Những lưu ý quan trọng khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi thứ 2

Khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi thứ 2 cần lưu ý điều gì để đảm bảo sức khoẻ và hiệu quả tốt nhất?

Lưu ý về loại vắc xin tiêm phòng mũi thứ 2

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế tại Công văn số 6030/BYT-D 2021 hướng dẫn tiêm 2 liều vắc xin phòng COVID-19, những người đã tiêm mũi 1 vắc xin nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vắc xin đó.

Tuy nhiên, trong trường hợp nguồn vắc xin hạn chế thì có thể phối hợp hai loại vắc xin khác nhau trong 2 lần tiêm và cần lưu ý như sau:

- Mũi 1 AstraZeneca + Mũi 2 Pfizer/BioNTech

- Mũi 1 AstraZeneca + Mũi 2 không được phép sử dụng Moderna hoặc các vắc xin khác.

- Mũi 1 Sinopharm + Mũi 2 Sinopharm

- Mũi 1 Pfizer + Mũi 2 Pfizer

- Mũi 1 Moderna + Mũi 2 Moderna.

Như vậy, nếu mũi 1 đã tiêm vắc xin Sinopharm, Pfizer, Moderna thì mũi 2 chỉ được phép tiêm cùng loại. Nếu mũi 1 đã tiêm AstraZeneca thì mũi 2 chỉ được tiêm cùng loại hoặc tiêm Pfizer/BioNTech, không được tiêm các loại khác.

  Những người đã tiêm mũi 1 vắc xin nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vắc xin đó. Ảnh minh họa

Những người đã tiêm mũi 1 vắc xin nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vắc xin đó. Ảnh minh họa

Thời gian tiêm vắc xin mũi thứ 2

Để tạo miễn dịch tốt nhất cho cơ thể, vắc xin phòng COVID-19 cần được tiêm 2 liều và duy trì khoảng cách giữa hai lần tiêm hợp lý. Tùy vào loại vắc xin được tiêm mà khoảng cách giữa các lần tiêm khác nhau.

Tại Công văn số 6030/BYT-D, Bộ Y tế đã hướng dẫn, nếu mũi 1 đã tiêm AstraZeneca và mũi 2 tiêm Pfizer/BioNTech thì khoảng cách giữa 2 lần tiêm là 8 - 12 tuần.

Còn với các loại vắc xin khác, khoảng cách giữa 2 lần tiêm cần theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Lịch tiêm được nêu cụ thể tại Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định 3588/QĐ-BYT như sau:

- AstraZeneca : Cách nhau 8 - 12 tuần.

- Sputnik V: Cách nhau 3 tuần

- Pfizer: Cách nhau 3 tuần

- Vero Cell: Cách nhau 3 - 4 tuần

- Moderna: Cách nhau 4 tuần.

Trước và sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 cần làm gì?

- Tránh dùng thuốc có thành phần steroid 01 tuần trước khi tiêm, tránh dùng thuốc giảm đau trước khi tiêm vì các loại thuốc này sẽ có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin COVID-19.

- Không uống rượu bia trước ngày tiêm chủng, nhằm đảm bảo hệ thống miễn dịch ở trạng thái tốt nhất, giúp tạo ra kháng thể chống lại vi rút…

Sau khi tiêm, Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định 3588/QĐ-BYT chỉ rõ:

- Ít nhất trong 3 ngày đầu sau khi tiêm, luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, không nên uống rượu bia và các chất kích thích

- Ăn uống bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ.

- Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm cần tiếp tục theo dõi. Nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

- Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu sốt dưới 38,5 độ C: Cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước; không để nhiễm lạnh và đo lại nhiệt độ sau 30 phút. Nếu sốt từ 38,5 độ trở lên thì sử dụng thuốc hạ sốt. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần đến ngay bệnh viện…

Nếu có những biểu hiện bất thường sau tiêm, cần liên hệ ngay cơ sở y tế để được tư vấn và hỗ trợ.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính