chế tại các điểm sinh hoạt cộng đồng nhằm lan tỏa thông điệp.

Với các hộ gia đình quanh khu vực di tích, Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh thôn, xã và đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện các quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các di tích Đình, Đền, Chùa và các điểm di tích trên địa bàn xã; triển khai vận động, hướng dẫn và ký cam kết đến các hộ kinh doanh, các hộ gia đình đang sinh sống, bán hàng tại các khu di tích.

Đặc biệt, Hội lắp đặt biển bảng tuyên truyền về thực hiện Quy tắc ứng xử tại Di tích lịch sử kiểu mẫu tại tất cả các điểm chính của Khu di tích. Tuyên truyền có hiệu quả việc ứng xử văn minh, lịch sự nơi di tích như: luôn chào nhau bằng nụ cười, sẵn sàng nói cảm ơn, xin lỗi. Ứng xử văn minh, lịch sự và thân thiện. Trang phục phù hợp, không tạo dáng phản cảm để quay phim, chụp ảnh. Giữ gìn vệ sinh môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định. Tôn trọng văn hóa, phong tục tập quán địa phương. Không khắc, vẽ lên tường, tượng hay công trình kiến trúc Không phá cây xanh, hoa, cỏ, xâm hại cảnh quan Không chèo kéo, bám theo du khách.

Công trình nhỏ ý nghĩa lớn

Cụm di tích đình An Hòa – chùa Báo Ân, phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cũng vừa được Hội LHPN quận Cầu Giấy chọn là nơi thực hiện Di tích lịch sử kiểu mẫu. 

Cụm di tích đình An Hòa – chùa Báo Ân, phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cũng vừa được Hội LHPN quận Cầu Giấy chọn là nơi thực hiện Di tích lịch sử kiểu mẫu.

Cụm di tích đình An Hòa – chùa Báo Ân, phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cũng vừa được Hội LHPN quận Cầu Giấy chọn là nơi thực hiện Di tích lịch sử kiểu mẫu.

Hai di tích đình An Hòa và chùa Báo Ân nằm gọn trên địa bàn làng An Hòa xưa, một trong hai làng cổ của phường Yên Hoà, nằm ở cửa ngõ phía Tây của kinh thành Thăng Long – Hà Nội, là một địa danh có truyền thống lâu đời về lịch sử, văn hoá. Cụm di tích lịch sử, văn hoá của làng gồm có: chùa Báo Ân, đình An Hoà và miếu Dưới, trong đó chùa Báo Ân và đình An Hòa là 2 di tích được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng cấp quốc gia năm 1994; Di tích miếu Dưới được UBND Thành phố xếp hạng di tích năm 2018.

Ngoài ra, làng An Hoà có lễ hội dân gian truyền thống từ lâu đời, một di sản văn hoá phi vật thể của địa phương được tổ chức hàng năm vào các ngày từ mùng 10 đến 12/2 (Âm lịch). Trải qua suốt chiều dài lịch sử, những giá trị văn hoá tinh thần đó vẫn luôn được các thế hệ trong nhân dân và cáccấp lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương qua các thời kỳ gìn giữ, bảo tồn, lưu truyền và phát huy cho tới ngày nay.

Để việc thực hiện cụm di tích này trở thành di tích lịch sử kiểu mẫu,  Hội LHPN quận Cầu Giấy phối hợp với UBND phường Yên Hòa đã tổ chức ra mắt mô hình “Phụ nữ tham gia xây dựng Khu di tích lịch sử kiểu mẫu thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng”. Các hội viên phụ nữ tích cực giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan khu di tích luôn xanh, sạch, đẹp; tuyên truyền để các nữ tiểu thương kinh doanh tại khu vực di tích luôn ứng xử văn minh, niềm nở, chuẩn mực.

Hội thành lập nhóm nòng cốt tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi thờ tự tại Cụm di tích lịch sử văn hóa Đình An Hòa. Nhóm có nhiệm vụ tuyên truyền vận động, nhân dân trên địa bàn quận, phật tử, khách thập phương đến cơ sở thờ tự trên địa bàn thực hiện đúng các nội dung, yêu cầu của Quy tắc ứng xử do UBND thành phố Hà Nội ban hành như: mặc đúng trang phục nơi thờ tự (không mặc áo quá trễ ngực, quần đùi, váy ngắn trên đầu gối); không nói tục chửi bậy, không mang vàng mã vào chùa, không xả rác bừa bãi ở khuôn viên nơi thờ tự.

Hội gắn Bảng mã QR giới thiệu di tích, trích bản Quy tắc ứng xử nơi công cộng, bộ sản phẩm phân loại rác thải và các ghế đá trong di tích…

“Chúng tôi xác định công trình nhỏ mang ý nghĩa lớn, vừa góp phần tạo sự văn minh cho những người quản lý di tích cũng như người dân đến chiêm bái nhưng đồng thời vừa thể hiện sự trân trọng với các di tích lịch sử, góp phần làm tăng những giá trị đích thực của di tích trong cộng đồng” - Chủ tịch Hội LHPN quận Nguyễn Kim Lê cho biết.

Từ tháng 7/2023, các cấp Hội đã tiếp tục nhân rộng mô hình “Danh lam thắng cảnh, Di tích lịch sử kiểu mẫu” đến 35 điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Bên cạnh đó, nhiều địa phương, đoàn thể tiếp tục triển khai mô hình “Di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn”. Điều này sẽ góp phần tạo nền nếp ứng xử văn minh, tạo cảnh quan sạch đẹp cho các di tích trên địa bàn thành phố.

Mai Hà

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính