Những loại thực phẩm và chế độ dinh dưỡng giúp hỗ trợ điều trị Covid-19 hiệu quả

Khi bị nhiễm Covid-19, việc ăn uống đầy đủ và chế độ khoa học giúp cung cấp dinh dưỡng để bệnh nhân tăng cường sức khỏe là rất cần thiết. Trong đó, chú ý ăn đủ chất và bổ sung bằng các loại thực phẩm có chứa vitamin A, C, D, kẽm và acid béo omega-3.

Những thực phẩm giúp hỗ trợ điều trị Covid-19

Chế độ dinh dưỡng không phù hợp có thể dẫn tới tình trạng viêm nhiễm, làm suy giảm hệ miễn dịch và dễ lây nhiễm các loại bệnh tật, trong đó có Covid-19.

Bên cạnh đó, chế độ ăn uống và dinh dưỡng khoa học, phù hợp có thể giúp hỗ trợ sức khỏe miễn dịch, đặc biệt là nếu tiêu thụ thực phẩm có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm sẽ hỗ trợ tích cực cho việc điều trị Covid-19.

 Theo các chuyên gia, các thực phẩm giàu vitamin D, A, C, kẽm và omega-3 có thể không ngăn mắc các loại virus mới hoặc chữa khỏi bệnh nhưng chúng đã được chứng minh là hỗ trợ tích cực cho sức khỏe miễn dịch. Vì vậy, việc sử dụng các loại thực phẩm có chưa các thành phần trên sẽ rất quan trọng đối với những người đang điều trị nhiễm Covid-19.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, khi bị nhiễm Covid-29, người dân cần chú ý bổ sung các loại thực phẩm có chứa các thành phần sau:

Đầu tiên, bổ sung vitamin D nhằm bảo vệ và hỗ trợ chữa lành các mô bị tổn thương, chủ yếu ở phổi bởi nó có đặc tính chống viêm và điều hòa miễn dịch, giúp kích hoạt các tế bào miễn dịch như tế bào T và đại thực bào để bảo vệ cơ thể khỏi mầm bệnh.

Một số nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân nhập viện với Covid-19 có đủ lượng vitamin D trong máu sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong, giảm tỷ lệ nhập viện và giảm nhu cầu thở máy ở bệnh nhân Covid-19 so với nhóm dùng giả dược.

Vì vậy, việc tăng lượng thực phẩm giàu vitamin D trong khi bị hoặc đang hồi phục sau Covid-19 là một cách tuyệt vời để giảm nguy cơ thiếu hụt vitamin D và có khả năng cải thiện phản ứng miễn dịch.

Thực phẩm và đồ uống giàu vitamin D có trong gan cá tuyết, cá trích, lòng đỏ trứng, cá mòi, cá ngừ đóng hộp, cá hồi đánh bắt tự nhiên hoặc nuôi và nước cam có bổ sung vitamin D...

Thứ hai, bổ sung vitamin A nhằm hỗ trợ miễn dịch tổng thể bởi nó chứa carotenoid chống oxy hóa tan trong chất béo nên có đặc tính chống viêm. Đồng thời, một số nghiên cứu đã chỉ ra vitamin A có thể có lợi cho việc kiểm soát bệnh viêm phổi và nhiễm trùng đường hô hấp.

 Bên cạnh đó, vitamin A còn có thể giúp giảm viêm và căng thẳng oxy hóa, tăng cường phản ứng miễn dịch và giảm mức độ nghiêm trọng của Covid-19.

Một số người có thể bị thiếu hụt vitamin A trong quá trình nhiễm trùng như Covid-19 và điều này thực sự có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Các thực phẩm giàu vitamin A như gan bò, gan gà, cá thu vua, phô mai dê, khoai lang nấu chín, rau cải xanh, cà rốt sống, rau mầm bina sống...

Thứ ba, tăng cường kẽm từ các loại thực phẩm như thịt bò xay, sô cô la đen (70 - 85% cacao), hải sản đóng hộp, hàu, hạt cây gai dầu, hạt bí ngô, đậu lăng sống, nảy mầm...

Theo nhiều nghiên cứu, kẽm có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm nên có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, có thể hỗ trợ sức khỏe mắt và rất cần thiết cho sức khỏe miễn dịch.

Thiếu kẽm có nguy cơ nhiễm trùng từ đó làm tăng hoạt động của các virus xâm nhập tế bào. Kẽm cũng bảo vệ sức khỏe của mô phổi và có thể là một phương pháp điều trị bổ sung cho Covid-19.

Thuc pham1

Thực phẩm chứa omega-3 giúp nâng cao hiệu quả điều trị người bệnh bị nhiễm Covid-19 - ảnh minh họa

Thứ tư, bổ sung thực phẩm có chứa acid béo omega-3 giúp tăng cường và điều hòa hệ miễn dịch, đặc biệt hữu ích trong việc kiểm soát phản ứng viêm quá mức ở bệnh nhân Covid-19.

Chất béo không bão hòa đa omega-3 là một loại acid béo được chứng minh là có tác dụng chống viêm, bao gồm cả đối với sức khỏe não bộ, bệnh tim và viêm khớp dạng thấp.

Đặc biệt, chất béo omega-3 có thể làm giảm tình trạng viêm và khả năng xảy ra "cơn bão cytokine" trong Covid-19, đây là tình trạng tăng hoạt động của hệ thống miễn dịch gây ra các triệu chứng tiêu cực.

Một lợi ích khác của chất béo omega-3 trong việc điều trị những người mắc hoặc đang hồi phục sau Covid-19 là vai trò của chúng trong việc cải thiện tâm trạng, lo lắng và trầm cảm...

Vì vậy, việc bổ sung đầy đủ omega-3 thông qua chế độ ăn như cá hồi, cá thu, hạt chia, hạt lanh hoặc qua thực phẩm bổ sung như dầu cá giúp hỗ trợ cơ thể chống lại virus và phục hồi.

Những loại thực phẩm giàu các loại acid béo omega-3 như hạt chia, đậu nành rang khô, cá mòi đóng hộp, dầu gan cá tuyết, cá thu vua, hạt lanh, quả óc chó, cá hồi...

Thứ năm, bổ sung vitamin C giúp giảm căng thẳng oxy hóa, cải thiện chức năng nội mô để bảo vệ chống lại bệnh tim và hỗ trợ phục hồi sau cảm lạnh thông thường.

Bên cạnh đó, vitamin C có vai trò tiềm tàng trong việc phòng ngừa, kiểm soát bệnh viêm phổi và các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn như nhiễm trùng huyết.

Một số nghiên cứu cho thấy, việc dùng vitamin C có thể giúp ích cho những người mắc Covid-19 vì vitamin C là một chất dinh dưỡng quan trọng giúp hỗ trợ hệ miễn dịch và giảm viêm, đặc biệt là trong việc giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Các thực phẩm giàu vitamin C như ổi, quả kiwi, súp lơ sống, cà chua đóng hộp, khoai tây còn vỏ, ớt chuông đỏ, đu đủ...

Cũng theo Bộ Y tế, việc bổ sung 5 chất dinh dưỡng này có thể đóng vai trò hỗ trợ trong việc giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng khuyến cáo, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, người bệnh tuyệt đối không nên tự ý bổ sung các loại vitamin, khoáng chất hoặc bất kỳ chế phẩm dinh dưỡng nào mà không có sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

Vì vậy, để có một chế độ ăn uống thực sự phù hợp và hiệu quả nhất cho từng cá nhân, đặc biệt là trong các trường hợp phức tạp, việc tham vấn ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng là rất cần thiết. Điều này giúp đảm bảo an toàn, tối ưu hóa quá trình hồi phục và tránh được những sai lầm trong ăn uống khi mắc Covid-19.

Cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và cân đối

Ngoài việc bổ sung các chất như chúng tôi đã nói ở trên, người bệnh cũng cần đảm bảo đủ và đa dạng các nhóm thực phẩm bao gồm: nhóm tinh bột, nhóm sữa và chế phẩm sữa, nhóm dầu mỡ, nhóm rau củ, nhóm thịt cá, nhóm trứng, nhóm các loại hạt, nhóm rau củ màu vàng-xanh thẫm.

Đồng thời, phải ăn đủ 3 bữa chính và tăng cường thêm các bữa phụ. Trong đó, hạn chế ăn quá nhiều đồ ngọt (khuyến nghị lượng đường dưới 10% tổng năng lượng ăn vào).

Không kiêng khem thực phẩm nếu không có dị ứng thực phẩm hoặc theo lời khuyên riêng của bác sỹ. Đặc biệt, người có thể trạng gầy, trẻ em cần bổ sung thêm các thực phẩm có nhiều năng lượng và protein như sữa và các sản phẩm từ sữa.

Đối với người trưởng thành, nguyên tắc chế độ dinh dưỡng cần đảm bảo năng lượng 30-35 kcal/kg cân nặng/ngày, chất đạm 15-20% tổng năng lượng, nhu cầu chất béo 20-25% tổng năng lượng, chất đường bột 50 -65% tổng năng lượng.

Bên cạnh đó, cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất theo lứa tuổi, trong đó chú trọng tăng cường các thực phẩm giàu vitamin A, C, D, E; các thực phẩm giàu kẽm và selen. Rau xanh 300g/ngày, hoa quả 200g/ngày.

Người bệnh cũng được khuyến khích uống nhiều nước (40-45ml/kg cân nặng/ngày), nên uống nước ấm và rải rác trong ngày, tránh tình trạng chỉ uống khi thấy khát, nên uống nước lọc, nước ép hoa quả. Đặc biệt, người bệnh có sốt nên uống Orezol để bù nước và điện giải.

Đối với trẻ em cần định kỳ theo dõi tình trạng dinh dưỡng của trẻ bằng cân nặng và lượng thức ăn trẻ ăn vào. Trong đó, chú ý chế độ ăn cân đối hàng ngày với 4 yếu tố chính: lipid (lipid động vật và lipid thực vật), vitamin và khoáng chất, thành phần các chất sinh năng lƣợng (protein, lipid, carbohydrate), protein (protein động vật và thực vật).

Trẻ phải ít nhất có 1 bữa ăn trong ngày có cân đối khẩu phần.

Bên cạnh đó, hàng ngày phải  cho trẻ ăn ít nhất là 5 trong 8 nhóm thực phẩm (nhóm tinh bột, nhóm sữa và chế phẩm sữa, nhóm dầu mỡ, nhóm rau củ, nhóm thịt cá, nhóm trứng, nhóm các loại hạt, nhóm rau củ màu vàng-xanh thẫm).

Cũng giống như người lớn, trẻ em cũng hạn chế ăn quá nhiều đồ ngọt (khuyến nghị lượng đường 5% tổng năng lượng ăn vào). Cung cấp đủ nước, đặc biệt nước trái cây tươi, tránh uống nước ngọt công nghiệp.

Đồng thời, khuyến khích trẻ 1-2 tuổi sữa công thức tối thiểu 600ml/ngày (trẻ không có sữa mẹ) và trẻ 2 tuổi 500 ml/ngày sữa công thức theo tuổi/ngày đủ đáp ứng dinh dưỡng cho tăng trưởng và cân bằng dinh dưỡng (không cần bổ sung đa vi chất).

Trường hợp trẻ kém ăn, ăn không đủ lượng theo khuyến nghị thì phải dùng công thức hỗ trợ dinh dưỡng đường uống có đậm độ năng lượng cao (1Kcal/ml) thay thế hoàn toàn hay một phần cho sữa công thức thông thường.

Đặc biệt, tránh thức ăn gây nôn và buồn nôn bằng những khẩu vị trẻ thích, thức ăn dễ tiêu hóa và có giá trị dinh dưỡng cao.

Phạm Sinh

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/ 

Mã số chuẩn quốc tế (ISSN): e-ISSN 3093-3269

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected] 

Thông tin toà soạn | Ngân hàng- Tài chính I Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính