Những nguyên tắc nuôi dạy để con bạn trở thành một người tốt, giàu lòng trắc ẩn

Một đứa trẻ sinh ra vốn ích kỷ và sống theo bản năng, sống vì nhu cầu của chính mình. Dần dần, qua sự dạy dỗ của cha mẹ, đứa trẻ mới biết về các mối quan hệ xã hội, biết cảm thông, chia sẻ và yêu thương.

IMG_4621

 

Trước đây tôi từng cho rằng, trẻ em là những thiên thần vô hại, và thế giới của người lớn - đầy rẫy sự cạnh tranh, ham muốn tiền tài, địa vị - chính là thứ làm ô nhiễm tâm hôn bé bỏng của chúng.

Sau đó tôi có con, và tận mắt chứng kiến dù chưa biết nói, chúng đã cãi nhau ầm ĩ, xô đẩy và thậm chí còn cắn nhau vì tranh giành đồ chơi. Đến khi biết nói, chúng có thể dành cho nhau những lời lẽ như gươm giáo. 

Trẻ em, thực đơn giản, bị điều khiển hành vi bởi những ham muốn của bản thân, và chỉ quan tâm bản thân. Chúng chưa biết cảm thông với người khác.

Chúng sẽ như vậy, trừ khi được người lớn dạy bảo cách đối nhân xử thế. Tôi tin rằng đây là yếu tố cần được tôn nên hàng đầu trong 'giáo dục sớm' ở trẻ - bài học đạo đức.

Theo thời gian, đứa tré sẽ học được cách tự tìm chỗ đứng cho bản thân trong thế giới này, nhưng cách đó sẽ như thế nào? Tốt bụng, nhân hậu, phóng khoáng? Hay là ích kỷ và chỉ nghĩ đến bản thân?

Một dự án của Harvard University đã công bố báo cáo, trong đó phần lớn trẻ em Mỹ (80%) - ở mọi chủng tộc, văn hóa, trình độ học vấn - đều đặt thành công của cá nhân (hạnh phúc, thành đạt) lên trước việc quan tâm đến người khác.

selfish

 

Harvard chỉ ra rất nhiều học sinh trung học thú nhận đã gian lận trong thi cử (50%) và chép bài tập về nhà của bạn (75%), và tất nhiên chúng ta cũng có thể thấy nạn bắt nạt giữa trẻ em ngày càng phổ biến.

Người lớn cần làm gì?

Đầu tiên, dạy trẻ biết quan tâm đến mọi người là ưu tiên hàng đầu

Mỗi ngày, khi đưa con trai 5 tuổi đến mẫu giáo, tôi đều nói với thằng bé một câu giống nhau: 'Hãy đối tốt với bạn bè và nghe lời cô giáo của con nhé. Hãy là một cậu bé ngoan và chơi thật vui vẻ.'

Khi đến đón con, tôi lại hỏi những câu hỏi giống nhau: 'Hôm nay con với các bạn thế nào? Con có ngoan chứ? Con chơi vui không?'

Tôi không hỏi về chuyện học viết, học đọc của thằng bé, hay đố nó hôm nay là ngày bao nhiêu. Mối quan tâm hàng đầu của tôi là nó là một bé ngoan trong lớp học.

Tôi không muốn mọi người hiểu lầm rằng tôi là người hoàn hảo đâu nhé. Tôi không hoàn hảo. (Như tôi đã viết ở trên, nuôi dạy một đứa trẻ giàu lòng trắc ẩn không dễ!)

Chúng ta đều mắc sai lầm. Khi tôi nói điều gì đó làm tổn thương bà xã (hay con trai), tôi sẽ nhận lỗi về điều đó. 

Tôi thường xin lỗi một cách cụ thể, chẳng hạn như: 'Bố xin lỗi vì đã đánh con, lúc ấy chúng ta bị muộn nên bố lo quá, ngốc thật nhỉ. Lẽ ra bố không nên tức giận như vậy.'

Hãy cho con bạn thấy rằng bạn tôn trọng cảm xúc và hạnh phúc của người khác

Khi đứa trẻ lớn lên, hãy mở rộng mối quan tâm ra ngoài bố mẹ và bạn bè. Hãy dành thời gian giúp đỡ cộng đồng, để cả gia đình cùng tham gia thiện nguyện.

Cũng cũng cần luôn giữ thái độ vui vẻ, tích cực, tuyệt đối đừng tỏ ra bực bội như thể bạn đang phải làm một nhiệm vụ khó chịu.

Đặt quy định về đạo đức

tran-nguyen-han-3-1479644430568

Lời xin lỗi của cậu học trò gửi lại trên kính xe sau khi lỡ làm vỡ gương ô tô  

Là người một nhà, đôi khi chúng ta sẽ có những hành động ngớ ngẩn hay lố bịch khi vui đùa. Tuy nhiên tôi và bà xã đã thống nhất, kể cả khi đùa cũng phải dùng những lời tử tế với nhau.

Nếu con trai tôi vi phạm, chúng tôi sẽ trách phạt. Nếu chúng tôi vi phạm, chúng tôi cũng tự trách phạt mình. Và chúng tôi nói xin lỗi.

Một lời xin lỗi chân thành, xuất phát từ đáy lòng và nhìn thẳng vào mắt người kia sẽ là công cụ đầy sức mạnh. Nó sẽ khiến con bạn nhận ra chúng đã gây tổn thương cho người khác.

Có một lần, con trai tôi đá một cậu bé khác ở trường, và sau khi bị tôi giáo huấn, thằng bé viết giấy xin lỗi cho cậu bạn kia.

Lúc đầu nó có vẻ buồn, nhưng đến sáng hôm sau thằng bé tỏ ra rất tự hào vì đã gửi giấy xin lỗi cho thằng bé. Sau này nó bảo tôi rằng, cảm giác khi nói xin lỗi rất tốt đẹp.

Cuối cùng, hãy nói chuyện với con bạn về cảm xúc của con và của cả người khác

Hãy biến cảm xúc thành một chủ đề trò chuyện trong gia đình. Thông thường, khi trẻ có hành vi nổi giận, đánh bạn hay chống lại cha mẹ tức là chúng đang cố gắng truyền đạt cảm xúc nào đó sâu xa hơn.

BadBehavior-532x800-881x499

 

Khi ấy, chúng tôi sẽ không chỉ đơn thuần 'sửa lưng' hành vi của con trai, mà sẽ tìm hiểu tại sao nó lại cư xử như vậy. 

Trong hầu hết mọi trường hợp, chúng đều có nguyên nhân bên trong nào đó: lo lắng, buồn bã, tức giận,... khiến con muốn phát tiết. Sau đó, chúng tôi sẽ thử gợi ý cho thằng bé những cách khác để quản trị cảm xúc. 

Bất kể bạn ở độ tuổi nào, cảm giác bất an, nỗi sợ hãi và sự tức giận luôn nằm sâu thẳm đằng sau những hành vi thiếu tử tế. Biết cảm nhận và quản trị cảm xúc của bản thân sẽ là vũ khí hữu ích để chúng ta không cư xử tệ với người khác.

Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Nhưng có tài mà không có đức thì vô dụng. Báo cáo của Harvard cũng chỉ rõ tầm quan trọng hàng đầu của giáo dục đạo đức. 

Nuôi dạy một đứa trẻ tử tế, tốt bụng và biết cảm thông còn quan trọng và khó khăn hơn nhiều việc có được những thứ bề nổi như danh tiếng hay vật chất.

Trang Đặng dịch

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính