Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) được cho là nguyên nhân chính gây viêm, loét dạ dày - tá tràng và dẫn đến ung thư dạ dày.
Các chuyên gia tiêu hóa cũng cho biết, có khoảng 70% dân số Việt Nam nhiễm vi khuẩn HP. Như vậy, 70% dân số Việt Nam có nguy cơ bị ung thư dạ dày.
Đây là thông tin được đưa ra từ Hội nghị khoa học tiêu hóa gan mật do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức.
Chính thói quen ăn uống và sinh hoạt thiếu lành mạnh làm cho tỷ lệ người nhiễm vi khuẩn HP ngày càng gia tăng.
Vi khuẩn HP lây qua đường ăn uống nên dẫn đến tình trạng nhiều người trong gia đình có thể bị nhiễm và có thể mắc đi mắc lại nhiều lần.
Việc uống kháng sinh đúng liều theo chỉ định của bác sĩ có thể tiêu diệt được vi khuẩn HP, từ đó loại bỏ được nguy cơ ung thư dạ dày.
Tại Nhật Bản, nhiều loại thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt được 80 – 90% vi khuẩn HP. Tuy nhiên, ở Việt Nam tỷ lệ tiêu diệt vi khuẩn HP bằng kháng sinh chỉ thành công dưới 80%.
Lý giải về điều này, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Ở nước ta tỷ lệ kháng kháng sinh rất cao, có loại kháng kháng sinh đến 80 – 90%.
Do đó, việc sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn HP ở Việt Nam đạt tỷ lệ thành công không cao, có những loại thuốc, tỷ lệ thành công trong điều trị chỉ còn 50%.
Nguyên nhân gây ra tình trạng kháng kháng sinh là do việc lạm dụng kháng sinh ở nước ta đang diễn ra phổ biến.
Tình trạng này do nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó có nguyên nhân từ phía người bệnh không tuân thủ chỉ định, liều lượng, thời gian uống thuốc… nên dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh.
Từ đó, dẫn đến việc điều trị bệnh trở nên khó khăn và tốn nhiều thời gian, công sức.
Với những người đang bị nhiễm vi khuẩn HP, các chuyên gia tiêu hóa khuyến cáo, cần tránh xa đồ ăn chua, cay, tránh ăn mặn, thực phẩm lên men, thực phẩm muối chua, thịt hun khói…
Bởi, những thực phẩm loại này làm người bị nhiễm vi khuẩn HP dễ phát sinh ung thư.
Bên cạnh vi khuẩn HP, còn có nhiều yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày như chế độ ăn uống ít trái cây và rau xanh, ăn quá nhiều đồ nóng, nhiều dầu mỡ... có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Nếu trong gia đình có người bị ung thư dạ dày thì tỷ lệ con cháu mắc ung thư dạ dày rất cao.
Những người bị viêm dạ dày mạn tính, thiếu máu ác tính… cũng có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày.
Ngoài ra, hút thuốc lá cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ gây ra bệnh ung thư dạ dày ở Việt Nam.
Vì các bệnh ung thư ở Việt Nam thường được phát hiện muộn, trong đó có ung thư dạ dày.
Do đó, khi thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng như: đi ngoài phân đen và có máu; đau bụng, khó tiêu; cơ thể mệt mỏi, chán ăn, sút cân nhanh; sốt dai dẳng không rõ nguyên nhân; bị viêm dạ dày cấp tính... cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Và cũng giống các loại ung thư khác, ung thư dạ dày có thể điều trị bằng cách phẫu thuật; xạ trị; hóa trị và dùng thuốc điều trị toàn thân; phương pháp chăm sóc giảm nhẹ các triệu chứng đau đớn, chăm sóc điều trị tâm lý để bệnh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tỷ lệ thành công trong điều trị ung thư dạ dày bằng các phương pháp trên phụ thuộc vào giai đoạn điều trị và việc tuân thủ phương pháp điều trị của người bệnh.
Để phòng ngừa ung thư dạ dày, bác sĩ Vũ Trường Khanh cho biết: Diệt trừ vi khuẩn HP (nguyên nhân số 1 gây ung thư dạ dày) sẽ làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày.
Bên cạnh đó, một lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học và tránh xa các yếu tố nguy cơ sẽ giúp phòng ngừa hiệu quả bệnh ung thư dạ dày.
Bạn đang xem bài viết Những lý do đơn giản dẫn tới việc bị đau dạ dày có thể khiến bạn bất ngờ tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].