Khó ăn uống, khó thở - Coi chừng u tuyến giáp
Bệnh nhân N.T.C. (78 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) phát hiện có khối u tuyến giáp cách đây 15 năm, nhưng không điều trị do khối u lành tính.
Tuy nhiên, khoảng 4 năm trở lại đây, khối u tuyến giáp của bệnh nhân to dần và gây khó khăn trong sinh hoạt. Cách đây 4 ngày, người bệnh nhập BV ĐK Đức Giang trong tình trạng khó thở độ một, giọng khàn, hạn chế quay cổ, ăn uống khó.
Sau khi bác sĩ thăm khám, thực hiện các chỉ định cận lâm sàng cần thiết, kết quả siêu âm và chụp CT Scaner cho thấy, hai thùy kích tuyến giáp thước rất lớn, có nhiều khối tỷ trọng hỗn hợp, một vài khối trong có vôi hóa, các khối phát triển lan rộng ra xung quanh gây chèn ép dây thanh và các cấu trúc lân cận, phát triển sâu xuống trung thất, vượt qua đường nối giữa hai khớp ức đòn. Thùy phải có khối hỗn hợp âm, khối lớn kích thước 6,7 x 3,1 cm; thùy trái có nhiều khối hỗn hợp bờ đều, khối lớn kích thước 8,3 x 5,8cm.
Bệnh nhân được chẩn đoán có u nang lành tính ở tuyến giáp rất lớn, chèn ép đường thở, mạch máu, chỉ định phẫu thuật bắt buộc.
Sau hơn 1 giờ đồng hồ phẫu thuật, các bác sĩ đã bóc tách được khối u tuyến giáp khủng. Khối u bóc ra chia thành hai phần, đều có kích thước gần bằng quả bưởi, nặng gần 1 kg. Sau ca phẫu thuật, sức khỏe người bệnh ổn định, dự kiến sẽ ra viện sau khoảng 5 - 7 ngày điều trị.
Điều trị u tuyến giáp thế nào?
Theo BSCKII Cung Đình Hoàn – Trưởng khoa Tai Mũi Họng, BV ĐK Đức Giang, người thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân, trường hợp bệnh nhân C., khối u quá to nên làm biến dạng toàn bộ vùng cổ và toàn bộ mốc giải phẫu.
“Khó nhất của ca bệnh này là khi mổ ở thùy bên trái, khối u đã đẩy toàn bộ khí quản lệch khỏi vị trí ban đầu. Chúng tôi vận dụng kinh nghiệm và cẩn thận phẫu thuật từng lớp để bóc tách nguyên vẹn khối u.
Còn một khó khăn nữa khi gây mê cho người bệnh đó là kíp gây mê đã chuẩn bị kỹ các phương tiện đặt nội khí quản, nhưng phải đặt ống lần thứ 4 mới thành công và phải dùng ống cúp kết hợp đèn trên mới đặt được nội khí quản cho bệnh nhân. Nguyên nhân là do khối u quá to, chèn ép đường thở” – BS Hoàn chia sẻ.
Bác sĩ cho biết thêm, khối u tuyến giáp rất dễ phát triển lớn, gây ảnh hưởng thẩm mỹ và cuộc sống của người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Bộ Y tế và thế giới thống nhất chỉ định phẫu thuật khi khối u tuyến giáp có đa nhân, kích thước lớn, nghi ngờ ung thư. Do đó, bác sĩ khuyến cáo mọi người nên kiểm tra định kỳ 3 - 6 tháng, chọc hút tế bào để phát hiện sớm nếu bệnh tiến triển thành ung thư.
Những dấu hiệu cảnh báo u tuyến giáp cần đi khám sớm
- Sờ thấy một khối ở vùng cổ
- Khàn tiếng
- Nuốt vướng khi u chèn ép vào thực quản
- Khó thở khi u xâm lấn vào khí quản
- Ở giai đoạn muộn hơn, người bệnh có thể sờ thấy hạch cổ hoặc các triệu chứng của di căn xa như đau xương trong di căn xương...
An AnBạn đang xem bài viết Phát hiện u tuyến giáp nhờ triệu chứng khó ăn, khó thở tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].