5 quy định quan trọng có hiệu lực từ tháng 2/2023

Tháng 02 tới sẽ có những quy định mới đáng chú ý liên quan tới đời sống được đưa vào áp dụng. Dưới đây là nội dung chi tiết các quy định.

Quy định mới về Bảo hiểm xã hội từ tháng 2/2023.

Quy định mới về Bảo hiểm xã hội từ tháng 2/2023.

1. Tăng hệ số trượt giá của Bảo hiểm xã hội

Để bù đắp sự mất giá của đồng tiền cho những người đóng BHXH ở các thời kỳ trước, hằng năm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đều điều chỉnh lại mức điều chỉnh tiền lương, thu nhập đã đóng BHXH (còn gọi là hệ số trượt giá).

Hệ số trượt giá năm 2023 đã được điều chỉnh tăng đáng kể so với năm 2022. Tăng mạnh nhất là hệ số trượt giá tính cho giai đoạn đóng BHXH trước năm 1995 (tăng 0,16). Còn các giai đoạn khác hầu hết cũng được điều chỉnh tăng hệ số trượt giá với mức thấp nhất là 0,03 (trừ năm 2021 và 2021 do không tăng).

Mặc dù đến tháng 02 Thông tư 01 mới có hiệu lực nhưng các hệ số trượt giá được quy định tại Thông tư này được áp dụng luôn cho các trường hợp hưởng chế độ BHXH từ ngày 01/01/2023.

2. Quy định mới về lệ phí đăng ký thường trú, tạm trú

Từ ngày 5/2, Thông tư số 75/2022 của Bộ Tài chính có hiệu lực, quy định mức đóng lệ phí đăng ký thường trú là 20.000 đồng/lần đăng ký nếu nộp hồ sơ trực tiếp, 10.000 đồng/lần đăng ký nếu nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến.

Công dân đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú cá nhân, hộ gia đình thì lệ phí là 15.000 đồng/lần đăng ký trực tiếp, 7.000 đồng/lần đăng ký qua cổng dịch vụ công trực tuyến.

Trong trường hợp tách hộ, đăng ký tạm trú theo danh sách, gia hạn tạm trú theo danh sách, mức đóng lệ phí lần lượt là 10.000 đồng/lần đăng ký trực tiếp, 5.000 đồng/lần đăng ký qua cổng dịch vụ công trực tuyến.

3. Người mắc bệnh suy giảm khả năng lao động tới 81% được hưởng BHXH 1 lần

Có hiệu lực từ ngày 15/02/2023, Thông tư 18 năm 2022 của Bộ Y tế đã sửa hướng dẫn về các trường hợp mắc bệnh được hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần.

Theo quy định mới, người lao động sẽ được hưởng BHXH 1 lần nếu thuộc một trong 02 diện sau:

- Đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS.

Trước đây, người lao động thuộc trường hợp này còn phải đồng thời không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.

- Người mắc các bệnh, tật có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc. 

 

4. Không giảm giá vé xem phim cho người già, trẻ em bị phạt 10 triệu

Thêm một chính sách mới có hiệu lực tháng 02/2023 là việc xử phạt đối với các cơ sở điện ảnh không miễn giảm giá vé cho người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, trẻ em, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các đối tượng khác.

Theo Nghị định 128/2022/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15/02/2023), rạp chiếu phim vi phạm sẽ bị phạt từ 05 đến 10 triệu đồng nếu không thực hiện việc giảm giá cho các trường hợp trên.

Không giảm giá vé xem phim cho người già, trẻ em bị phạt 10 triệu.

Không giảm giá vé xem phim cho người già, trẻ em bị phạt 10 triệu.

Ngoài ra, Nghị định 128 năm 2022 cũng tăng mạnh mức phạt đối với một số vi phạm trong lĩnh vực điện ảnh:

- Sản xuất phim có nội dung tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác: Phạt tiền từ 40 đên 50 triệu đồng (trước đây chỉ phạt từ 10 đến 20 triệu đồng).

- Sản xuất phim có nội dung kích động bạo lực, thể hiện chi tiết hình ảnh, âm thanh, lời thoại dâm ô, trụy lạc, loạn luân: Phạt tiền từ 40 đên 50 triệu đồng (trước đây chỉ phạt từ 30 đến 40 triệu đồng).

5. Giám định lại sức khỏe do tai nạn lao động không cần chờ 2 năm

Đây cũng là một trong những chính sách mới, đáng chú ý về bảo hiểm có hiệu lực từ tháng 2/2023 được đề cập trong Thông tư 18/2022 của Bộ Y tế.

Tại Khoản 8 Điều 1 Thông tư 18 quy định, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã thực hiện giám định sức khỏe để hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoàn toàn có thể chủ động đi khám giám định lại mức suy giảm khả năng lao động nếu có nhu cầu.

Trước đó, nếu muốn giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người lao động phải chờ ít nhất 2 năm (đủ 24 tháng) tính từ ngày người lao động được Hội đồng giám định y khoa kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gần nhất trước đó.

Ngoài ra, người lao động còn được quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề trả phí khám giám định lại nếu kết quả khám giám định xác định người lao động đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Trong trường hợp kết quả giám định lại không đủ để được điều chỉnh tăng mức trợ cấp, người lao động chủ động đề nghị khám giám định lại sẽ phải tự chịu chi phí khám giám định.

V.Linh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính