Tôi cứ sống như thế cho đến một ngày.
Tôi nhớ hôm đấy là một ngày thứ sáu, tôi đi con xe đạp Nhật đến gần đầu ngõ thì thủng lốp. Tôi dắt bộ nó vào hàng sửa xe đạp của ông cụ đối diện bên đường.
Bình thường tôi cũng không mấy khi để ý hàng sửa xe này lắm, vì đa số thời gian tôi đi xe máy, thỉnh thoảng lắm mới đi xe đạp, mà tự nhiên hôm nay trái gió trở trời sao nó lại thủng săm.
Hàng sửa xe tồi tàn là một vách tôn dựng tạm, vá chằng chịt những bìa các tông, rồi thì vách nứa. Nhà mái lụp xụp có một giàn hoa giấy sà xuống ngang đầu người đứng.
Cửa mở, có một ông già đâu tầm bảy, tám chục tuổi vừa trông xe vừa sửa kiếm dăm ba đồng bạc mỗi ngày.
Tôi dắt xe vào tiệm, hỏi to: “Ông ơi sửa giúp con cái xe cái, thủng lốp rồi hay sao ấy”.
Ông già lãng tai lọ mọ với bộ đồ nghề, kéo cái ghế đẩu ra ngồi cạnh cái xe xẹp lốp của tôi, rồi lại lần mò vừa bơm vừa nắn cái săm. Trời mát. Hôm nay nắng đẹp.
Tôi kéo cái ghế nhựa ra ngồi cạnh ông, nhìn chăm chú. “Hôm nay trời đẹp ông có đi loanh quanh đâu chơi chứ?”- tôi hỏi ông.
Ông già chỉnh cái kính lão dày cộp rồi nói: “Bà nhà mất mấy năm nay rồi, giờ tự cơm cháo nuôi thân còn chưa xong chứ nói gì đến đoạn đi chơi nữa. Thôi cô ngồi đây uống miếng nước rồi nói chuyện với ông. Suốt ngày lủi thủi kể cũng buồn”.
“Trước ông làm nghề gì ạ?” – Tôi lại hỏi.
“Trước tôi làm đoàn văn công quân đội, bình rồi thì qua làm ở xưởng phim truyện Việt Nam. Cô biết Cô Bé Sài Gòn chứ.
Tôi tham gia đoàn phim đấy đấy. Hồi xưa làm cái phim kể cũng khó lắm, đoàn phải đến cả trăm người, mất hàng năm giời mới quay được bộ phim ưng ý.
Đâu có như bây giờ. Phim bây giờ tôi không xem được cô ạ. Tôi nhớ hồi xưa đi lính có cô Liên này xinh lắm. Nói ra phải tội với bà nhà.
Cô Liên xinh đẹp hát hay, nổi tiếng cả đoàn phim, ai cũng biết. Ấy rồi già làm phim không kiếm ra tiền, bây giờ chuyển qua bán hàng ở đâu trên phố ấy”, ông già say sưa kể.
Tôi mân mê chén trà nhạt trên tay. Ông già lúi húi tìm lỗ xì hơi xe. “Hồi trẻ như cô tôi còn năng nổ lắm. Tôi trước làm ở đoàn văn công 361 chuyên đi biểu diễn ở trên tỉnh, còn có lần biểu diễn cho Bác xem cơ đấy”. Ông già nói rồi cất tiếng hát: “Đoàn vệ Quốc quân một lần ra đi…”
Cái gió của một buổi chiều hanh bỗng làm tôi xao xuyến. Có lẽ, cuộc đời không phải như tôi vẫn hằng suy nghĩ. Có lẽ, nó nhiều hơn là những con người đang tất vật hoàn thành công việc hàng ngày.
Tôi nhìn ông già sửa xe. Một ông lão bảy, tám chục tuổi mặc chiếc áo ba lỗ bợt màu. Ông trông như bao người khác.
Ông là một phần của cuộc sống hiện đại. Ông là một giọt nước trong dòng đời đang miết mải chảy ngược xuôi.
“Khà khà, già rồi cô ạ, hát cũng không được như xưa nữa. Hồi xưa tôi cũng tham gia ca đoàn, rồi nhảy rồi múa” – ông già nói rồi nheo mắt lại, như đang ngẫm nghĩ về một điều gì đó xa xăm lắm – “Già rồi… khà khà…”.
Mặt ông lão nheo lại đăm chiêu, rồi như sực nhớ ra còn một điều gì đó quan trọng chưa kể với người mới đến, ông tiếp: “Hồi xưa tôi muốn làm biên kịch cô ạ. Hát múa là cái nhỏ. Mình phải làm cái to. Tôi cũng viết, viết nhiều chứ. Tôi viết gửi họ mà họ không cho lên sân khấu. Hỏ bảo phải sửa, sửa nhiều. Tôi vẫn viết nhiều lắm, đầy trong kia kìa. Giá mà cả đời tôi có một vở được lên sân khấu”.
Mặt ông lão giãn ra, như đang mường tượng về chính vở kịch của mình được đưa lên sân khấu. Và có lẽ nó tiếp thêm cho ông thêm chút sinh khí, mặt ông lão tươi tỉnh hẳn ra, tay cũng mau mắn hơn hẳn.
Tôi lại nhìn ông lão. Có cái gì đó cháy âm ỉ trong những con người như ông. Đúng rồi. Đam mê. Chỉ có đam mê mới sống với ta được đến từng này tuổi.
Giàn hoa giấy bên hiên nhà ông già sửa xe đón chút gió, bốc bay lên. Ở những nơi thế này vẫn có một tâm hồn như ông lão. Một nhà văn, một nhà biên kịch, không tâm hồn thơ ca lãng mạn đang đợi thời.
Tôi chợt nghĩ về cái đời. Cái đời, cái đời là gì cơ chứ. Tôi cứ mải miết chạy theo công việc, rồi thì học, rồi lại tất tưởi chạy theo công việc.
Cái đời. Cái đời! Nó đâu có là cái vòng luẩn quẩn ăn, ngủ, rồi lại dậy làm việc. Không. Không. Ta phải sống hơn thế. Ta là con người, ta phải sống sao cho xứng đáng chứ.
Tôi không hát, không múa, không phải nhà thơ, nhà văn, không viết lách, không thơ ca. Tôi sống? Không! Tôi chỉ đang tồn tại thôi! Tôi không sống! Có gì là đáng trong cái guồng quay của cuộc sống hàng ngày cơ chứ?
Ta cứ bận rộn tất bật, ta quay cuồng với những thứ việc không tên. Không. Sống là phải hơn thế. Ta phải ước mơ, ta phải cháy, phải đam mê.
Tôi ngồi đấy, miên man trong dòng suy nghĩ của chính mình. Ông già vẫn lúi húi với chiếc xe đạp và bài hát kháng chiến từ một thời nào đó xa xưa.
Có cơn gió nhẹ nhẹ lung lay mấy chùng hoa giấy. Cảnh vật vẫn thế. Người ta vẫn đi lại, vẫn tất bận. Khu chợ cạnh nhà tôi vẫn nhộn nhịp người mua người bán.
Quanh đây, cuộc sống vẫn tiếp tục diễn ra. Vẫn tiếp tục nhịp điệp khẩn trương của nó. Nhưng có cái gì trong lòng tôi đã đổi khác.
Tôi sẽ sống như ông, tôi sẽ đam mê, sẽ yêu, sẽ hy vọng. Tôi sẽ không là người trẻ đôi mươi vội lao vào vòng quay cuộc sống nữa.
Ông lão đã sửa xe xong, chống gối đứng dậy, phủi phủi mấy cái, rồi dựng cái xe đạp cũ dậy giúp tôi rồi nói: “Của cô hai mươi nghìn. - Vâng cảm ơn cô, xe có hỏng cô cứ mang đây tôi sửa nhé”.
Tôi dắt xe về trong cái nắng ngọt cuối hạ. Cuộc đời vẫn thế, nhưng tôi thì đã khác rồi.
Đặng Diệu LinhBạn đang xem bài viết [Nơi tôi sống] Bên kia đường có một ông già sửa xe tại chuyên mục Cuộc thi Nơi tôi sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].