Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

[Nơi tôi sống] Gió tuổi thơ thổi giữa lưng chừng trời

Tôi thấy được sự thay đổi diệu kỳ từ làng lên phố. Dẫu biết sự thay đổi nào cũng phải đánh đổi, nhưng sự đánh đổi để lớn mạnh, để trưởng thành thì cần được trân trọng và hi vọng.

Nhà tôi ở lưng chừng trời. Một khối rubic vuông vắn giữa hàng trăm khối vuông khác. Đồng dạng nhưng không đồng nhất.

Tôi đánh dấu căn hộ của mình bằng những mặc định. Để mỗi lần bạn bè ghé qua, nếu bị lạc giữa những ô vuông đồng màu, tôi sẽ chỉ.

Đó, là nhà tôi đó. Nơi ban công có giàn hoa giấy đỏ. Hết mùa hoa giấy sẽ là hoa hồng, hoa lan… Góc ban công nhỏ ấy mùa nào cũng hoa. Đó là một trong những dấu hiệu định dạng của tôi cho góc sống của mình.

  Nơi ban công nhỏ ấy mùa nào cũng hoa...(Ảnh minh họa)

Nơi ban công nhỏ ấy mùa nào cũng hoa...(Ảnh minh họa)

Đâu phải chỉ nhà đất mới có thể trồng hoa. Khoảng sân nhỏ trên ban công chứa được quá nhiều tiện ích này tôi vẫn dành dụm được không gian cho hoa và cây cảnh.

Tôi trồng được một giàn hoa giấy leo bờ rào. Một khóm hồng tỷ muội. Vài ba chậu mười giờ.

Tôi thấy thế là vừa vặn với sức mình. Phù hợp với khoảng thời gian chật vật của người đàn bà ôm đồm công việc.

Quỹ đất ở thành phố Vinh còn nhiều. Cơ hội để sở hữu nhà đất ở Vinh cũng không quá khó khăn như ở các thành phố lớn.

Tôi đã không thể nghĩ là mình sẽ ở chung cư khi hai bên nội, ngoại vẫn dành chỗ cho chúng tôi trở về.

Nhưng rồi, như một mối lương duyên tiền định, chồng tôi đã đồng ý để tôi chọn nơi này. Căn hộ thiết kế hợp lý, có hai phòng ngủ, phòng bếp, phòng khách.

Nhà có nhiều cửa sổ đón gió và ánh sáng trời. Có ban công nhỏ hướng ra mặt đường lớn. Từ ban công đó tôi nhìn được dòng chảy của phố phường.

Xa hơn nữa tôi thấy được núi Quyết, thấy được ánh mặt trời rủ chiều rơi trên dòng sông Lam.

Đặc biệt là vẫn còn đó khóm tre xanh thấp thoáng phía công trình uy nghi dẫn vào khu đô thị. Tôi thấy ấm áp, an bình mỗi lần bước qua cánh cổng đó.

Như ngày xưa tôi bước vào cổng làng, cùng chơi chuyền, chơi ô ăn quan với lũ bạn ngay dưới gốc tre.

Trước kia, chốn đô hội này là ao rau muống. Phía bên kia ao có con đường đất nhỏ, là lối đi chính dẫn vào làng.

Cha tôi vẫn đi đi về về trên con đường đó mỗi lần rời chỗ làm về nhà. Qua bao nhiêu ổ voi, ổ gà mới về được đến nhà.

Ngôi nhà nhỏ có ngọn đèn Hoa Kỳ đợi sẵn. Mâm cơm tối mẹ nấu còn thơm khói. Trong bữa cơm gia đình cha kể nhiều về phố.

Những câu chuyện của cha lấp lánh đèn đường, sôi động tiếng còi xe và rộn ràng phố xá. Tôi háo hức lắng nghe rồi bí mật giấu diếm những giấc mơ chộn rộn phố phường.

Ngày xưa, Vinh bé tẻo teo. Bắt đầu từ cầu Bến Thủy vòng vèo qua mấy đường phố nhỏ như Trần Phú, Quang Trung, Hà Huy Tập nữa là hết.

Cha chở tôi lên phố bằng chiếc xe đạp khung nam đã tróc hết màu sơn. Ngang qua ao rau muống, qua con đường đất nhiều ổ voi ổ gà, cha dỗ tôi chịu khó, chút xíu nữa thôi là phố. Phố đón tôi bằng âm thanh, bằng màu sắc.

Tôi háo hức đón nhận. Nhưng không có nghĩa là tôi quên ngay được cái cảm giác ê ẩm khi bị dằn xóc. Nỗi ấm ức kéo tôi ngoảnh lại.

Sau lưng tôi là màu xanh của ao rau muống. Trong tâm trí tôi lúc đấy, đó thực sự là một màu xanh mướt mát, dịu dàng. 

[Nơi tôi sống] Gió tuổi thơ thổi giữa lưng chừng trời 1

Tôi ra Thủ đô trọ học. Hà Nội náo nhiệt và sôi động giữ chân tôi bao năm. Tôi quên khuấy ao rau muống mướt mát xanh.

Vinh thì vẫn cứ bé tin hin trong ý nghĩ. Để rồi sau bao năm xuôi ngược, tôi trở lại đất này. Tôi nghĩ nhiều về cha.

Về tuổi thơ tôi lóc cóc theo cha mỗi lần ngang qua ao rau muống. Cha dặn tôi cẩn thận kẻo sẩy chân xuống nước.

Cha chỉ cho tôi biết thế nào là cây rau muống “tăm” (Cọng nhỏ, thẳng, thường chỉ có sau mưa rào) để phân biệt với rau muống bè (thân mập, cọng to, thường có nhiều ở ao tù). Bây giờ, ao rau muống không còn.

Trước mắt tôi là những vuông đất bằng phẳng. Những công trình đã và đang xây dựng. Người ta quy hoạch vùng đất này thành khu đô thị mới.

Trên bản đồ quy hoạch thành phố có thêm một chấm phố xanh xanh được gọi tên Vinh Tân.

Vinh Tân trước khi lên phường là một xã của thành phố Vinh. Trước khi thành xã của Vinh là một xã của Huyện Hưng Nguyên.

Quá trình đô thị hóa đã biến Vinh Tân thành một Vinh mới theo đúng như tên gọi. Những ông trùm bất động sản như Tràng An, Tecco… đã “phù phép" để mảnh đất đầm lầy, tù đọng ngày xưa trở thành mảnh đất vàng.

Tiếng lành đồn xa, người ta kháo nhau đất Vinh Tân hút người phải biết. Bao nhiêu hộ gia đình chọn vùng đất mới này an cư.

Những con người từ miền xuôi, miền ngược quy tụ về đây thành chòm xóm.

Từ lạ thành quen, thành thân sau đôi ba lần gặp gỡ. Chân cầu thang vô tình thành nơi tay bắt mặt mừng.

Bọn trẻ con ríu ran suốt ngày. Ông bảo vệ hiền từ nhắc nhỏ những đứa trẻ nghịch ngợm. Trẻ con chung cư dễ bén hơi nhau.

Chúng chạy qua chạy lại nhà này, nhà kia, tầng trên tầng dưới. An ninh trong khu chung cư đảm bảo cho người lớn một nỗi an tâm khi “thả lỏng” bọn trẻ con tự do tụ tập mỗi chiều.

Tôi yêu nhà tôi lắm. Vì yêu mà tôi chăm chút và thường thực sự trở về. Tôi để những muộn phiền ngoài cánh cửa.

Chỉ cần bước chân lên đại sảnh, nhấn nút mở cửa thang máy, mọi suy nghĩ về sự an bình, yên ổn đã ăm ắp.

Thường thì tôi là người trở về nhà đầu tiên, sau đó chồng tôi đón lũ trẻ từ trường học trở về. Cảm giác lách cách tìm chìa khóa đã thành quen thuộc.

Tôi mở cửa, sẽ đi thẳng xuống bếp để cất đồ. Vòng ra ban công xem mấy cây hoa có gì thay đổi sau một ngày xa chủ.

Tôi vừa làm bếp vừa đợi tiếng gõ cửa của chồng con. Tiếng chí chóe của bọn trẻ trêu nhau ở hành lang hay mỗi bước chân người về cũng thành quen thuộc.

Tôi yêu lắm những âm thanh ấy. Những âm thanh buộc tôi vào với bổn phận. Tôi thuộc về nhà tôi.

Cha tôi không còn nữa. Một nỗi trống vắng. Cha đi sau thời gian tôi ổn định ở chung cư. Phố thì cứ thay đổi từng ngày.

Thực sự tôi rất muốn kể cho cha nghe về sự đổi thay diệu kỳ trên mảnh đất này. Mảnh đất đã in dấu cha tôi ngày hai buổi đi về.

Mảnh đất bao lần vì thương tôi cha chép miệng mơ về một con đường bằng phẳng. Cha có biết chốn hoang sơ ngày ấy bây giờ đã xanh xanh bóng cây, lấp lánh đèn cao áp và cơ man nào là biệt thự, nhà vườn.

Những tuyến phố đơn, phố đôi gặp nhau thành những ô bàn cờ. Chắc là cha không biết được. Vì ngày cha đi, khu phố còn đang dang dở những công trình.

Trên nền đất là ao rau muống ngày xưa bây giờ có nhà tôi, lửng lơ giữa lưng chừng nắng gió.

Tôi coi đó là mối lương duyên cha tôi gieo từ ngày thơ bé. Tôi lại được trở về với vùng đất nuôi dưỡng một phần tuổi thơ tôi.

Tôi thấy được sự thay đổi diệu kỳ từ làng lên phố. Dẫu biết sự thay đổi nào cũng phải đánh đổi, nhưng sự đánh đổi để lớn mạnh, để trưởng thành thì cần được trân trọng và hi vọng.

Tôi cảm nhận được sự vận động và chuyển hóa của một xã hội phát triển khi là cư dân trong khu đô thị này.

Lối vào khu đô thị vẫn còn đó lũy tre. Hồi mới về, tôi đã không hiểu vì sao họ giữ lại. Sau này người giới thiệu mua nhà cho tôi xem bản đồ quy hoạch và có giải thích thêm.

Người ta giữ lại lũy tre để làm biểu tượng trong khu sinh hoạt cộng đồng. Có sân chơi chung dành cho mọi người xung quanh lũy tre này.

Tôi coi đó là sự tinh tế của những con người làm quy hoạch. Lũy tre nhắc ta nhớ về nguồn cội.

Phố đã lớn lên từ làng. Ai cũng thấy nhưng nào ai hiểu được. Có sự đổi thay nào mà không phải đánh đổi?

Chắc làng quê đã phải qua bao phen sóng gió, qua bao nhiêu cân nhắc, thậm chí là phá bỏ những nếp cũ đã thành quen để có được sự bứt phá diệu kỳ này.

Nên những khi một mình, tôi nhớ cha. Tôi chọn góc ban công ấy. Ngoài kia có bờ tre. Có làng quê trong phố. Gió tuổi thơ tôi từ phía đó thổi về.

Nguyễn Hồng

 

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính