Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

[Nơi Tôi Sống] - Rau xanh trên sóng nhà giàn

Giữa biển khơi nắng gió cách đất liền 600km, có những vườn rau xanh mướt mọc lên từ những máng gỗ chơi vơi trên sóng nước. Lính nhà giàn gọi là “vườn rau di động”, còn khách từ đất liền ra thăm gọi là “vườn treo Babilon”.

BTC Cuộc thi Nơi tôi sống đã nhận được một bài viết khá đặc biệt, đó là câu chuyện của những "cư dân" nhà giàn DK1 Vùng 2 Hải quân ngoài thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Ở nơi khắc nghiệt giữa bốn bề bão tố sóng biển, họ vẫn vươn lên làm chủ cuộc sống và ươm lên những mầm xanh của sức sống, của hy vọng.

Mặc cho bão táp phong ba, mặc cho thời tiết khắc nghiệt và nước biển mặn mòi, những mầm xanh cứ vươn dài trong sóng gió, như sức sống mãnh liệt và kiên cường dũng cảm của những lính trẻ nơi đây - những người lính đầu đội trời, chân không đạp đất ngoài thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Empty

Nhà giàn DK1 vững vàng giữa biển khơi

15 nhà giàn DK1 Vùng 2 Hải quân ngoài thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc được coi là “vùng biển bão tố”. Vì hàng năm, có 10 - 15 cơn bão đi qua đây hoặc hình thành ngay trong đại dương ở vùng biển này.

Các nhà giàn DK1 được gọi là những “pháo đài thép” bởi sự vững chắc kiên cố đóng trên nền san hô giữa biển. Chủ nhân của những “pháo đài thép” ấy là cán bộ chiến sĩ thuộc tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân - những người được gọi với cái tên đầy sức mạnh nhưng không kém phần lãng mạn “Robinson trên biển”.

Đất mẹ vượt sóng ra giàn

Thành lập tháng 7 năm 1989 với tên gọi “Cụm kinh tế kỹ thuật dịch vụ DK1” (gọi tắt là DK1). Ngư dân ra đây đánh bắt hải sản gọi là “chùa” hoặc “nhà chòi”, vì nhìn từ xa giống như cái chòi canh giữa biển.

Cuộc sống của cán bộ chiến sĩ trên các nhà giàn DK1 vào những năm 1990 - 1995 của thế kỷ XX rất khổ cực, trong đó rau xanh luôn được coi là “hàng xa xỉ”. Lương thực thực phẩm ăn hằng ngày cho cán bộ chiến sĩ những năm đầu tiên ra chốt giữ nhà giàn được đem ra từ đất liền theo tàu thay trực.

Đó là gạo, muối, nước ngọt, thịt hộp, rau muống khô. Dù là rau muống phơi khô, song thời điểm ấy bộ đội quí chẳng khác gì “mì chính cánh” thời bao cấp.

Để chuẩn bị bữa ăn, rau muống khô đem ngâm nước cho mềm, thái nhỏ nấu canh loãng chan với cơm. Song “chất xơ” ấy cũng cạn kiệt dần vì hai tháng, thậm chí 4 tháng mới có tàu thay trực một lần. Không có rau xanh, lâu ngày ăn đồ hộp, nhiều chiến sĩ đau vắt bụng, đi kiết lỵ và đau bao tử.

Trước thực tế ấy, ban chỉ Khung quản lý DK1 (tên gọi thời điểm đó) đặt câu hỏi: “Làm thế nào để có rau xanh cho bộ đội ăn hàng ngày mà không phải tiếp tế”?

Rồi “quyết sách”: “Phải trồng bằng được rau xanh trên sóng. Phải bắt rau xanh mọc lên từ sóng nước mặn mòi”. Một phong trào “rau xanh trên sóng” được phát động và triển khai ngay sau đó.

Empty

Rau xanh ở nhà giàn

Cựu binh, Trung tá Nguyễn Văn Nam - nguyên tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn DK1 chia sẻ: “Nếu cứ chờ rau khô từ đất liền thì bộ đội đau bao tử hết.

Lâu ngày không có rau xanh, bộ đội bải hoải, bí bách, sinh ốm. Sau khi bàn bạc xong, tôi báo cáo cấp trên sáng kiến trồng rau trong máng gỗ.

Tôi trực tiếp điện cho các nhà giàn tận dụng xô hỏng, chậu thủng, gỗ thừa từ thành giường ngủ, nói chung những gì tận dụng được đóng thành máng để trồng rau.

Cùng lúc đó trong đất liền, chúng tôi tận dụng gỗ thừa của doanh trại đóng thành máng, lên tận huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) mua đất đỏ bazan, chuyển xuống tàu chở ra nhà giàn DK1”.

Chuyến tàu đầu tiên chở đất, hạt giống, máng gỗ đến nhà giàn Phúc Tần đúng mùa biển động. Những con sóng lớn cấp 6, cấp 7 lừng lững như những quả núi làm cho tàu chồm lên ngụp xuống trong sóng gió. Hàng trăm bao tải đất bị nhiễm mặn nước biển.

Ngày ấy nhà giàn chưa có cẩu như bây giờ. Để đưa được những bao tải đất từ tàu lên giàn, bộ đội phải trằn lưng kéo bằng dây ròng rọc. Để trồng được rau, những bao đất nhiễm nước biển được đổ ra trần nhà hoặc lan can phơi cho bay hết mặn.

Sau những giờ huấn luyện “lăn lê, bò, trườn”, các chiến sĩ “đánh trần” đảo đất, đổ vào khay xếp ngay ngắn một góc sàn ở. Tất cả đều hi vọng mầm xanh mọc lên từ những khay đất nhiễm mặn ấy.

Mầm xanh và nước mắt

Empty

Những mầm xanh trên sóng nhà giàn

Cùng với hàng trăm bao đất từ đất liền chở ra, mỗi nhà giàn được cấp hạt rau giống như mồng tơi, cải thìa, rau muống. Khác với đất liền “bỏ hạt là nảy mầm”, bộ đội nhà giàn trồng rau khác biệt.

Hạt rau được ngâm với nước ấm, rồi ủ ấm trong bao tải đến lúc nảy mầm và gieo lên trên những khay đất, lấy bao tải ngâm nước ngọt “đắp” lên trên.

Không phải phép nhiệm màu, song những mầm xanh đội đất chui lên giữa nắng gió biển khơi khiến người lính xúc động rưng rưng nước mắt.

Xúc động, bởi giữa đại dương bao la, khí hậu khắc nghiệt, sự sống vẫn sinh tồn. Rưng rưng, bởi công sức, gian khổ của người lính được “đền đáp”.

Sau những giờ huấn luyện phương án chiến đấu, các chiến sĩ trẻ “đánh trần”. Người tưới nước, người đảo đất, đổi bồn, người lấy cá tươi nhét xuống đáy bồn làm phân xanh.

Bỗng một sáng thức dậy sau cơn lốc biển lúc nửa đêm, các chiến sĩ “tá hỏa” nhìn những bồn rau bị sóng, gió dập nát. Tất cả lặng người. Có chiến sĩ đã khóc.

Tìm hiểu mới biết rau dập và thối gốc là do hơi nước biển mặn. Không chịu bó tay, các chiến sĩ đã dùng bao tải cũ vá thành tấm bạt lớn, quây những bồn rau lại một góc, mà họ gọi là “làm nhà cho rau ở”, gió chiều nào che chiều ấy.

Mỗi khi mưa to, gió lớn, giông biển, lốc tố, các bồn rau được khiêng vào nhà, hoặc “giấu” trong kho. Đối với các nhà giàn có sân bay như Phúc Nguyên, DK1/10, mỗi lần máy bay của Quân khu 9 bay ra luyện tập cất hạ cánh, các bồn rau được chuyển xuống sàn dầu, hoặc “giấu” kín dưới bậc cầu thang tránh gió từ cánh quạt. Tên gọi “vườn rau di động” cũng có từ đây.

Empty

Những giọt nước hiếm

 Khát vọng màu xanh

Bây giờ 15 nhà giàn DK1 là 15 vườn rau xanh di động. Khác với những năm 1995 của thế kỷ XX, bộ đội phải ăn rau khô tiếp tế từ đất liền, thì nay được ăn rau tươi hằng ngày.

Nhà giàn nào cũng trồng được ba, bốn loại rau, song chủ yếu là rau muống, mồng tơi. Có nhà trồng được cả mía, rau húng và cây chanh, ớt cay rất sai quả.

Thiếu tá chuyên nghiệp Phạm Văn Bảy ở nhà giàn Phúc Nguyên chia sẻ: “Mặc dù rau xanh không còn “xa xỉ” như trước đây nữa, song cũng không dồi dào như ở đất liền.

Mỗi nhà giàn có hơn chục bồn rau, gọi là nhiều nhưng phải tiết kiệm ăn dần, chủ yếu là thái nhỏ nấu canh buổi cơm trưa. Khi nào có “khách” từ đất liền ra, hoặc dưới tàu lên chơi, mới dám luộc 2 đĩa rau, bữa đó coi như… liên hoan.

Nhiều khi biển động cả tháng không câu được cá, anh em phải ăn cơm chưng với mắm tôm và đồ hộp, nhổ gốc rau dền tước vỏ thái nhỏ nấu canh, nhưng rất ngon miệng”.

Trồng rau xanh ở nhà giàn DK1 không chỉ cung cấp “chất xơ”, cải thiện bữa ăn của bộ đội, mà còn khẳng định, những người lính DK1 không “bó tay” trước khí hậu khắc nghiệt của đại dương, biết vươn lên làm chủ cuộc sống nơi khó khăn gian khổ nhất.

Và chính những bồn rau xanh ấy, thể hiện khát vọng sống hòa bình, đồng thời giúp cán bộ chiến sĩ DK1 thêm yêu đời, vững vàng tay súng canh chủ quyền Tổ quốc giữa ngàn khơi; tô điểm cho cuộc sống của cán bộ chiến sĩ vốn khắc nghiệt giữa bộn bề sóng biển.

Những bồn rau siêu sạch ấy, cũng là “mảnh đất ươm mầm” cho những nhạc sĩ sáng tác những bài hát xanh khi một lần đặt chân đến nhà giàn. Sau một lần ra thăm chiến sĩ, xúc động trước những giàn mồng tơi phủ kín lối ra vào, Trung tá Nguyễn Hồng Sơn, chủ nhiệm nhà văn hóa Vùng 2 Hải quân đã sáng tác ca khúc “Màu xanh nhà giàn”.

Bài ca ấy sưởi ấm lòng và tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ vững vàng tay súng canh chủ quyền đất mẹ giữa biển trời Tổ quốc. Những ca từ xúc động sâu lắng, gần gũi thấm vào gan ruột: Ngôi nhà lính đó nằm giữa trời và nước/ dù ngoài khơi xa vẫn khoác một màu xanh/ màu của quê hương thương nhớ bạt ngàn sâu/ những ngôi nhà trên biển/ người chiến sĩ ươm mầm tươi tốt/ những mầm xanh nhà giàn/ thêm ấm lòng lính biển giữa đại dương.

Với mong muốn cổ vũ những giá trị sống nhân văn, tốt đẹp; tuyên truyền về văn hóa sống mới: sống xanh – sống đẹp; nhân rộng những điển hình phát triển bất động sản biết chăm lo, hướng tới các giá trị sống đích thực cho cư dân, lấy cư dân làm trung tâm; phát hiện tôn vinh những cộng đồng cư dân, những không gian sống kiểu mẫu, những tấm gương tập thể/cá nhân có nhiều đóng góp hình thành nên các khu đô thị đáng sống đồng thời mong muốn tạo lập một diễn đàn cho mọi tầng lớp cư dân chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận, mong đợi về “Nơi tôi sống” của chính mỗi người… Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (www.reatimes.vn) và Tạp chí điện tử Gia Đình Mới (www.giadinhmoi.vn) quyết định tổ chức Cuộc thi mang tên: Nơi Tôi Sống.

Gửi bài dự thi kèm thông tin: Tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email, Facebook cá nhân.

Email: [email protected]

Điện thoại: 0986 321 888; 024 6666 0899

Để biết thêm chi tiết và thể lệ cuộc thi, mời bạn xem tại đây.

Trung tá: Mai Thắng

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính