Phong trào bắt đầu từ nghĩa cử cao đẹp của một bà cụ
Thông tin với PV, ông Nguyễn Minh Lý, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Cồn Thoi, cho biết, người đầu tiên 'khởi động' phong trảo hiến tặng giác mạc ở tỉnh Ninh Bình là cụ bà Nguyễn Thị Hoa (ngụ thôn 8A, xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, Ninh Bình). Đầu năm 2007, do tuổi cao sức khỏe yếu dần, nên cụ Hoa gọi con cháu đến và dặn sẽ hiến giác mạc khi qua đời.
Sau đó, cụ Hoa mất ở tuổi 83, giác mạc cụ hiến đã giúp 2 người ở Đắk Lắk và Thanh Hóa sáng mắt trở lại.
Ông Lý cho biết giai đoạn 2007 - 2010 là thời gian khó khăn nhất trong việc vận động người dân hiến giác mạc. Khi đó, mọi người còn chưa quan tâm đến việc hiến giác mạc và khó tạo được sự đồng thuận của tất cả thành viên trong gia đình.
Từ nghĩa cử cao đẹp của cụ Hoa, và sự vào cuộc tuyên truyền của các cấp, dần dần có nhiều người hiểu được ý nghĩa nhân văn cao cả của việc hiến tặng giác mạc nên phong trào dần dần phát triển.
“Cồn Thoi hiện nay là xã đi đầu của tỉnh trong phong trào hiến giác mạc. Đến nay, toàn xã có 538 người đã hiến và đăng ký hiến, trong đó người nhỏ tuổi nhất đã hiến là 12 tuổi, lớn tuổi nhất là một cụ hơn 100 tuổi”- ông Lý cho biết.
Cũng là 1 trong những gia đình có người hiến tặng giác mạc ở huyện Kim Sơn, bà Nguyễn Thị Mùi (vợ của ông Đinh Văn Phúc - người đã tình nguyện hiến giác mạc sau khi qua đời), chia sẻ: Tròn 3 năm trước, khi ông Đinh Văn Phúc qua đời, thực hiện di nguyện trước đó của ông là hiến tặng giác mạc, bà và các con quyết định trao tặng giác mạc của ông Phúc cho Ngân hàng Mắt Trung ương.
"Lúc còn sống, vợ chồng tôi đã thống nhất và cùng nhau đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, dù ai ra đi trước thì người còn lại cũng sẽ thực hiện ý nguyện đó. Sở dĩ chúng tôi quyết định hiến giác mạc là bởi vì, từng nhiều lần nhìn thấy những người mù gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, bởi "giàu hai con mắt, khó hai bàn tay" mà.
Cùng với đó, chúng tôi được các tình nguyện viên chữ thập đó, các cha xứ tuyên truyền, vận động, từ đó chúng tôi nhận thức được, dù không còn sống nhưng vẫn để lại cho đời một đôi mắt, đem lại ánh sáng, mở ra cuộc đời mới cho người khiếm thị, như thế nghĩa là làm một việc thiện cuối cùng của một đời người...".
Dẫn đầu cả nước trong cả nước về phong trào hiến tặng mô tạng
Qua hơn 10 năm phát động, đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình đã vận động được gần 11 nghìn người đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, với tổng số 320 người đã hiến tặng, trở thành 1 trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong phong trào đăng ký và hiến tặng giác mạc. Đây là hoạt động ý nghĩa, món quà vô giá, giúp cho nhiều người khuyết tật về mắt có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng, hòa nhập cuộc sống.
Ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ tỉnh Ninh Bình cho biết, để có được kết quả trên, những ngày đầu, việc tuyên truyền vận động bà con hiến mô tạng gặp rất nhiều khó khăn.
Rất nhiều người đều hiểu và biết rõ, hiến mô, tạng là hành động cứu người, song không dễ dàng gì thực hiện được bởi có nhiều rào cản, quan niệm từ gia đình, dòng họ và suy nghĩ tâm linh phải "chết nguyên vẹn."
Bên cạnh đó, việc hiến tặng mô tạng phải dựa trên sự tự nguyện không chỉ của bản thân người hiến mà còn của gia đình, người thân. Vì vậy, cán bộ hội phải tuyên truyền, vận động bằng cách "mưa dầm thấm lâu" không chỉ vận động thông qua các kênh truyền thông mà còn phải đến từng nhà người dân nhiều lần để tuyên truyền giúp mọi người hiểu được hiến mô tạng có ý nghĩa to lớn, có thể thay đổi được cuộc đời của những người bệnh.
Cán bộ hội cũng phải nhờ đến những người đứng đầu, người có uy tín của các tổ chức tôn giáo để giải thích về tình yêu thương, lòng bác ái để tác động đến nhận thức của người dân. Ngoài ra, những tấm gương điển hình trong việc hiến mô tạng đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân. Từ đó, phong trào hiến mô tạng tại địa phương dần lan rộng.
Nhằm làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, Hội đã phối hợp với các đơn vị như Bệnh viện Mắt Trung ương, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tổ chức các lớp tập huấn về nâng cao kiến thức về việc hiến mô tạng cho cán bộ hội và người dân.
Tại những khu vực phụ trách, các cán bộ Hội cùng với tình nguyện viên phải nắm chắc những đối tượng người cao tuổi, người có bệnh hiểm nghèo để có phương pháp tiếp cận tuyên truyền với từng đối tượng, làm cho nhiều người hiểu ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của việc hiến mô tạng, làm cho họ không chỉ tham gia mà còn nhiệt tình vận động người thân cùng tham gia.
Đội ngũ cán bộ, tình nguyện viên chữ thập đỏ, các cộng tác viên đã nhiệt tình hưởng ứng phong trào bằng chính việc làm thiết thực là đăng ký hiến tặng mô tạng. Ngoài ra, mỗi năm, Hội chú trọng việc biểu dương, khen thưởng những tấm gương, gia đình có người hiến tặng mô tạng và phát động phong trào nhằm tôn vinh nghĩa cử cao đẹp.
Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để mỗi người nhận thức được rằng, nếu ai đó quyết định hiến tặng mô, tạng khi không may qua đời, họ sẽ mang lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh góp phần nhân rộng thêm những hành động cao đẹp và lan tỏa thông điệp "Cho đi là còn mãi."
V.LinhBạn đang xem bài viết Ninh Bình: Lan tỏa phong trào hiến tặng giác mạc với thông điệp 'cho đi là còn mãi' tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].