Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

[Nơi tôi sống] Văn hóa làng trong dòng chảy hội nhập

Hầu hết mỗi người dân Việt Nam sinh ra đều gắn với văn hóa làng, truyền thống làng, bản sắc làng. Dấu ấn làng, xã theo ta suốt từ thuở thiếu thời cho đến khi trưởng thành và trở thành sức mạnh tiềm tàng trong mỗi người, mỗi vùng quê.

Sức mạnh văn hóa làng

Tuần trước tôi đưa vợ con về quê, cũng gần hai năm giờ tôi mới có dịp đưa cả gia đình về thăm quê, thăm bố mẹ. Khi ngồi chưa ấm chỗ thì mẹ tôi bảo:

- Các con thu xếp đi chào hỏi cô bác, chú gì, anh em, bà con lối xóm. “Đất lề, quê thói”, mấy năm trời các con mới về một lần đừng để người ta chê trách.

Mẹ không nhắc thì tôi cũng biết điều đó, đã bao đời nay, sau lũy tre làng, các thế hệ người dân quê tôi lớn lên, rồi đi xa lập nghiệp, dù có làm ông này, bà nọ, giàu sang phú quý hay chỉ là kẻ cu li, làm thuê cuốc mướn, thì khi về quê, điều đầu tiên họ nghĩ đến và việc đầu tiên họ phải làm là đi thăm hỏi người già, trưởng tộc, anh em, bà con lối xóm.

Người nào có điều kiện thì biếu tấm bánh, gói quà, gọi là tấm lòng của người đi xa đối với những người ở lại xây dựng quê hương.

Những ngày tiếp đó, là bà con, lối xóm đến thăm hỏi người đi xa về, bên bát nước chè xanh đặc quánh, thơm phức, những câu chuyện của kẻ đi người ở râm ran cả xóm làng.

Một điều thú vị nữa, là ai đó đi xa về, tính từ khi bước chân vào cổng làng thì chưa đầy ba mươi phút sau từ đầu làng đến cuối làng đều biết tin con ông này, cháu bà kia đi xa về.

Nếu ai đó không đến chào hỏi thì cũng đừng hòng mong họ đến nhà mình chơi, vì người quê tự trọng lắm, họ sợ bị mang tiếng là “ăn chực” của người đi xa về.

Một số người cho rằng “người nhà quê lắm chuyện”, “nhỏ nhặt”,… Đó là những cái nhìn kỳ thị, thiển cận của những kẻ kém hiểu biết, thiếu văn hóa.

Hãy xem cách những người nhà quê giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, khi cha già, mẹ yếu, việc hiếu, việc hỷ… không ai bảo ai, mỗi người một tay xúm vào lo cho gia chủ “trong ấm, ngoài êm”, mới thấy được cái tình làng, nghĩa xóm, tắt lửa tối đèn có nhau.

Người nhà quê sống với nhau nặng tình, nặng nghĩa, quan hệ láng giềng ràng buộc con người trong nếp sống làng, xã có kỷ cương, trong sáng và thanh cao.

Phía sau những rặng lúa, lũy tre là những tâm hồn yêu quê hương, đất nước cháy bỏng, đoàn kết chòm xóm, không quên cội nguồn, tôn ti trật tự trong làng, dòng họ và gia đình.

Sự gắn kết cộng đồng làng, xã là một nét văn hóa đặc sắc, riêng có ở Việt Nam. Cũng vì vậy, mà hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, có những giai đoạn lịch sử, chúng ta mất nước nhưng không bao giờ mất làng.

Kẻ thù tìm mọi cách triệt phá nền văn hóa của dân tộc, đồng hóa người Việt. Nhưng không những chúng không đồng hóa được người Việt mà còn bị người Việt đồng hóa lại; cốt cách, tâm hồn của người Việt sau những làng quê lam lũ vẫn sáng lấp lánh.

Sức mạnh của văn hóa làng đã làm nên sức mạnh của dân tộc, của đất nước đánh đuổi mọi bè lũ xâm lăng.

Hãy giữ lấy "hồn quê"

Nằm trong dòng chảy phát triển, hội nhập và chính sách xây dựng nông thôn mới, quê tôi giờ cũng có nhiều đổi thay, nhiều nhà kín cổng cao tường, những câu chuyện bên bát nước chè xanh cũng thưa dần, thay vào đó là những con “phố làng” với các loại dịch vụ.

“Trai quê’, “gái quê” giờ cũng quần Jeans, áo pull, thích đi xe phân khối lớn, thích nghe nhạc sàn hơn là dân ca. Nói chung, không chỉ có những cái nhìn được, sờ được, mà cả phong cách sống, phong cách tư duy của người dân quê tôi đang biến đổi rất nhanh chóng, mạnh mẽ và sâu sắc. Cái tốt hiển hiện, cái xấu cũng bộc lộ rõ nét.

Nếu xét dưới góc độ văn hóa là dòng chảy không ngừng nghỉ, những giá trị, chuẩn mực văn hóa mang tính lịch sử, thì sự đổi thay ở quê tôi nói riêng và nông thôn, nông dân Việt Nam nói chung là một tất yếu.

Khi đã mở cửa hội nhập thì “hoa thơm quả ngọt vào nhưng ruồi nhặng cũng đi theo”. Cái chính là các nhà chức trách và người Việt phải biết mình đang ở đâu trong dòng chảy văn hóa.

Không thể ôm khư khư những gì đang có, cũng không thể mở toang cửa, cho cái gì muốn vào thì vào. Nông thôn mới phải là một nông thôn hiện đại, nhưng mang bản sắc văn hóa Việt, các giá trị văn hóa, “linh hồn” của làng quê Việt tỏa sáng trong thời đại mới.

Có nhiều học giả, nhiều nhà nghiên cứu bàn về giá trị của văn hóa làng dưới các góc độ khác nhau. Nhưng theo tôi (một người sinh ra và lớn lên ở làng) thì trụ cột của văn hóa làng chính là tính cố kết cộng đồng; văn hóa cộng đồng ở làng đã tạo nên sức mạnh của người Việt bao đời nay.

Nó không chỉ là truyền thuyết từ mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, mà thể hiện sinh động trong suốt bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đúc kết: "Ðoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công".

Ngày nay, trong xây dựng nông thôn mới, ngoài việc phát huy các thiết chế văn hóa để xây dựng gia đình, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, giữ vững bản sắc, "hồn quê" Việt thì còn phải phát huy vai trò của dòng họ. Vì ở đó, các giá trị văn hóa của người Việt được lưu giữ từ đời này qua đời khác, trường tồn cùng với đời sống làng, xã Việt Nam.

Nguyễn Anh Sơn

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính