Tai nạn trong thời gian làm việc ở thuyền nuôi cá hồi
Câu chuyện của Abby đã xảy ra từ năm 2016, tuy nhiên gần đây mới được biết đến do Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ công bố như một ca bệnh lạ.
Abby Beckley lớn lên ở một nông trại vùng Oregon, cô rất yêu thích môi trường tự nhiên với đầy các loài gia súc sống xung quanh.
Cô cũng hào hứng với du lịch, vì vậy, tháng Bảy 2016, cô đã kết hợp cả 2 sở thích này bằng cách đi làm cho một thuyền cá hồi thương mại tại vùng Craig, Alaska. Chỉ một vài tuần làm việc trên thuyền, cô bắt đầu thấy những triệu chứng khó chịu ở mắt.
“Mắt trái của tôi đã thực sự ngứa và đỏ, mí mắt của tôi thì co lại. Tôi cũng thấy nhức nửa đầu” – cô gái nhớ lại.
Sau đó cô phải trải qua 5 ngày chờ đợi đầy khó chịu cho đến khi con thuyền quay trở lại cảng. Ở đây, Beckley tìm thấy một cái gương tốt và nhìn sâu vào mắt mình, ấn tay vào phần đáy mắt, và cô thực sự choáng vì thứ mà mình đã tìm ra.
Đó là một con giun còn sống, dài tới hơn 1 cm.
Những người trên thuyền tin rằng đó là một con ký sinh trùng sống trên cá hồi, tuy nhiên họ không tìm thấy một trường hợp bệnh tương tự nào trên Internet.
Beckley tìm gặp một bác sĩ ở địa phương, một chuyên gia nhãn khoa nhưng cũng không có thêm thông tin gì.
Theo sự hối thúc của gia đình và bạn bè, Beckley quay trở về nhà ở Oregon để khám ngay sau đó.
Các bác sĩ đầu tiên khá nghi ngờ vì họ chưa bao giờ thấy có trường hợp nhiễm giun trong mắt. Thật may mắn, sau 30 phút chờ đợi, những con giun cũng chui ra khỏi chỗ trú ẩn.
“Tôi cảm thấy có gì đó ngọ nguậy trong mắt mình và nói với bác sĩ ‘Hãy nhìn ngay đi’. Tôi không bao giờ quên được biểu hiện trên mặt họ khi họ nhìn thấy chúng di chuyển ngang dọc trong mắt tôi” – Beckley nhớ lại.
Cách can thiệp kỳ lạ của bác sĩ
Các bác sĩ cho biết Beckley là trường hợp mắc căn bệnh hiếm gặp, trước cô chỉ có 10 người được phát hiện có vấn đề tương tự trên toàn Bắc Mỹ.
Những con giun được lấy ra khỏi mắt Beckley và gửi đi xét nghiệm, trong thời gian đó cô thường xuyên đến bệnh viện của trường đại học bang Oregon để kiểm tra tầm nhìn, rửa mắt để làm cho những con giun còn lại trôi ra.
Tuy tầm nhìn của Beckley thì vẫn ổn, nhưng việc rửa mắt không đem lại tác dụng gì.
Kỳ lạ là trong khi Beckley có thể tự dùng tay kéo những con giun ra khỏi mắt, thì tại phòng khám, mọi biện pháp đều vô ích. Vì những con giun cư trú ở mắt, rất gần não nên Beckley vô cùng lo lắng
“Tôi cố gắng không suy nghĩ tiêu cực, như chuyện những con giun sẽ làm mặt tôi bị liệt, ảnh hưởng đến não hoặc tầm nhìn của tôi... Tôi chắc chắn đang gặp khó khăn, nhưng tôi cũng bắt đầu cười đùa, bởi vì tôi phải tìm cách đối phó với điều này” –Beckley nhớ lại.
Điều đặc biệt là ngoài biện pháp rửa mắt, các bác sĩ không cho Beckley uống bất cứ loại thuốc chống ký sinh nào.
Họ lo ngại rằng thuốc gây ra xác những con giun trong mắt cô, điều này sẽ làm mắt cô bị thương tổn.
20 ngày sau khi kéo ra con giun đầu tiên từ mắt, Beckley phát hiện ra không còn con giun nào nữa. Tổng cộng cô đã tự kéo ra 14 con giun từ một bên mắt của mình. Từ đó đến nay cô không phát hiện thấy con giun nào nữa và không có biến chứng gì về thị lực.
Giun ở mắt là căn bệnh phổ biến ở động vật
Các loài gia súc như chó, mèo, lợn, cừu... và một số động vật hoang dã mắc bệnh giun ở mắt khá phổ biến.
Ấu trùng đầu tiên xuất hiện trong hệ tiêu hóa của một loài ruồi chuyên ăn chất dịch từ mắt của các động vật.
Khi ruồi đậu vào mắt động vật, ấu trùng từ ruồi chuyển sang vật chủ mới. Chúng lớn lên thành giun và sinh sản dưới mi mắt vật chủ.
Với những vật chủ không được chữa trị, chúng có thể mất một phần khả năng nhìn hoặc thậm chí bị mù vì những con giun này.
Rất hiếm trường hợp ruồi gây bệnh cho người, và Beckley là một trường hợp các bác sĩ vẫn không xác định bằng cách nào ấu trùng có thể tấn công mắt của cô.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết Phát hiện 14 con giun trong mắt cô gái và cách điều trị kỳ lạ của bác sĩ tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].